'Nội soi sức khỏe' của doanh nghiêp đề xuất làm siêu dự án hồi sinh sông Tô Lịch

Là doanh nghiệp đưa ra ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên Lịch sử – Văn hóa – Tâm linh, ít ai ngờ JVE Group có kết quả kinh doanh khiêm tốn.
By N.N (T/H)/ Sức Khỏe Cộng Đồng
21/09/2020 08:29
Sông Tô Lịch với ý tưởng siêu táo bạo, cải tạo thành công viên Lịch sử – Văn hóa – Tâm linh.

Sông Tô Lịch với ý tưởng siêu táo bạo, cải tạo thành công viên Lịch sử – Văn hóa – Tâm linh.

Dư luận đang xôn xao trước ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch với mô hình trình bày đẹp như tranh, làm nhiều người hứng khởi.

Doanh nghiệp đưa ra đề xuất này chính là Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) - đơn vị từng kiến nghị thí điểm làm sạch 1 đoạn sông tô lịch và ở Hồ Tây.

Tìm hiểu được biết, tiền thân của JVE Group là Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt. Doanh nghiệp thành lập vào ngày 8/5/2017, đóng trụ sở tại Tầng 30, tòa Tháp Tây, Trung tâm Lotte Hà Nội, số 54 đường Liễu Giai, phường Cống Vị, quận Ba Đình, TP Hà Nội.

Vốn điều lệ ban đầu của doanh nghiệp là 1,5 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm ông Nguyễn Tuấn Anh (nắm giữ 98% VĐL), ông Nguyễn Đức Thanh (nắm giữ 1% VĐL và bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (nắm giữ 1% VĐL).

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng chính là Chủ tịch của doanh nghiệp đề xuất phương án cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên Lịch sử – Văn hóa – Tâm linh. Ông Nguyễn Tuấn Anh từng đoạt học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản – MEXT và có 15 năm sống tại Nhật Bản.

Hiện JVE Group đang hoạt động chính trong lĩnh vực xử lý nước thải, với phương pháp áp dụng chính bằng 2 công nghệ của Nhật Bản là "Công nghệ thiên nhiên Bioreactor" và "Công nghệ sục khí nano".

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn, đây là 2 phát minh quan trọng của Nhật Bản được Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) công nhận và đã triển khai trên 300 dự án tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Lào.

Công nghệ Bio-Nano là công nghệ tổng hợp từ 2 phát minh này, nó không kén môi trường mà có thể ứng dụng được trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm cải thiện môi trường sinh thái bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE từng gây chú ý với thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch.

Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE từng gây chú ý với thí điểm làm sạch nước sông Tô Lịch.

Một số dự án đáng chú ý phải kể đến của JVE Group như làm sạch nước hồ Hạnh Phúc (Hải Phòng) bằng công nghệ thiên nhiên Bakture (hồi tháng 5/2017). Tháng 1/2019, JVE Group ký kết hợp đồng hợp tác với Tập đoàn Nam Việt để xử lý môi trường nước trong ao nuôi cá tra bằng công nghệ Bakture; Tháng 6/2020, công ty được UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý chủ trương cho thực hiện thí điểm áp dụng công nghệ tại 4 hồ trên địa bàn TP Hạ Long (Yết Kiêu, Ao Cá, Hùng Thắng và Kênh Đồng),…

Gần đây nhất (tháng 9/2019), Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt thí điểm làm sạch một góc hồ Tây và một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano – Bioreactor.

Đề ra ý tưởng táo bạo khi cải tạo sông Tô Lịch thành công viên đẹp như tranh vẽ, song ít ai ngờ JVE lại có thành tích kinh doanh khiêm tốn khi liên tục báo lỗ trong nhiều năm.

Theo tờ Dân Việt: Từ khi thành lập, doanh nghiệp đề xuất phương án cải tạo sông Tô Lịch trở thành công viên Lịch sử – Văn hóa – Tâm linh chưa phát sinh doanh thu, cùng đó là khoản lỗ khoảng 1-3 tỷ đồng mỗi năm.

Cụ thể, trong 3 năm 2017, 2018 và 2019, JVE lần lượt báo lỗ 340 triệu đồng, 1,1 tỷ đồng và 2,93 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của JVE Group đạt 4,91 tỷ đồng, tăng 3,46 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng từ 700 triệu đồng lên mức 4,6 tỷ đồng. Ngày 8/4/2020, JVE Group nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.

Theo JVE Group, sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông "chết" với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng. Trước tình hình đó, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt các cơ quan chuyên môn, ban ngành của thành phố đưa ra nhiều giải pháp để xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch.

Do đó, để có thể "hồi sinh" sông Tô Lịch đúng nghĩa thì cần phải có giải pháp tổng thể để giải quyết toàn bộ các vấn đề như thu gom nước thải, cấp nước bổ sung cho sông sau khi thu gom hết nước thải, xử lý triệt để tận gốc nguồn gây ra mùi hôi thối, xử lý tầng bùn đáy, xử lý nước đã bị ô nhiễm ở trong lòng sông, thoát nước chống ngập khi mưa bão...

Thời gian tới, JVE Group cho biết sẽ tổ chức hội thảo và mời đại diện đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để cùng tham vấn ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước về đề án này.

Bài liên quan
Từ khóa Từ khóa:
Sông Tô Lịch
comment Bình luận

largeer