Acarbose và tác dụng của thuốc Acarbose

Acarbose và tác dụng của thuốc Acarbose trong đó có thành phần, tác dụng, cách dùng, liều dùng tác dụng phụ và khuyến cáo, số đăng ký của nhà sản xuất hoặc các bác sĩ, dược sĩ
10/10/2017 16:21

+ Toa thuốc Acarbose theo công bố của nhà sản xuất hoặc cơ quan y tế. Đây là thông tin tham khảo. Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào.

Nhóm Dược lý:
Tên Biệt dược : Dorobay 100mg; Glucobay 100
Dạng bào chế : Viên nén; Viên nén bao phim
Thành phần : Acarbose
 Acarbose và tác dụng của thuốc Acarbose

Acarbose và tác dụng của thuốc Acarbose

+ Phần thông tin tham khảo + + Dùng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ +
Dược lực :
Acarbose là một pseudotetrasaccharide, có nguồn gốc vi khuẩn. Ở niêm mạc ruột non, acarbose tác động bằng cách ức chế cạnh tranh men alpha-glucosidase, làm giảm quá trình thoái giáng carbohydrate (di, oligo và polysaccharide) thành monosaccharide là dạng có thể hấp thu được. Do đó, acarbose có tác dụng làm giảm đường huyết sau ăn, không làm tăng insulin huyết, không gây đề kháng insulin, bảo tồn tế bào beta, giảm nồng độ HbA1c, triglycerides và giảm các biến chứng do tiểu đường.
Dược động học :
Sau khi uống, acarbose được phân hủy ở ruột bởi các enzyme của vi khuẩn và enzyme ở niêm mạc đường tiêu hóa. Acarbose và chất chuyển hóa của nó được thải trừ qua phân, chỉ 1-2% liều được hấp thu qua niêm mạc đường tiêu hóa và thải trừ hoàn toàn qua thận.Acarbose ít liên kết với protein huyết tương (khoảng 15%). Thời gian bán hủy đào thải bằng đường uống là từ 6 đến 8 giờ.
Do hấp thu kém qua đường tiêu hóa và được chuyển hóa ở ruột, dược động học của acarbose không bị thay đổi ở người già, suy thận hoặc suy gan.
Tác dụng :
Acarbose là một tetrasacharid chống đái tháo đường, ức chế men alpha - glucosidase ruột đặc biệt là sucrase, làm chậm tiêu hóa và hấp thu carbohydrat. Kết quả là glucose máu tăng chậm hơn sau khi ăn, giảm nguy cơ tăng glucose máu, và nồng độ glucose máu ban ngày dao động ít hơn. Khi dùng liệu pháp một thuốc, acarbose làm giảm nồng độ trung bình của hemoglobin glycosylat (vào khoảng 0,6 đến 1%). Giảm hemoglobin glycosylat tương quan với giảm nguy cơ biến chứng vi mạch ở người đái tháo đường. Acarbose không ức chế men lactase và không gây mất dung nạp lactose.

Trái với các thuốc chống đái tháo đường sulfonylurê, acarbose không làm tăng tiết insulin. Acarbose cũng không gây giảm glucose máu lúc đói khi dùng đơn trị liệu ở người. Vì cơ chế tác dụng của acarbose và của thuốc chống đái tháo đường sulfonylurê khác nhau, chúng có tác dụng cộng hợp khi dùng phối hợp; acarbose cũng làm giảm tác dụng tăng cân và giảm tác dụng hướng đến insulin của sulfonylurê. Tuy nhiên, vì acarbose chủ yếu làm chậm hơn là ngăn cản hấp thu glucose, thuốc không làm mất nhiều calo trong lâm sàng và không gây sụt cân ở cả người bình thường và người đái tháo đường. Acarbose có thể thêm vào để giúp cải thiện kiểm soát glucose máu ở người bệnh điều trị ít kết quả bằng các liệu pháp thông thường.
Chỉ định :
Bệnh nhân tiểu đường type 2:
- điều trị đơn độc khi chế độ ăn kiêng và vận động không hiệu quả.
- điều trị phối hợp với các thuốc hạ đường huyết dạng uống khác.
Bệnh nhân tiểu đường type 1:
- hỗ trợ liệu pháp insulin.
Chống chỉ định :
Quá mẫn với acarbose.
Viêm nhiễm đường ruột, đặc biệt kết hợp với loét.
Do thuốc có khả năng tạo hơi trong ruột, không nên dùng cho những người dễ bị bệnh lý do tăng áp lực ổ bụng (thoát vị).
Những trường hợp suy gan, tăng enzym gan.
Người mang thai hoặc đang cho con bú.
Hạ đường máu.
Ðái tháo đường nhiễm toan thể ceton.
Thận trọng lúc dùng :
Vì có những trường hợp tăng enzym gan nên cần theo dõi transaminase gan trong quá trình điều trị bằng acarbose.
Có thể xảy ra hạ glucose máu khi dùng acarbose đồng thời với một thuốc chống đái tháo đường sulfonylurê và/hoặc insulin. Khi điều trị hạ glucose máu, phải dùng glucose uống (dextrose) mà không dùng sucrose vì hấp thu glucose không bị ức chế bởi acarbose.
Acarbose không có tác dụng khi dùng đơn độc ở những người bệnh đái tháo đường có biến chứng nhiễm toan, tăng ceton hoặc hôn mê; ở những trường hợp này, phải dùng insulin.
Tương tác thuốc :
Trong khi điều trị bằng acarbose, thức ăn chứa đường ăn sacharose (đường mía) thường gây khó chịu ở bụng hoặc có khi ỉa chảy, vì carbohydrat tăng lên men ở đại tràng.
Acarbose có thể cản trở hấp thu hoặc chuyển hóa sắt.
Vì cơ chế tác dụng của acarbose và của các thuốc chống đái tháo đường sulfonylurê hoặc biguanid khác nhau, nên tác dụng của chúng đối với kiểm soát glucose máu có tính chất cộng khi dùng phối hợp.
Vì có thể làm giảm tác dụng của acarbose, cần tránh dùng đồng thời với các thuốc chống acid, cholestyramin, các chất hấp phụ ở ruột và các enzym tiêu hóa.
Tác dụng phụ
Ða số các tác dụng không mong muốn là về tiêu hóa:
- Thường gặp:
Tiêu hóa: Ðầy bụng, phân nát, ỉa chảy, buồn nôn, bụng trướng và đau.
- Ít gặp:
Gan: Test chức năng gan bất thường.
Da: Ngứa, ngoại ban.
- Hiếm gặp: Vàng da, viêm gan
Hướng dẫn cách xử trí tác dụng không mong muốn:
Tác dụng không mong muốn về tiêu hóa có thể giảm khi vẫn tiếp tục điều trị và chỉ cần giảm lượng đường ăn (đường mía). Ðể giảm thiểu các tác dụng phụ về tiêu hóa, nên bắt đầu điều trị bằng liều thấp nhất và tăng dần cho tới khi đạt được kết quả mong muốn.
Không dùng thuốc chống acid để điều trị các tác dụng phụ về tiêu hóa này.
Liều lượng :
Uống acarbose vào đầu bữa ăn để giảm nồng độ glucose máu sau ăn. Liều phải do thầy thuốc điều chỉnh cho phù hợp từng trường hợp, vì hiệu quả và dung nạp thay đổi tùy từng người bệnh. Viên thuốc phải nhai cùng với miếng ăn đầu tiên hoặc nuốt cả viên cùng với ít nước ngay trước khi ăn.
Mục tiêu điều trị là giảm glucose máu sau khi ăn và hemoglobin glycosylat về mức bình thường hoặc gần bình thường với liều acarbose thấp nhất, hoặc dùng một mình hoặc phối hợp với thuốc chống đái tháo đường sulfonylurê. Trong quá trình điều trị ban đầu và điều chỉnh liều phải định lượng glucose một giờ sau khi ăn để xác định sự đáp ứng điều trị và liều tối thiểu có tác dụng của acarbose. Sau đó, theo dõi hemoglobin glycosylat, khoảng 3 tháng một lần (thời gian sống của hồng cầu) để đánh giá kiểm soát glucose máu dài hạn.
Liều lượng:
Liều ban đầu thường dùng cho người lớn: 25 mg. Cứ sau 4 - 8 tuần lại tăng liều cho đến khi đạt được nồng độ glucose sau khi ăn 1 giờ như mong muốn (dưới 180 mg/decilit) hoặc đạt liều tối đa 50 mg, 3 lần mỗi ngày (cho người bệnh nặng 60 kg hoặc nhẹ hơn) hoặc 100 mg, 3 lần mỗi ngày (cho người bệnh nặng trên 60 kg).
Liều duy trì thường dùng: 50 - 100 mg, 3 lần trong ngày. Dùng liều 50 mg, 3 lần mỗi ngày có thể có ít tác dụng phụ hơn mà vẫn có hiệu quả như khi dùng liều 100 mg, 3 lần mỗi ngày.
Tuy nồng độ glucose máu có thể được kiểm soát một cách thỏa đáng sau vài ba ngày điều chỉnh liều lượng nhưng tác dụng đầy đủ của thuốc phải chậm tới sau 2 tuần.
Qúa liều :
Ðiều trị triệu chứng các rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy). Tránh dùng thức uống hay thức ăn có chứa carbohydrate trong 4 đến 6 ngày sau khi quá liều.
Bảo quản:
Thuốc độc bảng B.
Thành phẩm giảm độc: Thuốc viên có hàm lượng tối đa là 100 mg.
Thuốc được bảo quản trong bao bì kín, để ở nhiệt độ dưới 30 độ C.

+ Thông tin về thành phần, tác dụng, cách dùng, liều dùng, tác dụng phụ thuốc Acarbose thường được các nhà sản xuất cập nhật theo toa thuốc mới nhất. Vui lòng tham vấn thêm dược sĩ hoặc nhà cung cấp để có được thống tin mới nhất về thuốc Acarbose

Theo Giadinhonline.vn

Acarbose và tác dụng của thuốc Acarbose tại Sức Khoẻ Cộng Đồng chỉ có tính chất tham khảo, không có giá trị thay thế đơn thuốc, không có giá trị hướng dẫn sử dụng thuốc. Không được tự ý sử dụng thuốc " Acarbose" Việc sử dụng thuốc bắt buộc phải theo đơn của bác sỹ.

comment Bình luận

largeer