Thuốc cortisol: Cứu tinh hay kẻ thù của mắt?

Dược phẩm có chứa cortisol (glucocorticoid, corticosteroid, steroid, corticoid) hiện đang là “vũ khí” chủ đạo trong điều trị của nhiều chuyên khoa khác nhau, trong đó có chuyên khoa mắt. Song, việc sử dụng nó cần theo đúng hướng dẫn của bác sĩ vì hệ quả do sử dụng sai cortisol sẽ nguy hiểm khó lường...
24/09/2020 09:10

“Cứu tinh” không chỉ trong chuyên khoa mắt

Nhờ có cortisol bệnh nhân đã loại bỏ được đau đớn, viêm nhiễm, ngứa... Có người ví cortisol như “thuốc tiên”. Ngoài thuốc uống, thuốc tiêm để điều trị các bệnh lý tự miễn, bệnh collagenose, dị ứng nặng, viêm hữu khuẩn và vô khuẩn còn nhiều dạng bào chế khác nhau của cortisol dùng trong các chuyên khoa lẻ. Chuyên khoa tai-mũi-họng có nhiều thuốc nhỏ mũi, tai, xịt họng có chứa cortisol như dexamethasone, hydrocortizol là những cortisol mạnh. Các loại kem bôi da điều trị các bệnh lý da liễu cũng chứa các hoạt chất cortisol như betamethasone, prednisolone...

Chuyên khoa mắt dùng dòng dược phẩm này khá rộng rãi và mạnh tay. Các bệnh lý viêm nhiễm bề mặt nhãn cầu (kết mạc, giác mạc, củng mạc) đều dùng cortisol dạng tra nhỏ hay thuốc mỡ. Viêm màng bồ đào, viêm nhiễm sau phẫu thuật...  đều chọn dòng sản phẩm này là điều trị đầu tay. Các bệnh lý dị ứng tại mắt đều đáp ứng “tuyệt vời” với cortisol. Hết ngứa, hết đỏ mắt, hết đau nhức, cuộc sống trở lại bình thường... là ca tụng của rất nhiều bệnh nhân được kê đơn thuốc có chứa cortisol.

Nhưng cũng là “kẻ thù” của mắt

Đằng sau những tác dụng thần kỳ của cortisol là “vực thẳm” các biến chứng và tác dụng phụ. Rất nhiều bệnh nhân còn khá trẻ chỉ vì do dùng những lọ thuốc chứa cortisol như: Dexaclor hay polydexa nhỏ mắt để tự chữa ngứa hay cộm mắt đã bị đục thể thủy tinh do cortisol, phải phẫu thuật sớm ở lứa tuổi 40-50. Glôcôm do dùng cortisol cũng không hiếm gặp ở các phòng khám mắt. Cũng không cần tra nhỏ nhiều quá hay dài ngày, thậm chí có những bạn trẻ chỉ sau 2 tháng, mất vài lọ tobradex đã bị glôcôm thứ phát, lõm teo thị thần kinh, đi lại khó khăn. Một mùa đau mắt dịch cũng có vài chục trường hợp viêm loét giác mạc do nấm hay Herpes do lạm dụng tra, nhỏ cortisol gây bội nhiễm. Nhiều ví dụ buồn về việc dùng thuốc tra, nhỏ mắt không có đơn của bác sĩ, theo mách bảo của người thân, tự ý mua thêm thuốc hoặc kéo dài thời gian điều trị bừa bãi...

11_resize

Điều đáng ngại là không chỉ thuốc tra nhỏ mắt có cortisol mới gây hại cho mắt mà dòng dược chất này nếu dùng đường toàn thân lâu ngày cũng gây biến chứng tương tự như dùng thuốc tra nhỏ mắt do cortisol ngấm vào máu rồi vào các mô mắt rất tốt. Đã có những trường hợp bệnh nhân uống dexamethasone để chữa khớp hay vẩy nến bị glôcôm hay đục thể thủy tinh cho dù họ không dùng bất kỳ thuốc tra nhỏ mắt nào. Thậm chí thuốc khí dung, bơm xịt hen, kem bôi da lâu dài nếu chứa cortisol cũng có thể gây hại cho mắt.

Các biến chứng do dùng cortisol lâu ngày trên toàn thân và tại chỗ đối với mắt như: đục thể thủy tinh, glôcôm góc mở, loét giác mạc do bội nhiễm nấm hoặc vi khuẩn, viêm loét giác mạc do virus Herpes, chậm làm sẹo, chậm biểu mô hóa với các chấn thương và viêm nhiễm bề mặt nhãn cầu...

Trong những biến chứng trên thì glôcôm do cortisol và các viêm loét giác mạc là nguyên nhân gây mù lòa nhiều nhất. Glôcôm do không đau nhức nhiều, mắt vẫn khá yên ả nên bệnh nhân thường đi khám muộn khiến thị trường và thị lực không thể vãn hồi dù đã có nhiều thuốc men, laser và phẫu thuật cho căn bệnh này. Các viêm loét giác mạc một khi do bội nhiễm trên nền bệnh nhân dùng cortisol lâu ngày sẽ vô cùng khó khăn để điều trị khỏi, gây sẹo vết loét, hay thủng và phòi tổ chức nội nhãn phải bỏ mắt. Tất cả những ai nếm trải biến chứng của cortisol tại mắt đều ghê sợ nó.

Tổng kết lại hiệu quả “ngọt ngào” của nó, số lượng người ca tụng nó cũng nhiều bằng số người oán thán nó vì biến chứng này nọ. Người ta ví dùng cortisol như dùng dao sắc, tốt và cũng có thể đứt tay. Các bác sĩ của các chuyên khoa phải cùng nhau cảnh giác với biến chứng các loại của cortisol dùng đường toàn thân (có hơn 10 biến chứng ở các hệ cơ quan khác nhau) trong đó có biến chứng tại mắt. Thận trọng, cắt thuốc hoặc giảm liều sớm khi đã đạt hiệu quả điều trị là lời dạy của các bậc thầy.

Lạm dụng hay “hân hoan” dùng thuốc bạt mạng sẽ có ngày ân hận. Thay thế cortisol bằng dòng chống viêm không steroid (NSAID), các thuốc chống dị ứng mới bền màng dưỡng bào, kháng interleukine, kháng histamin cũng là sự lựa chọn an toàn hơn cho cả bệnh nhân và thầy thuốc.

comment Bình luận

largeer