“Bệnh lạ” xuất hiện khiến da trâu, bò biến dạng, nổi cục

“Bệnh lạ” ở trên trâu bò này đã xuất hiện tại hàng chục xã, thị trấn của Hà Tĩnh. Cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy một số trâu, bò mắc bệnh và đang tích cực phòng, chống dịch.
27/02/2021 10:50

Lây lan nhanh

Chỉ trong một thời gian ngắn, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò tại Hà Tĩnh đã xuất hiện và bùng phát ở 34 xã ở 8 huyện, thành phố, thị xã. Công tác khoanh vùng, khống chế dịch bệnh mặc dù được các địa phương, ngành chuyên môn triển khai nhưng dịch bệnh vẫn đang có chiều hướng phức tạp.

Vào ngày 15/12/2020, một dịch bệnh lạ với các triệu chứng: Sốt cao, chướng bụng, nổi nhiều cục sần trên toàn thân, có những nốt sần lâu ngày bị hoại tử… đã xuất hiện trên 14 con bò của 11 hộ dân ở thôn Đông Thắng, xã Mai Phụ (huyện Lộc Hà).

Cho đến chiều tối 23/1/2021, bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện trên 237 con trâu, bò của các hộ dân ở tỉnh Hà Tĩnh và có dấu hiệu không thuyên giảm. Đây là lần đầu tiên ở khu vực này xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò khiến nông dân lo lắng.

Theo phản ánh của các hộ chăn nuôi, qua hàng chục năm chăn nuôi trâu bò trên địa bàn nhưng người dân chưa bao giờ thấy đàn gia súc có biểu hiện bệnh như thế nên bà con đã tự điều trị bằng thuốc tím và các loại thuốc trợ sức, trợ lực nhưng tình hình diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Theo kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng 3 (thuộc Cục Thú y), các mẫu bệnh phẩm được lấy trên các con bò của người chăn nuôi ở Mai Phụ mắc bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. Từ xã Mai Phụ, đến nay ổ dịch đã xuất hiện tại tám xã ở Lộc Hà với 160 con bị bệnh, trong đó địa phương đã tiến hành tiêu hủy 25 con.

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà Phan Văn Thanh cho biết, trước diễn biến phực tạp của dịch bệnh, địa phương đã kiện toàn ban chỉ đạo chống dịch tại các xã, tổ chức ký cam kết nuôi nhốt tại nhà ở vùng có dịch, thông tin rộng rãi tình hình dịch bệnh với bà con, cử cán bộ theo dõi sát tình hình để có hướng xử lý, khoanh vùng các ổ dịch.

“Tại các xã đã được tiêm phòng thí điểm tình hình dịch bệnh có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên tại các địa phương khác, dịch bệnh vẫn đang có chiều hướng phức tạp do ý thức phòng, chống dịch bệnh của nhiều hộ chăn nuôi ở một số địa phương vẫn còn rất hạn chế, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông. Ngoài ra, do đây là loại dịch bệnh mới nên vẫn chưa có phác đồ điều trị cụ thể, chi tiết khiến công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn”, ông Phan Văn Thanh cho biết.

Sau Lộc Hà, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò lần lượt xuất hiện ở Thạch Hà, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Can Lộc… Thời điểm này, huyện Cẩm Xuyên là một trong những địa bàn “nóng” của tỉnh về dịch bệnh viêm da nổi cục. Các ổ dịch đang lây lan trên quy mô rộng hơn, số lượng trâu bò nhiễm bệnh tăng liên tục.

Đến nay, dịch đã xuất hiện tại 10 xã, thị trấn gồm: Cẩm Mỹ, Cẩm Hưng, Cẩm Thịnh, thị trấn Cẩm Xuyên, Yên Hòa, Cẩm Lộc, Cẩm Vịnh, Nam Phúc Thăng, Cẩm Duệ, Cẩm Quan. Tổng số trâu bò bị bệnh đến thời điểm này là 146 con (chủ yếu là bò), trong đó, có tám con bị chết buộc phải tiêu hủy. Công tác phun, khử trùng, điều trị cho trâu, bò đã được tiến hành.

14-(2)

Sẽ tiêm vắc-xin cho 5.000 con trâu, bò

Đây là dịch bệnh lần đầu xuất hiện. Bởi thế, quá trình chỉ đạo còn hạn chế, lúng túng. Hơn nữa, xã lại là địa phương có tổng đàn trâu, bò lớn, đứng tốp đầu của huyện (hơn 3.700 con) về mật độ chăn nuôi. Đặc biệt, thức ăn dự trữ tại xã cạn kiệt do trận lũ lịch sử vào tháng 10/2020 nên việc yêu cầu người dân thực hiện nghiêm nuôi, nhốt vật nuôi ở nhà, nhất là ở các vùng có dịch, càng khó khăn hơn.

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, qua theo dõi nhận thấy, diễn biến bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn tỉnh khá phức tạp, có chiều hướng lây lan nhanh, tỷ lệ chết khá cao (tỷ lệ chết chiếm 7% tổng số gia súc mắc bệnh) và nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan trong thời gian tới là rất cao.

Với điều kiện chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ, chuồng trại chăn nuôi đa số ẩm thấp, khó áp dụng triệt để các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, là điều kiện để virus lưu giữ, phát triển trong môi trường và lây nhiễm nhanh thời gian qua.

Bệnh viêm da nổi cục do virus gây ra, trong khi đó vắc-xin viêm da nổi cục đang sử dụng ở diện thí điểm, chưa sử dụng tiêm phòng đại trà cho đàn trâu bò trên địa bàn, khó khăn rất lớn cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Đặc biệt, dịch viêm da nổi cục là bệnh mới, nên việc giám sát, phát hiện của người chăn nuôi, thú y cơ sở còn chậm. Do đó, từ một ổ dịch được phát hiện ban đầu, sau chưa đầy hai tháng, dịch viêm da nổi cục trên trâu bò đã lan rộng ra 91 thôn ở 34 xã, tại tám huyện, thành phố, thị xã, với gần 600 con gia súc mắc bệnh, trong đó đã chết và tiêu hủy 38 con.

Được biết, hiện nay tỉnh Hà Tĩnh đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cung cấp vắc-xin phòng, chống bệnh viêm da nổi cục để tiêm thử thí điểm cho 5.000 con trâu, bò ở Thạch Hà, Lộc Hà, trang trại bò sữa Vinamilk ở Hương Sơn.

Theo cán bộ thú y, bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò không lây sang người. Khi người dân phát hiện trâu bò có triệu chứng bệnh thì báo cáo cán bộ thú y và UBND xã sở tại để được triển khai các biện pháp chữa bệnh tránh dịch lây lan.

Theo GDTĐ

comment Bình luận

largeer