Vietnam Airlines thiệt hại kép vì nam tiếp viên vi phạm quy định cách ly Covid-19

Việc nam tiếp viên vi phạm quy định cách ly khiến Covid-19 lây lan không chỉ khiến thương hiệu Vietnam Airlines ảnh hưởng mà nhiều chuyến bay bị hủy.
By N.N/ Sức Khỏe Cộng Đồng
03/12/2020 07:04
Vietnam Airlines mất hình ảnh trong mắt nhiều người sau vụ nam tiếp viên vi phạm quy định cách ly làm lây lan Covid-19.

Vietnam Airlines mất hình ảnh trong mắt nhiều người sau vụ nam tiếp viên vi phạm quy định cách ly làm lây lan Covid-19.

Tin tức về việc nam tiếp viên D.T.H. (bệnh nhân 1342) của Vietnam Airlines vi phạm quy định cách ly khiến Sars-CoV-2 (Covid-19) lây lan ra cộng đồng, đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Đa số đều lên án ý thức và hành vi của nam tiếp, đồng thời cũng có nhiều chỉ trích hướng đến hãng Vietnam Airlines bởi cho rằng sự buông lỏng của đơn vị này trong việc cách ly cũng là một trong những nguyên nhân tạo điều kiện để nam tiếp viên làm lây lan Covid-19 ra cộng đồng.

Ảnh hưởng trước mắt mất 300 chuyến bay giải cứu

Mới đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Y tế chỉ đạo cụ thể về việc cách ly tổ bay, các tiếp viên của các hãng hàng không một cách nghiêm túc, đúng quy định.

Thủ tướng cũng yêu cầu dừng hết các chuyến bay thương mại quốc tế, chỉ duy trì các chuyến bay giải cứu công dân thực sự cần thiết. Tổ bay quốc tế về nước phải tập trung ở khu cách ly quân đội, khu cách ly tại địa phương đủ tiêu chuẩn, bãi bỏ việc cách ly do doanh nghiệp đăng ký.

Chấp hành chỉ đạo từ Thủ tướng, Cục Hàng không Việt Nam cho biết sẽ hủy bỏ kế hoạch xúc tiến 33 chuyến bay mỗi tuần đưa người Việt hồi hương từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Như vậy sẽ có khoảng 330 chuyến bay "giải cứu nửa thương mại" sẽ bị hủy bỏ mà toàn bộ số chuyến bay này dự kiến Vietnam Airlines sẽ được khai thác.

Theo ước tính của Vietnam Airlines, số người Việt tại Nhật Bản muốn về nước là 30.000 người, tại Hàn Quốc là 15.000, tại Đài Loan là 15.000. Do đó, dự kiến hệ số sử dụng ghế trên 330 chuyến bay này sẽ đạt gần 100% như chuyến bay ngày 23/11.

Mức giá trọn gói (combo) gồm giá vé máy bay (giá, phí thu hộ của các đơn vị cung cấp dịch vụ tại nước ngoài và Việt Nam), chi phí 14 đêm khách sạn 3 sao là vào khoảng 30 triệu đồng/hành khách.

Bên cạnh việc hơn 330 chuyến bay "giải cứu nửa thương mại" bị hủy bỏ, có khả năng việc tiếp viên Vietnam Airlines vi phạm quy định, khiến dịch lây lan sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch mở cửa đường bay thương mại quốc tế tới 7 quốc gia, vùng lãnh thổ kiểm soát dịch tốt là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia và Thái Lan.

Ảnh hưởng thương hiệu

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Vietnam Airlines là hãng hàng không tích cực nhất trong việc vận chuyển hàng hóa, đưa công dân về nước. Tuy nhiên, việc thả lỏng kiểm soát, để một nam tiếp viên thành ca nhiễm lây lan ra cộng đồng đã ảnh khiến công sức xây dựng hình ảnh của hãng này hầu như "bỏ sông bỏ bể".

Trên mạng xã hội mấy ngày qua liên tục xuất hiện những chỉ trích hướng đến hãng hàng không này. Nhiều chuyên gia kinh tế, thương hiệu cho rằng: Vụ việc này khiến Vietnam Airlines "mất điểm" trầm trọng trong mắt người dân, những khách hàng của hãng.

Ngoài nỗi lo về lây lan dịch thì sự thiện cảm của hãng này trong mắt dư luận ít nhiều ảnh hưởng nhất là trong bối cảnh hãng vừa được chấp thuận giải ngân gói cứu trợ 12.000 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách, trong khi các hãng bay tư nhân thậm chí chưa tiếp cận được khoản vay ưu đãi...

Trách nhiệm của Vietnam Airlines thế nào trong vụ nam tiếp viên vi phạm cách ly?

Trả lời tại buổi họp báo của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, trong vụ việc nam tiếp viên hàng không vi phạm quy định cách ly, làm lây nhiễm dịch ra cộng đồng có trách nhiệm của Vietnam Airlines.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Việc này rất nghiêm trọng, tác động đến cộng đồng và ảnh hưởng đến thành quả phòng chống dịch".

Theo ông, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Về mặt hành chính, các cơ quan liên quan cũng sẽ làm và thông báo công khai. Và trước hết, theo ông Đông, phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật với cá nhân vi phạm.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết các quy định về quản lý, phòng chống dịch Covid-19 đã được Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế nêu rất rõ ràng, chặt chẽ. Việc lập khu cách ly ở đầu mối các địa phương đã được chấp thuận nhưng phải gắn với trách nhiệm kiểm tra, giám sát.

“Nhưng trước hết phải nói đến trách nhiệm cá nhân chưa tuân thủ và có yếu tố chủ quan khi xét nghiệm âm tính nên có tiếp xúc với người khác”, ông Đông nói.

Ông cũng cho biết trong vụ việc này có trách nhiệm của cơ quan chủ quản lý là hãng hàng không Vietnam Airlines. Đơn vị này đã có hành động ban đầu là đình chỉ người quản lý trực tiếp để kiểm điểm, kết quả kiểm điểm sẽ được công khai.

Ông khẳng định trong vận tải công cộng, yêu cầu về phòng, chống dịch là rất chặt chẽ, đặc biệt với các tổ lái và tiếp viên - những người có khả năng lây nhiễm cao nên càng phải tuân thủ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: Trưa 21/11, bệnh nhân 1342 đã rời khỏi nhà trên đường Bạch Đằng (quận Tân Bình) đi ăn trưa. Bệnh nhân 1342 cũng khai báo thêm rằng đã tự ý rời khỏi nhà trong thời gian tự cách ly để đi ăn và đi học ở Đại học Hutech, quận Bình Thạnh.

"Sáng và chiều 22/11, bệnh nhân này đến học tại Đại học Hutech. Hiện tại Đại học Hutech đã được phong tỏa và cho sinh viên nghỉ học", ông Long thông tin.

Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh rằng, bệnh nhân 1342 đã vi phạm nghiêm trọng các biện pháp cách ly tập trung cũng như cách ly tại nhà và trở thành nguồn lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.

"Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Giao thông vận tải làm rõ trách nhiệm của Vietnam Airlines và sớm có báo cáo", ông Long cho biết.

comment Bình luận

largeer