Ăn thực phẩm đóng hộp ăn như thế nào để không gây hại?

Người tiêu dùng đã tỏ ra lo ngại sử dụng pate và các sản phẩm đóng hộp sau vụ nhiều người bị ngộ độc phải nhập viện do ăn pate Minh Chay. Vậy ăn thực phẩm đóng hộp như thế nào để không gây hại, bài viết dưới đây sẽ giải đáp cho bạn.
04/09/2020 15:53

Thực phẩm đóng hộp là những loại thực phẩm được bảo quản trong thời gian dài bằng phương pháp đóng hộp. Quy trình đóng hộp là chế biến, niêm phong, giữ ấm. Hạn sử dụng cho loại thực phẩm này từ 1 - 5 năm hoặc có thể lâu hơn.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia chia sẻ với báo chí:"Các loại thực phẩm này nếu được sản xuất bởi những nhãn hàng uy tín và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì đa phần không có vấn đề gì, người tiêu dùng vẫn có thể yên tâm sử dụng".

Cách sử dụng thực phẩm đóng hộp an toàn cho sức khỏe

Lưu ý khi chọn mua thực phẩm đóng hộp

Để mua được những thực phẩm đóng hộp an toàn và chất lượng người tiêu dùng cần lưu ý những điểm sau đây:

- Quan sát hình dáng bên ngoài hộp phải sáng bóng, không gỉ, không hở, không phồng.

- Hình dáng bên trong hộp lớp véc ni phải còn nguyên vẹn, không hoen ố, không có mùi hôi tanh kim loại, có mùi vị thơm đặc trưng của từng loại thực phẩm.

- Nhãn mác sản phẩm phải có đầy đủ thông tin như tên sản phẩm; trọng lượng; thành phần chính và các chất phụ gia; nơi sản xuất; địa chỉ sản xuất; hướng dẫn sử dụng; số đăng kí chất lượng, thời gian bảo hành, hạn sử dụng.

- Không nên mua thực phẩm đóng gói mà thời hạn sử dụng còn 1 tháng

- Chọn mua thực phẩm đóng hộp tại các siêu thị lớn.

cach su dung thuc pham dong hop

Không nên mua thực phẩm đóng hộp bị méo, hoen gỉ và phồng rộp

Lưu ý khi đã mở nắp hộp

- Đồ hộp đã mở nắp thì mọi người nên sử dụng trong thời gian ngắn bởi khi nắp mở các vi khuẩn bên ngoài rất dễ tấn công vào thực phẩm gây ảnh hưởng sức khỏe.

- Sau khi mở nắp nhưng không dùng hết đồ hộp thì nên bảo quản trong tủ lạnh và không dùng quá 24 tiếng.

Lưu ý khi ăn thực phẩm đóng hộp

- Hạn chế ăn trực tiếp thực phẩm đóng hộp, nên đun sôi và nấu kĩ trước khi dùng để đảm bảo sức khỏe.

- Nên ăn kèm rau củ và trái cây tươi cùng các loại thịt đóng hộp để bổ sung thêm vitamin và chất xơ.

- Không nên hâm nóng đồ hộp ở nhiệt độ 70-80 độ C vì kim loại gặp nóng có thể bị chảy và ngấm vào thực phẩm.

- Để bảo đảm an toàn, hãy đổ thực phẩm ra ngoài nồi và hâm nóng trên bếp.

- Một tuần chỉ nên ăn 1-2 bữa đối với thực phẩm đóng hộp, không ăn quá nhiều mà nên ưu tiên ăn đa dạng và cân đối các nhóm thực phẩm để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

cach su dung thuc pham dong hop 1

Một tuần không nên ăn quá 2 bữa thực phẩm đóng hộp

Bà bầu và trẻ nhỏ hạn chế sử dụng thực phẩm đóng hộp

- Thực phẩm đóng hộp nghèo chất dinh dưỡng nên hạn chế cho trẻ nhỏ sử dụng. Bà bầu tuyệt đối không dùng thực phẩm đóng hộp.

- Để bảo đảm an toàn, mỗi tháng chỉ sử dụng thực phẩm đóng hộp từ 1 đến 2 lần.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cao, một số người cũng nên hạn chế ăn đồ hộp như: Người béo phì, đái tháo đường, máu nhiễm mỡ, người tăng huyết áp… Bởi, các thực phẩm đóng hộp thường có hàm lượng chất béo cao và khá mặn ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe cho nhóm người kể trên.

Cẩn trọng với BPA trong các loại thực phẩm đóng hộp

Theo các chuyên gia, BPA (Bisphenol – A) là một chất hóa học thường được sử dụng trong các loại chai nhựa, hộp nhựa đựng thức ăn và làm lớp lót trong các hộp thiếc đựng thực phẩm.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, BPA ở lớp trong cùng của hộp có thể sẽ di chuyển vào thực phẩm đựng trong chiếc hộp đó. Một nghiên cứu kiểm tra 78 chiếc hộp đựng thực phẩm và thấy rằng có 90% số hộp có chứa BPA. Thêm vào đó, những nghiên cứu khác còn chỉ ra rằng, ăn thực phẩm đóng hộp là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến việc phơi nhiễm với BPA. Điều này gây ra rất nhiều hệ lụy với sức khỏe như gây ra bệnh tim mạch, đái tháo đường, rối loạn sinh dục nam...

 Do đó, cần lưu ý kiểm tra bao bì của các loại đồ hộp xem có chứa BPA hay không trước khi mua để tránh các hệ lụy không mong muốn.

 

comment Bình luận

largeer