Đeo kính cận không đúng độ có ảnh hưởng gì không?

Trên thực tế, có nhiều trường hợp người bệnh bị cận thị đeo kính không đúng độ do suy nghĩ sẽ nếu đeo kính đúng độ thường xuyên, liên tục sẽ khiến mắt bị điều tiết kém và tăng độ cận. Do đó họ thường đeo kính ít độ hơn so với độ cận thực tế của mình.
18/01/2021 11:58

Cận thị là một tật khúc xạ ở mắt. Người bị cận thị sẽ gặp khó khăn trong việc nhìn và ghi nhận các chi tiết hình ảnh ở xa, phải cố gắng điều tiết để thấy rõ (bộc lộ qua động tác nheo mắt). Đây là một tật khúc xạ thường gặp nhất, đặc biệt là ở lứa tuổi đi học, thanh thiếu niên.

Cận thị xảy ra khi trục nhãn cầu quá dài ảnh hưởng đến công suất hội tụ của giác mạc và thủy tinh thể của mắt, điều này dẫn đến những tia sáng đi vào mắt hội tụ tại một điểm trước võng mạc, thay vì phải hội tụ đúng ngay tại võng mạc. Kính cận thị là một thấu kính phân kì, giúp điều chỉnh hình ảnh hội tụ đúng trên võng mạc của người cận thị.

deo kinh can

Hình minh họa.

Việc đeo kính khi bị cận thị là cần thiết cho dù độ cận nhỏ (≤ 0.75 độ) cũng ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày. Chúng ta nên đeo kính cận từ bao nhiêu độ?

Thông thường, đối với những người bị cận dưới 0.5 độ vẫn nhìn tốt mà không cần đeo kính. Từ độ cận 0.75 độ là mức cận thị mà bệnh nhân nên bắt đầu đeo kính để tránh ảnh hưởng đến công việc hàng ngày. Độ cận 1.00 độ sẽ khiến người gặp khó khăn khi nhìn xa. Những người cận từ 1 độ trở lên bắt buộc phải đeo kính khi làm các công việc đòi hỏi tầm nhìn xa như tài xế lái xe, công an...

Nếu người bị cận thị đã vào độ tuổi trung niên hay người thường xuyên làm các công việc không đòi hỏi tầm nhìn xa như làm việc trong văn phòng thì không phải cần đeo kính suốt cả ngày.

Cụ thể, nếu cận từ 1-2 độ thì chỉ nên dùng kính khi nhìn xa, không nên đeo kính thường xuyên suốt ngày, vì như vậy sẽ khiến mắt giảm khả năng điều tiết mỗi khi nhìn gần, lâu ngày mắt sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào kính. Với những người phải làm việc nhiều cần phải cho mắt thư giãn, nghỉ ngơi xen kẽ trong thời gian làm việc: mỗi 30 phút nên cho mắt nghỉ ngơi khoảng 1-2 phút.

Ngoài ra, hiện nay nhiều người có quan niệm để tránh bị cận thị nặng hơn nên đeo kính thấp hơn với độ cận thực tế. Tuy nhiên, đây là suy nghĩ sai lệch khiến mắt có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Trả lời trên Zing.vn, Ths.BS Phạm Thị Hằng, Trưởng khoa Khúc Xạ (Bệnh viện Mắt Quốc tế DND) cho biết: Sai lầm này sẽ dẫn tới tình trạng mắt vẫn phải điều tiết và có thể tăng số đo mắt chưa được nhìn với thị lực tối đa. Điều này sẽ đẩy nhanh việc tăng số kính của bệnh nhân.

Việc khám và quyết định ra đơn kính cho một bệnh nhân là rất quan trọng đặc biệt ở những bé nhỏ do khả năng điều tiết của trẻ rất cao lên tới 5-7 đi ốp. Có những bệnh nhân mất 3-4 lần khám trong 2-3 tuần mới có thể quyết định ra được một đơn kính chính xác.

Đeo kính cận sai số còn có thể khiến những bệnh nhân có độ khúc xạ cao bị giảm hoặc mất thị lực.

Theo bác sĩ Hằng, rất nhiều bệnh nhân đến khám với tình trạng mắt mờ và khi chụp có độ khúc xạ (cận thị). Tuy nhiên, sau khi thăm khám và tra liệt điều tiết, mắt bệnh nhân lại hoàn toàn bình thường. Điều đó là do tình trạng điều tiết nhìn gần quá mức trong một thời gian dài gây ra tình trạng giả cận thị.

Những trường hợp giả cận do điều tiết mắt nhìn gần quá chỉ cần nghỉ ngơi mắt, điều chỉnh điều tiết và dùng thêm một số thuốc hỗ trợ. Khi đó, thị lực bệnh nhân có thể trở lại bình thường. “Cận thị giả” hay gặp ở trẻ nhỏ hơn so với người lớn vì khả năng điều tiết của các em lớn hơn rất nhiều so với người trưởng thành.

Thông thường, cận thị thường không gây biến chứng nguy hiểm trừ trường hợp điều tiết quá kém có thể gây lé ngoài, không điều chỉnh tốt thì có nguy cơ bị nhược thị.

Hiện nay, người ta thường gọi chung là từ "cận thị", nhưng có sự khác biệt giữa tật cận thị và bệnh cận thị, tật thì độ cận thường không quá 6D, còn bệnh thì có thể đến 20D, thậm chí 60D, bệnh cận thị luôn kèm theo các biến chứng nặng nề như teo gai thị, thoái hóa võng mạc,...

Huỳnh Anh (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer