Thay phong lá đỏ ở Hà Nội: Chuyên gia khuyên trồng ở công viên

Theo các chuyên gia, Hà Nội nên di chuyển hàng phong lá đỏ trên phố Trần Duy Hưng về trồng ở các công viên, vườn hoa sẽ là phù hợp hơn trồng ở dải phân cách.
By Phương Nam/ Sức Khỏe Cộng Đồng
06/04/2021 14:25
Được kỳ vọng sẽ mang sắc màu châu Âu vào giữa lòng Hà Nội, thế nhưng, sau 3 năm hàng cây phong lá đỏ không phát triển như kỳ vọng. (Ảnh: Zing.vn).

Được kỳ vọng sẽ mang sắc màu châu Âu vào giữa lòng Hà Nội, thế nhưng, sau 3 năm hàng cây phong lá đỏ không phát triển như kỳ vọng. (Ảnh: Zing.vn).

Thông tin hàng phong lá đỏ ở Hà Nội sẽ được thay thế sau 3 năm trồng thử nghiệm, khiến nhiều người bàn tán.

Bởi thời điểm 3 năm trước, dưới chủ trương của TP hàng cây phong lá đỏ này được trồng thí điểm với kỳ vọng mang "sắc màu châu Âu" đến lòng Thủ đô, tạo cảnh quan đẹp trong mắt nhân dân và du khách.

Ngay từ thời điểm đó đã có không ít bất ngờ, thậm chí hoài nghi của người dân về tính thích nghi của loài cây vốn là cây hàn đới (chịu lạnh) nay lại trồng ở Thủ đô Hà Nội có khí hậu nhiệt đới, mùa hè thậm chí có lúc nhiệt độ lên hơn 40 độ C ngoài trời.

Nhiều chuyên gia cây xanh, lâm nghiệp cũng từng dự báo rằng, cây phong lá đỏ sẽ khó thích nghi ngoài đường phố Hà Nội. Và kết quả sau 3 năm trồng thí điểm, hàng phong lá đỏ không cho kết quả như kỳ vọng. Để tránh lãng phí nhiều chuyên gia kiến nghị TP nên trồng hàng cây phong này ở công viên và các vườn hoa.

Có thời điểm cây phong ra lá xanh và chuyển màu đỏ nhưng ngay sau đó đã bị cháy lá.

Có thời điểm cây phong ra lá xanh và chuyển màu đỏ nhưng ngay sau đó đã bị cháy lá.

Trao đổi với PV, GS.TS Lê Đình Khả - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp từng nhận định: "Cây phong lá đỏ sẽ phù hợp trồng ở khu vực không khí lạnh như Sa Pa, Đà Lạt hơn bởi đây là cây ưa lạnh, không chịu được nóng”.

Ông Khả cũng đưa ra lời khuyên rằng, nếu phong lá đỏ được trồng ở các công viên, vườn hoa sẽ phù hợp hơn. "Theo tôi sẽ phù hợp hơn nếu trồng ở công viên, vườn hoa. Tôi nghĩ nếu trồng ngoài phố thì phải chăm sóc, bơm tưới nước liên tục vì cây này không chịu được nóng...", vị chuyên gia đánh giá.

Cùng nhận định, Giám đốc một công ty chuyên cung cấp cây xanh, cây giống ở Hà Nội cho biết: “Phong là cây ưa độ ẩm trong không khí, thích hợp với các loại đất có mùn. Lá phong rất mỏng nên với những nơi có ánh nắng mùa hè xuyên qua dễ bị cháy lá, do đó không phù hợp với khí hậu nắng gắt, độ ẩm thấp trên đường phố”. 

laphong1

Dưới góc nhìn chuyên môn, TS. Nguyễn Tiến Hiệp - Trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam cho rằng, ý tưởng trồng phong tại Hà Nội khá mới lạ và cũng nên thử nghiệm bởi bản thân ông từng trồng thử nghiệm cây phong lá đỏ ở vườn nhà tại Hà Nội và chúng phát triển rất tốt tuy không mang lại màu sắc đẹp như ở Canada hay Hàn Quốc nhưng vẫn rất đẹp.

"Phong là loài cây tạo cảnh quan rất đẹp có nhiều ở các nước châu Âu, nếu thành công sẽ tạo nên điểm nhấn. Tuy nhiên, qua thí điểm cây trồng trên đường phố không phù hợp chúng ta có thể trồng những cây này ở vườn hoa, công viên.

Tôi nghĩ cũng không có gì là lãng phí bởi đây là cây được tài trợ, chúng ta cũng nên thử nghiệm để đánh giá ", chuyên gia này chia sẻ.

Đánh giá kết quả sau 3 năm trồng phong lá đó thí điểm, các chuyên gia cây xanh cho rằng: Thời tiết Thủ đô quá ô nhiễm, nắng nóng nên cây khó sinh trưởng khi trồng ở ngoài đường phố.

Theo Sở Xây dựng, việc Hà Nội thử nghiệm trồng phong cũng xuất phát là mong muốn làm đẹp cảnh quan, mang sắc màu lạ để làm đẹp TP trong mắt người dân và du khách nước ngoài.

Đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, cây phong trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sinh trưởng, phát triển kém.

Những cây phong này do một công ty tặng TP, được trồng thử nghiệm từ năm 2018. Cụ thể, tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng trồng 143 cây.

Hơn 2 năm trồng thử nghiệm, bước đầu cho thấy, cây chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Để bảo đảm cảnh quan, đồng bộ hệ thống cây xanh, đáp ứng thẩm mỹ, mỹ quan đô thị trên tuyến đường, Sở Xây dựng đề xuất 2 phương án.

Rừng phong lá đỏ ở Canada khi mùa thu về. (Ảnh: st).

Rừng phong lá đỏ ở Canada khi mùa thu về. (Ảnh: st).

Phương án 1: Trồng thay thế bằng toàn bộ cây bàng lá nhỏ, có đường kính thân cây từ 10-15cm; chiều cao vút ngọn 6-8m.

Phương án 2: Trồng đan xen giữa 1 cây bàng lá nhỏ có đường kính thân cây 10-15cm; chiều cao vút ngọn 6-8m và 1 cây cọ dầu đường kính 40-60cm, chiều cao lộ thân khoảng 2m.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc trồng thay thế hệ thống cây xanh mới trên dải phân cách tuyến Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng sẽ được thực hiện và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30-4 và 1/5 tới.

Trước đề xuất trên, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn là chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng theo phương án 1.

Từ khóa Từ khóa:
cây xanh
comment Bình luận

largeer