Quảng Ninh: Tăng cường kiểm soát, xử lý hàng thủy sản nhập lậu

Trước tình trạng vận chuyển, kinh doanh thủy sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ có dấu hiệu gia tăng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm vi phạm.
19/07/2025 11:21

Vận chuyển, kinh doanh thủy sản không rõ nguồn gốc

Theo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh, thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều vụ việc buôn bán thủy sản không rõ nguồn gốc, đặc biệt là hàu, ngao từ Trung Quốc được nhập lậu qua biên giới với giá rẻ, khiến người nuôi trồng trong nước gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Công điện số 65/CĐ-TTg (ngày 15/5/2025) của Thủ tướng Chính phủ “Về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, từ ngàyXx15/5-15/6/2025, Chi cục QLTT tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý 176 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, tổng trị giá hàng hóa và tiền phạt gần 6,9 tỷ đồng; trong đó có nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh thủy hải sản không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lực lượng quản lý thị trường buộc tiêu hủy hơn 5,6 triệu con ngao giống; 47 tấn thực phẩm đông lạnh…

Điển hình, vụ việc diễn ra khoảng 2 giờ chiều 28/6, Đội quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh) đã tiến hành kiểm tra xe ô tô BKS 22C-078.92 do ông N.Q.T (trú tại Hải Dương, nay là thành phố Hải Phòng) điều khiển, phát hiện 9.100kg ngao loại lớn được đóng trong túi lưới, không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

ngao

Nhiều hàng thủy sản không rõ nguồn gốc xuất xứ được mua từ khu vực giáp biên giới vận chuyển vào nội địa

Ngày hôm sau, lúc 9 giờ 15 phút ngày 29/6, Đội quản lý thị trường số 1 tiếp tục phát hiện xe ô tô BKS 34C-076.44 do ông N.V.M (trú Lạng Sơn) vận chuyển 7.660kg hàu sữa (loại 10-12 con/kg) không có giấy tờ hợp lệ. Cả hai vụ việc đang được xử lý theo quy định, toàn bộ số thủy sản vi phạm được tiêu hủy tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Móng Cái (xã Hải Ninh).

Các đối tượng khai nhận mua gom thủy sản trôi nổi tại khu vực giáp biên giới rồi đưa vào nội địa tiêu thụ. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, mà còn trực tiếp gây thiệt hại cho người nuôi trồng trong nước.

Tăng cường các biện pháp ngăn chặn

Bên cạnh tăng cường kiểm tra, xử lý, Chi cục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Đồng thời triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 72/CĐ-TTg và số 82/CĐ-TTg, của Tỉnh ủy Công văn số 2791-CV/TU về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ và thực phẩm bẩn.

Chi cục chỉ đạo các đội tăng cường kiểm tra lưu thông hàng hóa từ biên giới vào nội địa, kiểm soát chặt chẽ kho hàng, điểm tập kết, phương tiện vận chuyển; kết hợp ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh phối hợp liên ngành để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Với tinh thần “kiên quyết, liên tục, toàn diện”, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đang từng bước xây dựng một thị trường thương mại lành mạnh, minh bạch và an toàn, góp phần bảo vệ sản xuất nội địa và quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

                                                                                                                  Trúc Lâm

comment Bình luận