Những thiết bị y tế nào ở Bệnh viện Bạch Mai bị nâng khống giá?

Bệnh viện Bạch Mai hiện nay sử dụng rất nhiều thiết bị robot hỗ trợ phẫu thuật xương khớp, thần kinh... Trong đó, robot Rosa do Công ty BMS được xác định đã bị nâng khống nhiều lần.
By N.N/ Sức Khỏe Cộng Đồng
05/09/2020 07:27
Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS trong vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Tuổi Trẻ).

Robot hỗ trợ phẫu thuật bị nâng khống khiến bệnh nhân phải trả thêm 18 triệu đồng

Tin tức về vụ án nâng khống thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ đang là tâm điểm chú ý của dư luận.

Theo tin tức từ VTV, thiết bị được xác định đã bị thổi giá là robot Rosa hỗ trợ trong phẫu thuật sọ não, có xuất xứ Pháp.

Theo trích xuất thông tin từ hải quan, máy robot Rosa được Công ty BMS nhập khẩu vào chỉ với giá gần 7,4 tỷ đồng. Cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ, ước tính khoảng 10 tỷ đồng.

Với việc thổi khống giá trị máy lên gấp 4 lần giá trị thực, Công ty BMS và Bệnh viện Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền cao gấp nhiều lần số tiền họ phải trả.

Trả lời tại buổi họp báo Chính phủ chiều tối 4/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: Kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã xác định có một số cá nhân của Công ty cổ phần công nghệ y tế và Công ty Cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội có thủ đoạn gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.

Cụ thể, trong việc lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận hệ thống hỗ trợ phẫu thuật thần kinh nhập khẩu có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng (đã bao gồm thuế VAT), nhưng các đối tượng này đã câu kết với nhau, nâng khống giá hệ thống lên 39 tỷ đồng và được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai.

“Giá hệ thống robot 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy mỗi ca bệnh hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai 39 tỷ đồng thì người bệnh phải trả chi phí khấu hao máy là 23 triệu đồng/ca, chênh lệch hơn 18 triệu đồng/ca”, ông Xô thông tin.Trong các năm từ 2017 đến 2019, Bệnh viện Bạch Mai thanh toán tổng cộng 550 ca, chi phí chênh lệch các đối tượng hưởng lợi, chiếm đoạt của người bệnh hơn 10 tỷ đồng.

Còn những thiết bị nào ở Bạch Mai bị nâng khống?

Theo tìm hiểu của PV, Bệnh viện Bạch Mai hiện nay có rất nhiều loại máy móc, robot hiện đại được lắp đặt nhằm hỗ trợ các bác sĩ trong phẫu thuật xương khớp.

Giá sử dụng các loại dịch vụ này mỗi lần tương đối cao. Tuy nhiên, theo giải thích của các bác sĩ, khi sử dụng máy sẽ cho độ chính xác, tránh được tối đa rủi ro trong phẫu thuật, nhiều trường hợp bệnh lý phức tạp nếu không sử dụng máy nguy cơ rủi ro rất cao.

Trong một bài viết trên website của Bệnh viện Bạch Mai đăng tải năm 2018 có tiêu đề "Trên 500 bệnh nhân đã được phẫu thuật bằng robot thành công tại bệnh viện Bạch Mai" đưa ra con số sau 1 năm triển khai Robot phẫu thuật tại Bệnh viện Bạch Mai.

Hệ thống Robot Rosa tại Bệnh viện Bạch Mai được cho đã bị nâng khống để thu tiền khấu hao từ bệnh nhân.

Hệ thống Robot Rosa tại Bệnh viện Bạch Mai được cho đã bị nâng khống để thu tiền khấu hao từ bệnh nhân.

Phát biểu tại buổi họp báo, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc bệnh viện Bạch Mai (hiện đã nghỉ hưu) cho biết: Bệnh viện Bạch Mai đã là bệnh viện đầu tiên trong cả nước ghi dấu ấn khi ứng dụng 1 loạt các hệ thống Robot và định vị không gian 3 chiều (Oarm) trong phẫu thuật, trong các lĩnh vực: chấn thương chỉnh hình (hệ thống Robot Mako), phẫu thuật thần kinh (hệ thống Robot Rosa) và phẫu thuật cột sống (hệ thống O.arm và định vị không gian 3 chiều).

Rất nhiều bệnh nhân đã được phẫu thuật nhờ ứng dụng các hệ thống Robot này tại Bệnh viện Bạch Mai.

Một số người từng là bệnh nhân điều trị bằng một trong những phương pháp kể trên cho rằng: Dĩ nhiên không thể phủ nhận được công sức của đội ngũ y bác sĩ lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, không phủ nhận thành quả mà các thiết bị hiện đại mang lại bởi nhờ những điều đó bệnh lý của họ mới được chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên trước thông tin giá thành chi phí phải trả đắt gấp 4-5 lần bởi thiết bị bị nâng khống họ nói rằng rất thất vọng.

"Cho chọn lựa lại tôi vẫn cứ chọn phẫu thuật như thế nhưng giá cả công khai có khi các bệnh nhân nghèo khác cũng được chữa trị rất thành công...", anh H. một người có bệnh lý về xương khớp từng được phẫu thuật bằng robot ở Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Liên quan đến câu hỏi có bao nhiêu thiết bị y tế ở Bạch Mai bị nâng khống giá trị? Thông tin từ tờ Tuổi Trẻ TP HCM phản ánh, tại Bệnh viện Bạch Mai không chỉ có robot Rosa bị nâng khống giá. Một thiết bị khác là robot Mako sử dụng trong phẫu thuật thay thế khớp gối, khớp háng cũng do Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) cung cấp cho bệnh viện bị "thổi giá" với số tiền rất lớn, khoảng 20 tỷ đồng.

"Hợp đồng liên danh liên kết số 01 ngày 27/2/2017 do ông Nguyễn Quốc Anh đại diện bệnh viện ký với Công ty BMS.

Theo hợp đồng, tổng giá trị đầu tư thiết bị robot Mako là 44 tỷ đồng, do Công ty BMS đầu tư 100% vốn. Thời hạn liên kết là 7 năm (đến 27/2/2024), sau khi trừ thuế thu nhập và các chi phí chung thì công ty được chia lợi nhuận 50% và bệnh viện hưởng 50%.

Tuy nhiên cũng với những thủ đoạn tinh vi như nâng giá robot Rosa, thiết bị robot Mako cũng bị "thổi giá" trước khi đưa vào Bệnh viện Bạch Mai.

Trên thực tế, thiết bị này khi nhập về Việt Nam được khai báo hải quan có giá 23.940.000.000 đồng. Như vậy, số tiền được nâng lên khi đưa robot Mako vào bệnh viện là 20 tỷ. Từ đó, số tiền mà người bệnh phải trả khi sử dụng dịch vụ này cũng bị nâng lên nhiều lần.

Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nói gì?

Chia sẻ với Tuổi Trẻ TP HCM, ông Nguyễn Quốc Anh cho hay: Theo Thông tư 15 của Bộ Y tế, giá thiết bị đưa vào kinh doanh liên kết phải căn cứ vào giá mà các đơn vị khác trúng thầu trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, thời điểm robot Rosa được đưa vào bệnh viện, về lĩnh vực sọ não không có đơn vị nào 6 tháng trước đó trúng thầu nên phải căn cứ vào chứng từ thẩm định giá.

"Bệnh viện đã thuê đơn vị thẩm định giá và làm đúng theo quy định", ông Quốc Anh nói. Công ty BMS đưa ra mức giá và trên giấy tờ robot Rosa đã là 39 tỷ.

Sau đó, BMS báo giá với bệnh viện cũng là 39 tỷ, lúc này bệnh viện đã thuê đơn vị thẩm định theo đúng thông tư 15 của Bộ Y tế", ông Quốc Anh nói.

Về thông tin robot Rosa khi nhập về qua cửa hải quan cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ chỉ có giá hơn 10 tỷ, ông Quốc Anh nói "tôi không biết việc này".

Về thiết bị robot Mako, ông Quốc Anh cũng giải thích đây là thiết bị xã hội hóa, Công ty BMS đầu tư 100% và đưa vào bệnh viện, sau đó căn cứ vào chứng từ thẩm định giá tạo nên giá thành. Từ giá thành 44 tỷ, công ty và bệnh viện xác lập nên giá điều trị bệnh.

Ông Nguyễn Quốc Anh nói: "Tôi khẳng định tuyệt đối không có bất kỳ lợi ích nhóm hay lợi ích của một cá nhân nào. Kể cả tiền khấu hao máy Công ty BMS cũng thu về chứ bệnh viện không chia chác gì số tiền đó. Tập thể hay cá nhân không ai hưởng một xu nào trong việc này. Bệnh viện hoàn toàn làm theo quy trình, quy định của pháp luật.

Trong vụ việc này bệnh viện cũng là một nạn nhân, bệnh viện cũng chỉ làm theo đúng quy định. Bệnh viện cũng không được biết giá thiết bị họ nhập về và bị nâng khống, chúng tôi cũng rất buồn, chúng tôi chỉ làm đúng theo quy định của pháp luật".

Bài liên quan
comment Bình luận

largeer