Hậu Lộc (Thanh Hóa): Dự án Khu dân cư gần 90 tỷ vi phạm Luật đấu thầu

Dù chưa thực hiện xong công tác bồi thường, GPMB đồng nghĩa chưa có đất sạch, nhưng chủ đầu tư là UBND huyện Hậu Lộc đã cho tiến hành tổ chức đấu thầu. Vi phạm quy định của Khoản 3 Điều 17 của Luật đấu thầu năm 2013.
By Nhóm PV
05/06/2020 15:50

Ngày 05/6/2019, ông Nguyễn Văn Luệ (Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc) có Quyết định số 1540/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Hạ tầng khu dân cư mới phía Tây Bắc đường QL10 xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc.

Ngày 02/10/2019, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc ban hành Quyết định số 5975/QĐ-UBND về việc phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán công trình với tổng mức đầu tư gần 90 tỷ đồng và diện tích Quy hoạch là 13,4ha.

UBND huyện Hậu Lộc – Chủ đầu tư của dự án 90 tỷ

Ngày 10/10/2019, ông Luệ tiếp tục ký Quyết định số 6046/QĐ-UBND về việc Phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Đến ngày 25/10/2019, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hậu Lộc có thông báo mời thầu dự án. Theo đó, gói thầu số 04 thi công xây dự công trình (bao gồm chi phí hạng mục chung) cung cấp lắp đặt thiết bị bảo hiểm công trình Dự án: Khu dân cư mới phía Tây Bắc đường QL10 xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc với giá mời thầu là 86.771.400.000.

Ngày 12/11/2019, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc ký Quyết định số 6814/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng về mặt kỹ thuật gói thầu số 04 thi công xây dựng công trình: Hạ tầng khu dân cư mới phía Tây Bắc đường QL10 xã Hoa Lộc. Đến ngày 18/11/2019, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc ban hành Quyết định số 6895/QĐ – UBND về việc phê duyệt Kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 04. Đơn vị được chủ đầu tư "chọn mặt gửi vàng" là Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Minh Tuấn có địa chỉ số 45, phố Cao Sơn, phường An Hoạch, TP. Thanh Hóa với giá trúng thầu là 86.725.740.000 đồng. Tiết kiệm khoảng 45 triệu.

Theo tìm hiểu của PV, đến nay phần diện tích được quy hoạch xây dựng dự án Hạ tầng Khu dân cư mới phía Tây Bắc đường QL10 xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong nhưng chủ đầu tư đã “vội vàng” tổ chức đấu thầu dự án. Điều đáng nói, khi đơn vị tư vấn cho chủ đầu tư lập kế hoạch đấu thầu, lập hồ sơ mời thầu, đánh giá lựa chọn nhà thầu, thẩm định hồ sơ mời thầu, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, lập và thẩm định dự toán, tư vấn xử lý tình huống trong đấu thầu, tư vấn đàm phán lựa chọn nhà thầu, tư vấn đàm phán thỏa thuận hợp đồng... bằng cách nào để HSMT có thể lọt khe các phòng ban chuyên môn, thậm chí đã trình cho ông Nguyễn Văn Luệ ký phê duyệt kết quả trúng thầu khi biết mặt bằng chưa sạch?

Như vậy, quá trình lập, thẩm định, phê duyệt HSMT và việc lập, phê duyệt phương án bồi thường, GPMB; để xảy ra sự cố khi biết rõ mặt bằng chưa sạch, trách nhiệm này thuộc về các cơ quan nào? Đồng thời, phần diện tích chưa GPMB xong đã đủ điều kiện là đất của dự án hay chưa?.

Quyết định phê duyệt trúng thầu đã được ban hành cách đây 6 tháng nhưng đơn vị thi công vẫn chưa có mặt bằng để thực hiện dự án.

Trao đổi với PV, một vị Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hậu Lộc cho biết: “Hiện tại, dự án chưa thi công vì chưa thực hiện xong công tác GPMB. Việc tổ chức đấu thầu khi chưa thực hiện công tác GPMB là có. Nói chung trên địa bàn các công trình cứ đấu thầu xong đến đâu thì bọn anh giải phóng mặt bằng xong đến đó”.

Theo một chuyên gia bên lĩnh vực đấu thầu cho rằng: Việc đưa thông tin trong HSMT không đúng, không đủ hoặc cố tình đưa thông tin sai lệch số liệu trong hồ sơ mời thầu gói thầu có thể bị hủy theo quy định tại Khoản 3 Điều 17, Luật đấu thầu năm 2013 số 43/2013/QH13. Bởi khi hồ sơ mời thầu bị sai lệch sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, làm sai lệch giá trị bỏ thầu và kết quả đấu thầu lựa chọn nhà thầu sẽ không chính xác.

comment Bình luận

largeer