Người phụ nữ mang bộ ngực khổng lồ suốt 28 năm

Theo bác sĩ Hoàng Văn Hồng, phụ nữ có thể tích mỗi bên ngực 2.500 ml là trường hợp rất hiếm gặp ở Việt Nam và thế giới.
29/09/2020 09:59

4 ngày sau ca mổ tái tạo vòng một tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân D. (nữ, 58 tuổi, trú tại Bắc Ninh) tự tin, thoải mái khi được bác sĩ thay băng và chăm sóc sức khỏe hậu phẫu.

Chia sẻ với Zing, bà D. nói: "Sau khi tỉnh dậy, tôi vẫn tưởng đây là mơ. Ca mổ thành công đã giúp tôi loại bỏ được gánh nặng suốt 28 năm qua".

28 năm tự ti vì ngoại hình

Theo bệnh nhân D., bà phát hiện kích thước vòng một của mình tăng đột biến sau khi cai sữa cho con gái thứ 2. Thời điểm đó, bà mới 30 tuổi. Tuyến vú của bệnh nhân tiếp tục lớn dần trong 3 năm gần đây.

"Tôi tự ti với vẻ ngoài của mình từ khi phát hiện vấn đề này. Tôi không dám đi chơi hay du lịch bất cứ đâu. Đặc biệt, tôi không bao giờ dám chụp ảnh", bà D. kể.

Ngoài vấn đề về ngoại hình, vùng ngực của bà còn thường xuyên bị hăm, gây đau đớn, khó chịu. Bệnh nhân này cũng không thể lựa chọn được áo ngực phù hợp.

Tháng 6 vừa qua, bà D. được gia đình thuyết phục đi du lịch miền Nam. Tại đây, bệnh nhân có cơ hội tiếp xúc với một số người quen, họ chia sẻ mình từng gặp tình trạng tương tự và đã phẫu thuật thành công.

vu1

Bệnh nhân D. mắc chứng phì đại tuyến vú khổng lồ hiếm gặp. Ảnh: BSCC

Trở về với mong muốn cắt bỏ hoàn toàn phần ngực phì đại, bà D. tìm hiểu và quyết định tới bệnh viện. Nhiều bạn bè của bà D. can ngăn vì cho rằng tuyến vú chứa nhiều dây thần kinh, do đó việc phẫu thuật có thể gây nguy hiểm cho bà.

Sau khi tìm hiểu, bà D. quyết định tới khám và điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán phì đại tuyến vú khổng lồ với tổng thể tích 2 bên ngực khoảng 5.000 ml, mức độ sa trễ lớn.

Hơn 4 tiếng phẫu thuật

Bác sĩ Hoàng Văn Hồng, khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, nhận định: "Đây là trường hợp hiếm gặp do thể tích tuyến vú quá lớn, vượt xa kích thước thông thường. Tỷ lệ mắc bệnh lý này chỉ là 1/100.000-1/28.000 phụ nữ mang thai".

Phì đại tuyến vú được chia thành nhiều mức độ dựa trên thể tích của bầu ngực. Các mức độ này bao gồm: vừa phải (300-500 ml), nhiều (500-1.000 ml), rất nhiều (1.000-1.500 ml), khổng lồ (trên 1.500 ml). Bệnh nhân D. với thể tích mỗi bên ngực 2.500 ml là trường hợp rất hiếm gặp ở Việt Nam và thế giới.

Theo bác sĩ Hồng, y văn có đề cập một số trường hợp phì đại tuyến vú có liên quan yếu tố di truyền cũng như vấn đề về hormone sinh dục, tăng trưởng hay tác dụng phụ của một số thuốc... Tuy nhiên, nguyên nhân cụ thể của bệnh vẫn chưa được xác định.

Ngày 24/9, ca phẫu thuật của bệnh nhân D. diễn ra và kéo dài hơn 4 tiếng. Các bác sĩ đã cắt bỏ gần 4 kg phần vú phì đại. Đồng thời, ê-kíp đã sử dụng kỹ thuật thu gọn vú phì đại, bảo tồn một phần tuyến vú và phức hợp quầng núm vú bằng cuống mạch nuôi cùng nhánh thần kinh chi phối cảm giác. Qua đó, ngực của bà D. được tái tạo hoàn toàn về hình dáng, đảm bảo chức năng cũng như tính thẩm mỹ.

"Trước đây, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ toàn bộ phần ngực trong những trường hợp này. Tuy nhiên, kỹ thuật phát triển hiện nay giúp chúng tôi có thể bảo tồn mạch máu, thần kinh nuôi dưỡng, núm vú và một phần tuyến vú. Việc này mang ý nghĩa lớn với các bệnh nhân trẻ tuổi bởi chức năng cho con bú có thể được đảm bảo trong tương lai", bác sĩ Hồng cho hay.

Hai tiếng sau ca mổ, bệnh nhân tỉnh, có thể ngồi dậy, tự sinh hoạt và đi lại. Theo bác sĩ Hồng, dù làm chủ kỹ thuật và đã có kinh nghiệm với những ca tương tự, ê-kíp phải đề phòng các vấn đề như chảy máu sau mổ, nhiễm trùng vết mổ hoặc kết quả không mong muốn.

May mắn, sau 5 ngày được chăm sóc hậu phẫu, tình trạng của bệnh nhân tốt, bầu ngực cân đối, núm vú hồng, còn cảm giác và tâm trạng phấn chấn.

Không chỉ phụ nữ mang thai, bác sĩ Hoàng Văn Hồng cũng khuyến cáo các bạn nữ trẻ, khi có dấu hiệu ngực phát triển bất thường, cần đến cơ sở y tế uy tín để tái tạo và vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ, chức năng của tuyến vú.

Theo Zing.vn

comment Bình luận

largeer