Nghệ An: Khó khăn trong công tác tái đàn lợn ở nông thôn

Sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế, Nghệ An đã có những kế hoạch để đẩy mạnh việc tái đàn. Tuy nhiên, do giá lợn giống tăng cao gấp 2-3 lần so với trước dịch và khan hiếm nên người chăn nuôi gặp không ít khó khăn.
By Phạm Thắng – Thu Hiền
04/06/2020 11:12

Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, trước khi có dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn ở Nghệ An là 901.000 con. Trong đó, đàn lợn nái có 163.973 con (lợn nái do nông hộ nuôi 110.000 con, trong các trang trại 53.725 con). So với thời điểm Nghệ An chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi (đầu năm 2019) thì đàn lợn nái giảm tới 13.023 con.

Do lợn giống giá đắt gấp 2-3 lần nên gia đình anh Vũ Đình Tuấn mới chỉ đầu tư nuôi 20 con lợn thịt.

Dịch tả lợn châu Phi đã làm thiệt hại khoảng trên 95.000 con trong tổng số đàn lợn của tỉnh Nghệ An. Sau khi dịch bùng phát, tỉnh Nghệ An cũng đã thực hiện chủ trương của Chính phủ là tập trung quyết liệt tăng đàn và tái đàn lợn. Tuy nhiên, dịch bệnh ở Nghệ An kết thúc muộn, do đó việc tăng đàn, tái đàn chậm hơn so với các địa phương khác. Hiện, tổng đàn lợn ở Nghệ An đã quay lại được khoảng 910.000 con. Như vậy, so với số lượng bị tiêu hủy và thời điểm dịch cao điểm nhất thì hiện tại Nghệ An đã tăng và tái đàn khoảng 2/3 mức thiệt hại.

Theo khảo sát, giá lợn giống hiện tại trên thị trường Nghệ An dao động từ 1,4 - 1,7 triệu đồng/con; lợn siêu nạc từ 2,5 - 3 triệu đồng/con. Giá lợn thịt hơi trên địa bàn Nghệ An vẫn "neo" ở mức cao, từ 84.000 - 87.000 đồng/kg, đắt gấp 2-3 lần so với trước đây.

Là một trong những hộ gia đình chăn nuôi gia trại lợn của huyện Yên Thành bị thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn Châu Phi, anh Vũ Đình Tuấn (SN 1973, trú xóm 12 xã Xuân Thành, huyện Yên Thành) cho biết: “Năm ngoái, gia đình tôi nuôi 3 lứa với tổng 150 con lợn. Đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua khiến gia đình phải tiêu hủy hơn nửa đàn lợn. Thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Lợn giống hiện tại đắt gấp hai, gấp ba so với trước dịch tả nên gia đình chỉ mới đầu tư nuôi 20 con lợn thịt. Số chuồng còn trống dự tính sẽ cải tạo nuôi gia cầm thay thế”.

Người dân gặp khó khăn trong việc tái đàn lợn

Không chỉ đắt đỏ mà hiện tại, lợn giống trên thị trường cũng khá khan hiếm. Các công ty lớn, trại lớn có nái hầu hết đều giữ lại con giống để nuôi thành lợn thịt thương phẩm, còn các nông hộ nhỏ lẻ thì hiện nguồn lợn nái hầu hết đã bị tiêu hủy do dịch, số lượng còn lại không nhiều và khi bán lợn giống thì thường bán theo đàn chứ không bán nhỏ lẻ.

Có cùng hoàn cảnh, gia trại của chị Dương Thị Lý (SN 1977, trú xóm 12, xã Xuân Thành, Yên Thành) cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tái đàn lợn. “Sau khi dịch được khống chế, dù đã đủ điều kiện để tái đàn nhưng hiện tại gia đình tôi mới chỉ đầu tư nuôi với số lượng bằng một nửa so với năm ngoái. Nguyên nhân là do hiện nay lợn con đắt đỏ và tâm lý một phần cũng lo sợ dịch tái phát”, chị Lý tâm sự.

Bên cạnh giống lợn con đắt đỏ, chị Dương Thị Lý cũng lo sợ dịch tả tái phát.

Ông Nguyễn Văn Dương – Trưởng phòng NN&PTNN huyện Yên Thành cho biết: “Đợt dịch vừa qua, huyện Yên Thành tiêu hủy hơn 20.000 con lợn. Hiện nay, nguồn lợn giống trên địa bàn đang thực hiện chậm. Nguyên Nhân do tâm lý sợ dịch bùng phát trở lại của người dân, bên cạnh đó giá giống lợn quá cao. Để đảm bảo an toàn cho công tác tái đàn, huyện đã chỉ đạo người dân vệ sinh chuồng trại, tiến hành chăn nuôi an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng giám sát các khu vực có nguy cơ tiềm ẩn nguồn bệnh. trong thời gian này, chú trọng tái đàn lợn anis nhằm hạ nhiệt vấn đề giá cả của lợn giống. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý chất lượng con giống và thức ăn. Sau khi người dân tập trung tái đàn đã xuất hiện một số doanh nghiệp, cơ sở tăng giá thức ăn, thức ăn kém chất lượng. Phấn đấu cuối năm 2020, Yên Thành sẽ hoàn thành công tác tái đàn trên địa bàn huyện”

Có cùng nhận định, ông Nguyễn Công Trung – Trưởng phòng NN&PTNN huyện Tân Kỳ chia sẻ: trong đợt tả lợn Châu Phi vừa qua, Tân kỳ giảm gần 10.000 con, ảnh hưởng nặng nề tới việc chăn nuôi của người dân. Hiện tại, nông dân Tân Kỳ chưa thể tái đàn được bởi do giá lợn giống trên địa bàn quá cao, nguồn giống lại vô cùng khan hiếm, bên cạnh đó,các cơ sở đủ điều kiện tái đàn cũng ít, trước đây người dân nuôi nhỏ lẻ, tận dụng nên điều kiện chuồng trại không đảm bảo. Huyện đang nỗ lực triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân tái đàn.

Từ khóa Từ khóa:
dịch bệnh Nghệ An
comment Bình luận

largeer