Chuyên gia: 'Tiến sĩ mua bằng giả của ĐH Đông Đô vừa không có tài lại không có đức'

Nhiều chuyên gia lên án những người mua bằng giả của ĐH Đông Đô để bảo vệ luận án tiến sĩ, thạc sĩ, hoặc thi công chức, luồn sâu vào bộ máy.
By Nguyễn Nam (T/H)/ Sức Khỏe Cộng Đồng
01/12/2020 06:58
Nhiều chuyên gia lên án những người mua bằng giả của ĐH Đông Đô.

Nhiều chuyên gia lên án những người mua bằng giả của ĐH Đông Đô.

Liên quan đến những sai phạm tại Trường ĐH Đông Đô vừa được cơ quan điều tra kết luận, trong đó nêu ra việc hàng trăm người mua, sử dụng bằng giả của ĐH này gây xôn xao dư luận.

Đặc biệt, thông tin có 55 trường hợp sử dụng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức...khiến dư luận rúng động.

55 người mua bằng giả ĐH Đông Đô làm tiến sĩ, cán bộ... vừa không có tài lại không có đức

Trao đổi với PV, về vụ việc này, nhiều chuyên gia giáo dục là các giáo sư, tiến sĩ kỳ cựu đã lên án mạnh mẽ hành vi "mua bán" sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô để làm tiến sĩ, thạc sĩ, thi công chức, chui vào bộ máy chính quyền.

Bên cạnh đó, hầu hết bạn đọc và các chuyên gia đều cho rằng, cơ quan chức năng cần công khai danh tính 55 trường hợp sử dụng bằng giả nói trên để dư luận được biết.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) chia sẻ: “Đây là những người không có tài mà cũng không có đức. Họ hoàn toàn ý thức được hành vi của mình là sai trái thế nhưng họ vẫn làm.

Tiến sĩ, cán bộ mà còn đi mua bằng giả, vậy thì còn dạy được ai, nói được ai. Đây là hành vi rất đáng lên án, thách thức sự trong sạch của nền giáo dục, tạo ra thói giả dối trong bộ máy chính quyền. Nếu không xử lý nghiêm sẽ tạo ra tiền lệ rất xấu”, ông Lê Viết Khuyến nói.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, các cơ sở mà 55 người này đang công tác, làm việc cần áp dụng hình thức kỷ luật, thậm chí là buộc phải rời khỏi cơ sở giảng dạy.

TS. Khuyến cũng đề nghị: Nhân sự việc này, Bộ GD&ĐT cũng nên rà soát hoạt động của các đơn vị. Hiện nay vẫn còn tồn tại kẽ hở trong công tác tuyển sinh của các trường mà nguyên nhân một phần đến từ sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ.

"Sau vụ việc tại Trường ĐH Đông Đô, nếu có bằng chứng về sai phạm của các trường thì cần xử lý nghiêm, tránh tạo tiền lệ xấu. Ngoài ra đối với những trường vẫn chịu sự quản lý của Bộ GD&ĐT, Bộ cần phải giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không thể thả nổi”, ông Khuyến nói.

Nói về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, ông Khuyến cho rằng Bộ cần giải trình rõ việc quản lý tuyển sinh của Trường ĐH Đông Đô, trong đó bao gồm cả việc hậu kiểm. Cần làm rõ nguyên nhân vì sao để sai phạm diễn ra kéo dài tại Trường ĐH Đông Đô mà không thể phát hiện.

Cần nêu danh tính những người gian dối "mua bằng giả" ĐH Đông Đô để làm gương

Chung quan điểm trên, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng cần phải loại bỏ các đối tượng mua bán bằng cấp tại Trường ĐH Đông Đô khỏi bộ máy chính quyền, trong đó, chia làm 2 nhóm.

Nhóm đầu tiên là hội đồng quản trị và những người tham gia vào việc cấp bằng giả, bằng khống. Nhóm thứ hai là những người sử dụng bằng cấp giả để leo cao vào bộ máy Nhà nước.

"Những người sử dụng bằng cấp giả của ĐH Đông Đô hoàn toàn ý thức được rằng loại bằng cấp này không sử dụng được và trái quy định của pháp luật. Điều này chứng tỏ họ biết sai mà vẫn cố tình làm. Chính vì thế, cần phải xử lý những người như vậy để răn đe và tránh tạo tiền lệ xấu", ông Nhĩ nêu quan điểm.

Chia sẻ với báo chí, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, bản thân thấy rất bức xúc về sự việc "mua - bán" bằng giả xảy ra tại ĐH Đông Đô.

Theo ông Tiến, qua kết luận điều tra của Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã cho thấy, có không ít người là cán bộ đã mua bằng tiếng Anh giả của ĐH Đông Đô để làm tiến sĩ, thạc sĩ, thăng tiến trong các cơ quan, tổ chức.

"Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng liên quan cần khẩn trương rà soát để công khai danh tính những người đã mua văn bằng 2 Tiếng Anh giả của trường ĐH Đông Đô nhằm những mục đích phục vụ lợi ích cho bản thân dù người đó là ai, đang giữ chức vụ gì.

Nêu danh tính những người gian dối đó để làm gương cho các thế hệ sau và là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người sau này không dám làm như vậy nữa", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, nếu không công khai, xử lý nghiêm những người dùng bằng giả, bằng bất hợp pháp do ĐH Đông Đô cấp sẽ tạo tiền lệ xấu, giúp họ leo cao, luồn sâu vào bộ máy gây nguy hại cho đất nước.

"Những người này đã vi phạm pháp luật, lừa dối Đảng, Nhà nước, cơ quan tổ chức và làm vấy bẩn vào nền giáo dục, khiến niềm tin của người dân vào bộ máy cán bộ bị suy giảm, do đó, không có lý gì mà không công khai danh tính.

Thanh tra Bộ GD&ĐT, Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc để có hình thức xử lý, loại những người mua bằng, mua điểm này ra khỏi bộ máy. Đồng thời, tiếp tục xem xét xử lý theo các quy định của Đảng, bộ Luật Giáo dục, pháp luật cán bộ, công chức, viên chức, luật hình sự ", ông Tiến nhấn mạnh và cho hay, những người mua, sử dụng bằng giả này không còn xứng đáng là cán bộ, đảng viên.

Ông nói thêm, trong vụ việc cấp bằng giả ở ĐH Đông Đô, ngoài vấn đề liên quan đến "cung cầu" còn có trách nhiệm của cơ quan chức năng thuộc Bộ GD&ĐT. Do đó, ông Tiến đề nghị, cùng với việc xử lý người "mua - bán" bằng giả thì cũng phải làm rõ trách nhiệm, xử lý các cá nhân, đơn vị sai phạm thuộc Bộ GD&ĐT.

comment Bình luận

largeer