Giảm ô nhiễm nguồn nước nhờ hệ thống vớt rác tự chế

Sáng kiến tận dụng trang thiết bị dư thừa để lắp đặt hệ thống vớt rác tự động đã giúp Công ty TNHH MTV Sông Chu (Công ty Sông Chu) giảm chi phí hằng năm cho công tác trục vớt, nạo vét kênh mương, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, vệ sinh môi trường.
19/07/2025 06:37
Hệ thống vớt rác tự động thượng lưu xi-phông Mật Sơn trên kênh Bắc, tỉnh Thanh Hóa

Hệ thống vớt rác tự động thượng lưu xi-phông Mật Sơn trên kênh Bắc, tỉnh Thanh Hóa

Từng là một trong những “điểm đen” về rác thải, kênh Bắc chảy qua địa phận các xã, phường trung tâm của tỉnh Thanh Hóa chứa hàng trăm tấn rác từ một bộ phận người dân thiếu ý thức xả xuống lòng kênh. Lâu dài, lòng kênh bị bùn đọng bồi lắng, gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường nước, mất an toàn công trình thủy lợi, ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.

Trước thực trạng trên, ông Lê Văn Thủy - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Sông Chu đã nghiên cứu nhiều phương án nhằm hạn chế tình trạng xả rác bừa bãi xuống các lòng sông, kênh mương thủy lợi. Điển hình như phối hợp tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã, phường; phát tờ rơi tại các khu dân cư dọc các tuyến kênh, hợp đồng xã hội hóa với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền, ngăn chặn...

Tình trạng rác thải qua công tác tuyên truyền định kỳ có cải thiện nhưng vẫn là nỗi băn khoăn thường trực. Vấn nạn rác thải đặt ra yêu cầu ngày càng bức thiết, những sáng kiến bắt đầu nảy nở.

Bằng tâm huyết, trách nhiệm, kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dày dặn đúc kết qua hàng chục năm gắn bó với ngành, ông Thủy đã dành thời gian nghiên cứu, cho lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống vớt rác tự động thượng lưu xi-phông Mật Sơn - một trong những “điểm đen” rác thải trên kênh Bắc.

“Việc trục vớt thủ công khiến công nhân rất vất vả khi tiếp xúc trực tiếp với chất thải độc hại. Phần rác thải chưa kịp trục vớt sẽ lắng đọng xuống lòng kênh gây bồi lắng, cản trở dòng chảy. Mặt khác, chi phí dành cho việc vớt, xử lý, vận chuyển rác thải hằng năm rất lớn. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn kinh phí để thực hiện các hạng mục duy tu, bảo dưỡng khác. Sau thời gian đắn đo, suy nghĩ, tôi thấy việc lắp đặt hệ thống rác thải là cần thiết, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Tuy nhiên, việc thiết kế lắp đặt hệ thống mới hoàn toàn, chi phí sẽ rất tốn kém, công ty không đủ nguồn kinh phí để thực hiện”, ông Thủy cho biết.

Công nhân vận hành hệ thống vớt rác tự động thượng lưu xi-phông Mật Sơn

Công nhân vận hành hệ thống vớt rác tự động thượng lưu xi-phông Mật Sơn

Để giải quyết bài toán kinh phí lắp đặt, đơn vị đã nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp cải tạo, tận dụng nguồn nguyên vật liệu hiện có để tiết kiệm chi phí: “Để tiết kiệm chi phí lắp đặt, tôi đã cho công nhân, kỹ thuật của công ty tận dụng các thanh thép ray đường tàu, thép tấm và thép hình có sẵn tại kho của công ty và một số giàn công tác thượng lưu các cống lấy nước không còn sử dụng để làm hệ khung, giàn vận hành. Cùng với đó, huy động một phần nhân lực là công nhân công ty để thực hiện một số hạng mục đơn giản, như: cắt hàn hệ thống khung dàn, lắp hệ thống cầu trục, lưới chắn rác...".

"Theo ước tính, nếu hệ thống vớt rác tự động này được làm mới hoàn toàn thì chi phí sẽ dao động ở mức từ 2 đến 2,5 tỷ đồng. Nhưng do tận dụng cải tạo, vận dụng tình hình thực tế, tận dụng những yếu tố sẵn có nên tiết kiệm được gần 2 tỷ đồng cho công ty. Hoàn thành hệ thống, vận hành chỉ hết vài trăm triệu đồng”, ông Thủy cho hay.

Quan sát tại hệ thống vớt rác tự động trên kênh Bắc cho thấy, sau hơn 3 năm đưa vào vận hành, hệ thống vớt rác tự động trên kênh Bắc do ông Thủy lên ý tưởng, chỉ đạo lắp đặt đã và đang vận hành tốt, phát huy hiệu quả rõ rệt. Lượng rác thải từ thượng nguồn dồn về một điểm, thuận lợi cho công tác trục vớt. Rác vớt lên sẽ gom vào các xe ô tô và được công ty môi trường vận chuyển, đưa đến điểm xử lý theo đúng quy định. Lượng rác được trục vớt khá triệt để nên ít gây hiện tượng bồi lắng lòng kênh, ít phải nạo vét thường xuyên.

Từ chỗ các công nhân thủy nông luôn phải căng mình, gắng sức “chiến đấu” với lượng rác đổ về kênh Bắc mỗi ngày, thì nay, với sự “trợ giúp” đắc lực của hệ thống vớt rác tự động, công nhân chỉ việc bấm nút vận hành. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả làm việc, đảm bảo chất lượng nguồn nước, vệ sinh môi trường, an toàn cho người lao động và công trình thủy lợi.

Mạnh Linh

comment Bình luận