Kỳ tích úp mặt bé 5 tuổi vào nước đá, cấp cứu thành công

Bé Nguyễn Quỳnh A., 5 tuổi, nhập viện trong tình trạng mệt lừ lừ, tay mát, môi tái, huyết áp tụt, nhịp tim rất nhanh trên 200 lần một phút (nhịp tim bình thường của bé 5 tuổi từ 80 đến 120 lần một phút).
16/09/2020 14:22

Mới đây, các bác sĩ đã cứu sống bé Nguyễn Quỳnh A. (5 tuổi, nhà ở xã Đạo Thạnh, TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Bé nhập viện trong tình trạng mệt lừ lừ, tay mát, môi tái, huyết áp tụt, nhịp tim rất nhanh trên 200 lần một phút (nhịp tim bình thường của bé 5 tuổi từ 80 đến 120 lần một phút). 

Các bác sĩ trực khoa nhi Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang khẩn trương cấp cứu. Mẹ của bé A. cho biết trước đây 3 năm bé bị cơn giống như vậy, vào bệnh viện bác sĩ chẩn đoán nhịp nhanh kịch phát trên thất, trải qua đợt điều trị năm ấy rất khó khăn vì bé bị dị ứng một loại thuốc quan trọng dùng để cắt cơn nhịp tim nhanh truyền tĩnh mạch đang có sẵn trong khoa.

Khoa nhi đã mời bác sĩ tim mạch hội chẩn, có chỉ định sốc điện để cứu bé, vì huyết áp đang tụt dần, nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng gia đình lại kiên quyết không chịu sốc điện, yêu cầu chỉ can thiệp tối thiểu. 

Chi-30-giay-kiem-tra-tai-nha-giup-ban-biet-minh-co-benh-khong-2-1576234569-441-width650height433

Hình minh họa

Tình trạng bé ngày càng yếu, BS Lê Tấn Giàu trực khoa nhi đã gọi điện tham vấn ý kiến với bác sĩ đang điều trị ở tuyến trên của cháu, là một chuyên gia về điều trị loạn nhịp tim. 

Bác sĩ ở tuyến trên sau khi xem xét tình trạng của bé (qua mạng) kết hợp với các xét nghiệm đã làm, đã khuyên nên cho bé tăng liều thuốc đang uống và úp mặt bé vào thau nước đá lạnh. Ngay lập tức các bác sĩ chuẩn bị thau nước đá lạnh và cho bé úp mặt vào thau.

Lần thứ nhất sau khi úp mặt, nhịp tim giảm... 1 nhịp, còn 199 lần một phút. Bác sĩ cho úp lần thứ hai, lần này úp mặt lâu hơn một chút, khi bé cảm thấy rất khó chịu, khoảng gần 30 giây, thì nhấc đầu bé ra khỏi thau nước đá. 

Đúng lúc ấy trên máy theo dõi liên tục nhịp tim của bé nhịp tim tụt xuống 110 lần một phút, bé hết khó thở, môi hồng lên trông thấy. Ai nấy đều mừng, gần như vỡ òa. Sau 3 giờ theo dõi, nhịp tim đều 100 lần một phút, bé được bác sĩ cho xuất viện về nhà. 

Về mặt chuyên môn, nghiệm pháp này ở các nước Âu Mỹ đã thực hiện với tên gọi úp mặt vào nước đá (ice water to face), thời gian úp mặt từ 10-30 giây, nó tạo nên một phản xạ của hệ thần kinh thực vật, tức thần kinh điều hòa hoạt động các cơ quan nội tạng như tim, phổi, dạ dày, ruột, gan, thận... mà không theo ý muốn chủ quan của con người. 

Từ đầu mút của dây thần kinh số 5 ở vùng mặt bị kích thích mạnh bằng nước đá kết hợp với việc nín thở, dây thần kinh số 5 dẫn truyền tín hiệu về não, tín hiệu này kích thích dây thần kinh số 10, dây 10 lập tức truyền tín hiệu đến tim và ức chế nhịp tim gây giảm nhịp tim.

Ở phương Tây người ta huấn luyện cho ba mẹ người bệnh thực hiện tại nhà trong trường hợp không tới bệnh viện được. Tuy nhiên chúng ta phải hết sức thận trọng trong trường hợp như sau: bé bị cao huyết áp, bệnh lý hô hấp, bệnh suy kiệt, bệnh thiếu máu cơ tim, bệnh lý tim phức tạp. 

Người dân không nên tự ý thực hiện nghiệm pháp úp mặt vào nước đá ở nhà, mà phải được bác sĩ hướng dẫn cụ thể, cho phép thực hiện sau khi huấn luyện.

Theo Tuổi trẻ

comment Bình luận

largeer