Tại sao chúng ta hay bị khàn giọng?

Khàn giọng (khan tiếng) gây khó chịu và khiến chúng ta mất tự tin khi giao tiếp. Nếu khàn giọng kéo dài, đây có thể là triệu chứng của nhiều căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
08/12/2020 15:51

Khan tiếng là một bệnh lý về đường hô hấp, có liên quan đến thanh quản, khiến cho âm lượng giảm hoặc mất tiếng hẳn. Tình trạng khan tiếng kéo dài khiến người bệnh bỗng nhiên bị thay đổi giọng nói, có khi phát ra được âm thanh có khi lại không. 

Lý giải tình trạng khan tiếng, các nhà nghiên cứu chỉ ra, khi có luồng không khí đi vào, mép của dây thanh sẽ rung lên nhịp nhàng, phát sinh ra âm thanh, tiếng nói. Hai dây thanh rung động đồng nhất (cùng một tần số) thì âm phát ra sẽ trong trẻo. Nếu dây thanh bị tổn thương (sưng to, đóng không kín), luồng không khí đi qua dây thanh bị biến dạng gây nên tình trạng khàn giọng, giọng nói trầm, khó nghe.  

khan tieng

Hình minh họa.

Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân mà còn khiến cho người bệnh gặp nhiều bất tiện trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, nhất là vấn đề giao tiếp. Tình trạng này tiếp tục kéo dài có thể gây ra nhiều biến chứng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.

Nguyên nhân của khàn giọng

Có nhiều nguyên nhân gây ra khan tiếng, trong đó phổ biến là bệnh lý về đường hô hấp. 

Có thể xuất hiện khi bạn bị viêm họng, viêm đường hô hấp. Các yếu tố phổ biến khác có thể góp phần, hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng khàn tiếng của bạn bao gồm: Do trào ngược axit, tức axit ở dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra hiện tượng ho, khàn tiếng, hút thuốc, uống thức uống chứa caffeine và cồn, la hét hoặc lạm dụng dây thanh âm của bạn, dị ứng, hít phải các chất độc hại hoặc ho quá mức.

Tuy nhiên với nguyên nhân trên khan tiếng thường mất trong khoảng vài ngày nhưng nếu nó kéo dài quá lâu, người bệnh nên chủ động đến gặp bác sĩ để thăm khám bởi đây có thể là dấu hiệu của các căn bệnh nguy hiểm.

Trả lời trên báo chí trước đó, bác sĩ Trần Ánh Tuyết (Chuyên khoa Tai – Mũi – Họng, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM) cho biết: “Khan tiếng là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý nguy hiểm. Người bệnh cần phải thận trọng với triệu chứng này. Việc bệnh nhân chủ quan, tình trạng khan tiếng có thể gây ra hàng loạt các biến chứng phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.”

Một số bệnh nguy hiểm có dấu hiệu ban đầu là khàn giọng như: Ung thư thanh quản, ung thư dây thanh, ung thư thực quản, ung thư phổi, ung thư trung thất, hạt xơ dây thanh, nang nước dây thanh, tổn thương dây thần kinh quặt ngược, lao thanh quản.

ho

Ho quá nhiều cũng gây ra khàn giọng. (Hình minh họa)

Đặc biệt, với trường hợp khàn giọng ở trẻ em, trả lời trên Tuổi trẻ, TS.BS Nguyễn Triều Việt (BV Trường ĐHYD Cần Thơ) cũng lưu ý có thể bé bị mắc chứng rối loạn giọng nói. 

Rối loạn giọng nói khá thường gặp ở trẻ em, khoảng 4-6/100 trẻ em có rối loạn giọng nói, với nhiều biểu hiện lâm sàng. Hầu hết các rối loạn giọng nói này vô hại, thường xuất hiện khi trẻ gào khóc, la hét khi chơi đùa hay khóc… cũng có thể là do nhiễm khuẩn khi bị cảm lạnh. Trẻ có thể bị khàn giọng hay mất giọng hoàn toàn.

Khi phát hiện những thay đổi về giọng nói của bé, cha mẹ nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng.

Các phụ huynh nên chú ý nguyên nhân phổ biến gây khàn giọng ở trẻ em như nhiễm khuẩn: khàn giọng xảy ra khi viêm thanh quản, thường triệu chứng này xuất hiện tạm thời và khỏi hẳn. Nên cho trẻ uống nhiều nước, hạn chế nói chuyện trong thời gian mắc bệnh.

Trào ngược họng thanh quản, hạt (nang) dây thanh đây là những tổn thương lành tính xuất hiện khi trẻ gào khóc, la hét nhiều khi chơi đùa. Hầu hết việc điều trị là dùng liệu pháp giọng nói, một số trường hợp cần phẫu thuật.

Các nguyên nhân hiếm gặp như u nhú, ung thư thanh quản. Giọng nói yếu thường là do kém di động của dây thanh hay do khép không hoàn toàn, có thể là do việc thở qua ống nội khí quản kéo dài ở trẻ sinh non gây sẹo, chít hẹp. Một số trường hợp cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Mẹo chữa khàn giọng

Để khắc phục tình trạng khàn giọng, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp dân gian dưới đây mà không cần dùng tới thuốc.

Uống chanh muối: Chanh muối có chứa nhiều vitamin C, kali,… giúp xoa dịu cơn ho, giảm đau rát họng. Tinh dầu của vỏ chanh có khả năng long đờm, giảm ho, sát khuẩn hiệu quả.

Chữa khan tiếng bằng chanh, gừng và muối: Theo Đông y, gừng có tính ấm, vị cay, giúp nhanh chóng xoa dịu tình trạng đau rát, khó chịu ở cổ họng. Bên cạnh đó, muối lại có tính kháng viêm, sát khuẩn cao. Bệnh nhân có thể kết hợp giữa chanh, gừng, muối để nhanh chóng tạo thành một hỗn hợp chữa trị tình trạng khan tiếng hiệu quả. 

Củ cải hấp mật ong: Củ cải trắng là nguyên liệu có vị cay, tính mát. Sử dụng củ cải trắng có tác dụng tiêu đờm, tiêu viêm, giảm tình trạng khan tiếng hiệu quả. Do đó, bệnh nhân mắc bệnh khan tiếng có thể sử dụng củ cải trắng để giảm nhanh tình trạng đau rát ở cổ họng. Cách làm củ cải cắt hạt lựu, hấp chung với mật ong đem uống. 

Lá hẹ hấp mật ong: Với đặc tính ấm, vị hơi chua, lá hẹ giúp giảm nhanh tình trạng đau rát, khó chịu ở cổ họng. Cách làm: cắt lá hẹ thành khúc hấp cách thủy với mật ong đem uống trong vài ngày sẽ thấy được tác dụng.

Thùy Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer