Tục "xông đất" đầu năm

“Xông đất” đầu năm, một tục lệ của người dân các nước Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, với mong muốn năm mới sẽ mang đến những điều may mắn, tốt đẹp, thuận buồm xuôi gió,... Vì vậy từ xưa, người Việt thường chú ý đến việc chọn người xông nhà đầu năm mới, thường vào ngày mùng 1 Tết.
25/02/2021 20:36

Ý nghĩa của tục “Xông đất” đầu năm

 Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm, người “xông đất” có ảnh hưởng quan trọng đến may mắn, hạnh phúc, công danh, tài lộc của cả gia đình trong năm mới.Việt Nam cũng như một số nước Á Đông rất coi trọng ngày đầu năm mới hoan hỉ, vui vẻ, hạnh phúc, may mắn sẽ đến với ngôi nhà của mình.

Tục xông đất cũng xuất phát từ ý nghĩa tốt đẹp đó. Người ta cho rằng chọn được một người xông đất đầu năm mới phù hợp sẽ đem lại nhiều may mắn thuận lợi cho cả năm đó.

Theo tục lệ, giờ “xông đất” được tính bắt đầu từ sau giờ giao thừa trở đi, người “xông đất” là người khách đầu tiên bước vào cửa nhà từ sau giờ khắc giao thừa cho đến sáng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán.

xong dat

Tục xông đất đầu năm xuất phát từ mong muốn của mọi người về một năm mới nhiều may mắn và hạnh phúc.

Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, sau khi hoàn thành thủ tục làm lễ vào thời khắc giao thừa, gia chủ sẽ đón người đến “xông đất”. Người nào bước vào nhà đầu tiên cùng với lời chúc mừng năm mới gia chủ thì người đó chính là “người xông” đất đầu năm mới.

Người được chọn “xông đất” có thể là thành viên trong gia đình hoặc là anh em, bạn bè, hàng xóm… Người được chọn thường là người có tình tính vui vẻ, hòa đồng, đạo đức tốt và có sự nghiệp thành công.

Ngoài việc chọn tuổi “xông đất” năm mới phù hợp để đem lại nhiều may mắn thuận lợi cho cả năm. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hàng… còn rất quan tâm đến việc chọn ngày tốt để mở hàng bắt đầu một năm làm việc mới.

Và đặc biệt nên chọn người “xông đất” hợp với mệnh của gia chủ, người đầu tiên bước vào trụ sở, cửa hàng, phòng làm việc hay thậm chí là cả một cơ quan, doanh nghiệp…, mở đầu một năm mới.

Một cách “xông đất” khác theo tục lệ là chính người thân trong gia đình tự “xông đất”. Người thân trong gia đình sẽ ra khỏi nhà trước giờ giao thừa, qua giờ giao thừa trở về xông nhà mang theo những cành lộc đầu xuân, mang sự tốt lành quanh năm về cho gia đình.

Tuy nhiên, theo cùng thời gian, những phong tục tập quán xưa cũng có những biến đổi để phù hợp với những thay đổi phát triển của cuộc sống hôm nay. Tục “xông đất” cũng vậy, mọi người trong gia đình vẫn đi “xông đất” nhà bà con, bạn bè nhưng đa phần như một niềm vui trong ngày Tết.

xong dat 1

Người xông đất trong ngày đầu năm mang đến những điều may mắn và tốt lành tới gia chủ.

Mỗi dân tộc một tập tục

Nhiều dân tộc ở nước ta cũng có tục “xông đất”. Với người Mường, khi qua thời khắc giao thừa, thanh niên nam nữ sẽ tụ tập sẵn ở nơi trung tâm của làng rồi cùng nhau tỏa đi khắp nơi, đến từng nhà “xông đất”, chúc Tết cho tới khi trời sáng.

Ngày đầu tiên của năm, các chàng trai cô gái trong những bộ quần áo đẹp nhất cùng nhau hòa mình vào các trò chơi như: tung còn, kéo co, đánh đu... tại các lễ hội trong làng. Đêm đến, từng đôi trai gái dắt tay nhau đi chúc Tết gia đình, bạn bè hoặc chụm vào với nhau quanh bếp lửa bên bình rượu cần. Họ vừa uống vừa ca hát để rồi sáng hôm sau lại có mặt thật sớm tại nơi những lễ hội diễn ra. Tết của người Mường thường diễn ra hết ngày mùng 3, nhưng tùy từng nơi kết thúc sớm, muộn khác nhau.

Đối với người Thái, sáng mùng 1, họ dậy sớm, múc nước luộc bánh chưng cho mỗi người uống một ít, có lẽ để phòng đau bụng. Ngày mùng 1, người phụ nữ trong nhà được đem xôi đã đổ ra quạt ở giữa gian cúng ma nhà. Sau đó người ta dọn ra hai hoặc ba mâm cúng, mâm đặt trên cao để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp cúng tổ tiên nhà vợ.

Cũng giống như người Kinh, người Thái cũng kiêng quét nhà. Nhưng sáng mùng 1 họ lại nườm nượp đi chơi chúc tết. Tối ngày mùng 1 họ đã làm lễ tạ. Từ chiều mùng 1, thanh niên bắt đầu đi chơi và muốn đi đến lúc nào cũng được.

Người Nùng thì sáng mùng 1 Tết - ngày thiêng liêng nhất trong năm, người ta cắt những băng giấy đỏ dán lên tất cả những công cụ lao động trong nhà và mỗi gốc cây trong vườn, chuồng trại... Không những thế, họ còn thắp hương cầu thần linh phù hộ cho mọi thứ xung quanh mình luôn được may mắn, tốt đẹp.

Khác với một số dân tộc khác ngày mùng 1 Tết, người Nùng không đến nhà nhau. Ai nấy ở nhà nấu những món ăn của ngày Tết. Ngày mùng 2 là ngày họ đi lễ Tết bên ngoại, lễ vật là một con gà trống thiến, một cặp bánh chưng xanh, vài phong bánh khảo đặt lên bàn thờ bên ngoại. Từ ngày mùng 3 cho đến những ngày sau đó trong tháng Giêng, họ đến nhà anh em họ hàng chúc Tết.

Tết của người Tày bắt đầu và ngày 30 và kết thúc vào khoảng sáng mùng 3. Ngày 27 hay 28 các gia đình thịt lợn, gói bánh... Khác với các dân tộc khác, người Tày buộc bốn cây mía vào bốn góc chân bàn thờ, quan niệm đó là cái gậy để tổ tiên chống. Tối 30, vừa tiếp bạn bè đến chơi, phụ nữ trong nhà vừa làm bỏng, chè lam, bánh khảo. Mọi sự thăm viếng kết thúc trước 12g đêm 30. Sau đó ai về nhà nấy.

Trẻ con phải thức trực tuổi cả đêm. Cũng như người Nùng, người Tày kiêng sáng mùng 1 có bất kỳ người nào vào nhà. Họ chọn mời người xông nhà là người có đạo đức trong bản, người có phúc lớn, kỵ nhất là người có tang hoặc người trong nhà xúi quẩy... Đàn ông Tày mùng 1 đi chúc Tết bố mẹ vợ, mùng 3 đi chúc tết thầy cúng. Một số trò chơi cũng được phát động, phổ biến nhất là tung còn.

Với người Dao, sớm mùng 1, lúc trời còn tối, một người trong nhà thường là trai tráng, khỏe mạnh, tay cầm đuốc,tay cầm dao chạy ra ngoài ngõ rồi chạy quay vào trong nhà, chém vào không khí,miệng hô hoán "đuổi nốt con ma cuối cùng" ra khỏi nhà mình. Sau đó, cả gia đình quây quần chuẩn bị bữa cơm cúng đầu tiên của năm mới. Gia đình người Dao là gia đình nhiều thế hệ, do vậy, có bao nhiêu cặp vợ chồng cũng có bấy nhiêu mâm cỗ để vái vọng hương hồn họ ngoại (người đã có công sinh thành những người con dâu cho gia đình mà chưa có dịp đến đáp).

Người Dao ở Việt Bắc cho rằng,ngày đầu năm không được làm việc mà chỉ lo vui chơi, thăm viếng và chúc tụng nhau.

Người Mông ở vùng cao Tây Bắc và Việt Bắc ăn Tết rất thịnh soạn, chẳng kém gì ở miền xuôi. Trong nhà trang hoàng đủ màu sắc, nhưng màu đỏ được ưa chuộng nhất. Tết Nguyên đán của người Mông gọi là NaoX-Cha. Ngoài thịt ra, còn có bánh làm bằng bột nếp, trong khi đó bánh chưng ít khi dùng. Tết của người Mông thường tổ chức giữa mùa đông giá rét trước hay sau Tết Dương lịch mấy hôm. Đêm giao thừa người Mông không có tục xông đất mà các gia đình thường cử con trai đi "mở nước", tức là đi lấy nước ở sông suối đem về nhà cúng.

Ngọc Bống

comment Bình luận

largeer