“Cuốn nhật ký thứ ba” của Đặng Thùy Trâm: Hồi sinh ký ức, nối dài khát vọng cống hiến

Hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2025), cuốn sách “Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba” ra mắt đã trở thành điểm nhấn đặc biệt trong chuỗi hoạt động tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc. Cuốn sách không chỉ gợi nhớ một thời hoa lửa, mà còn tiếp tục lan tỏa lý tưởng sống cao đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam.
19/07/2025 15:28

Ngày 18/7 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Báo Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ phát triển đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba”. Đây là hoạt động thiết thực hướng về Ngày Thương binh – Liệt sĩ, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc với những người con ưu tú của dân tộc, trong đó có liệt sĩ – bác sĩ Đặng Thùy Trâm. 

Tác giả cuốn sách là chị Đặng Kim Trâm, em gái của nữ bác sĩ, liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Thùy Trâm. Chị đã từng dịch nhiều sách tiếng Anh, viết báo, và là người phụ trách chính các di cảo của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, biên soạn thành sách, cùng với nhiều tư liệu khác liên quan.

Sách gồm một số bài viết trong cuốn sách về nữ bác sĩ trước khi rời Hà Nội vào chiến trường miền nam. Một phần quan trọng trong cuốn sách là Di cảo chưa từng công bố của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm, bao gồm “cuốn nhật ký thứ ba” và một số thư từ với gia đình, bè bạn.

Hồi sinh những trang viết đầu đời

Sau gần 20 năm kể từ ngày “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” lần đầu xuất bản (2005), cuốn nhật ký thứ ba chính thức ra mắt bạn đọc, hé lộ những dòng tâm sự đầu tiên của Thùy Trâm khi còn là sinh viên ngành y tại Hà Nội. Tập sách bao gồm các trang viết từ năm 1965 đến đầu năm 1966, thời điểm trước khi chị lên đường vào chiến trường miền Nam.

Nếu hai cuốn nhật ký trước đây ghi lại cuộc sống và chiến đấu tại chiến khu Quảng Ngãi, thì “cuốn nhật ký thứ ba” là lời tự sự trong sáng, mộc mạc nhưng không kém phần mạnh mẽ của một cô gái trí thức Hà Nội. Trong những dòng nhật ký ấy, người đọc cảm nhận rõ tình yêu gia đình, khát vọng học tập, lý tưởng sống vì cộng đồng và đặc biệt là khát khao dấn thân, cống hiến cho đất nước.

Empty

Quang cảnh buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba 

Cuốn sách là nỗ lực nhiều năm của gia đình, đặc biệt là chị Đặng Kim Trâm – em gái của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm – trong việc sưu tầm, lưu giữ và biên tập lại những trang viết còn sót lại. Không chỉ có nhật ký, sách còn bao gồm những hồi ức, ghi chép của người thân và bạn bè, làm phong phú thêm bức chân dung tinh thần của một người phụ nữ Việt Nam thời chiến.

Tại buổi ra mắt, nhà nghiên cứu Hà Thanh Vân nhận định: “Cuốn sách không đơn thuần là tài liệu cá nhân, mà là minh chứng sống động cho một thế hệ thanh niên trí thức đã lựa chọn lý tưởng sống cao cả trong thời khắc lịch sử của dân tộc”. Những trang viết trong trẻo, chân thành của Thùy Trâm là minh chứng cho vẻ đẹp tâm hồn, cho tình yêu nước và tình người cháy bỏng – thứ vũ khí tinh thần mà không kẻ thù nào có thể tiêu diệt được.

Lan tỏa cảm hứng sống đẹp cho thế hệ trẻ

Việc ra mắt cuốn sách đúng dịp 27/7 không chỉ là hành động tri ân mà còn là lời nhắn gửi thế hệ hôm nay. Thùy Trâm không phải là một anh hùng siêu phàm, mà là người trẻ mang trong mình những ước mơ rất đời thường: học giỏi, sống tử tế, yêu thương, cống hiến. Chính điều đó khiến hình tượng của chị gần gũi, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến các bạn trẻ đang tìm kiếm lý tưởng và phương hướng sống giữa thời đại hiện nay.

Empty

Các diễn giả tại buổi giao lưu giới thiệu cuốn sách 

Không chỉ phục dựng ký ức, cuốn sách còn góp phần làm phong phú văn học chiến tranh, mở rộng hiểu biết của công chúng về một thời kỳ lịch sử đầy đau thương nhưng cũng ngời sáng tinh thần lạc quan, vị tha và yêu nước. Đây cũng là tư liệu quý trong công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên và cán bộ trẻ.

Empty

78 năm đã trôi qua kể từ Ngày Thương binh – Liệt sĩ đầu tiên được tổ chức, nhưng tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” vẫn nguyên vẹn. “Đặng Thùy Trâm và cuốn nhật ký thứ ba” là lời nhắc nhở rằng những hy sinh trong quá khứ không chỉ để tưởng niệm, mà còn để tiếp sức cho hành trình dựng xây đất nước hôm nay.

Cuốn sách chính là chiếc cầu nối giữa các thế hệ, giúp người trẻ hiểu hơn về sự lựa chọn và niềm tin của những người đi trước. Trong bối cảnh đất nước tiếp tục đổi mới và hội nhập, tinh thần yêu nước, lòng nhân ái và khát vọng cống hiến của Đặng Thùy Trâm vẫn còn nguyên giá trị – như một biểu tượng bất diệt.

Thanh Tùng – Nguyễn Nghị

comment Bình luận