Vụ cầu thủ Đỗ Hùng Dũng gãy hai xương cẳng chân: Sau bao lâu có thể quay trở lại sân cỏ?

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc – Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội): "Gãy hai xương cẳng chân là tổn thương nặng nhưng khả năng hồi phục về thể chất có thể diễn ra trong vòng 5 tháng và mất thêm khoảng 3 tháng tập luyện là có thể hồi phục cho phép trở lại sân cỏ".
25/03/2021 13:43

Có thể phải nghỉ hưu "non" nếu như gãy xương cẳng chân

Trước đó, trong trận diễn ra tối 23/3 giữa hai CLB Hà Nội và TP.HCM đã xảy ra một pha va chạm kinh hoàng giữa tiền vệ Nguyễn Hoàng Thịnh và Đỗ Hùng Dũng.

Hậu quả, Đỗ Hùng Dũng bị gãy 1/3 giữa hai xương cẳng chân phải và mổ khẩn cấp tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (TPHCM).

Ca phẫu thuật diễn ra thành công nhưng dư luận hết sức quan tâm về chấn thương này có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của Hùng Dũng, nhất là khi sự nghiệp thi đấu của anh đang ở đỉnh cao.

Nhắc về chấn thương của cầu thủ này, bác sĩ Trần Văn Phúc – Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Xanh Pôn nhớ lại trường hợp của cầu thủ Văn Sỹ Hùng trong trận đấu lượt về cúp C1 châu Á tại sân Hàng Đẫy vào năm 2000. Trong một pha vào bóng ác ý của thủ môn đội Makassar (Indonesia), hai xương cẳng chân phải của Văn Sỹ Hùng cũng bị gãy làm đôi, anh vào cấp cứu đúng tua tôi trực; sau khi chụp chiếu chẩn đoán, các bác sĩ đã chuẩn bị mổ nhưng gia đình xin sang Bệnh viện Việt Đức. Phải mất đúng 2 năm Văn Sỹ Hùng mới trở lại sân cỏ.

bac si phuc

bác sĩ Trần Văn Phúc – Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Xanh Pôn đang chẩn đoán hình ảnh cho bệnh nhân. 

Bác sĩ cho biết: “Chấn thương của Hùng Dũng làm nhiều người lo sợ, bởi anh là trụ cột đội tuyển quốc gia, liệu hai xương cẳng chân gãy tan như vậy có chấm dứt sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của Hùng Dũng? Tôi đã xem phim Xquang được cho là của Hùng Dũng mà các báo đăng tải, thấy hình ảnh xương chày và xương mác bên phải bị gãy ở vị trí 1/3 giữa, đường gãy ngang nhưng không thuộc gãy tiện mía, không thuộc loại gãy phức tạp, không di lệch, không có mảnh rời. Với tổn thương như vậy, theo tôi, có thể tiên lượng tốt về mặt chuyên môn sau mổ kết xương”.

Theo bác sĩ Trần Văn Phúc, so với chấn thương của Văn Sỹ, đường gãy phức tạp hơn nhiều, gãy xoắn vỏ đỗ nhưng có mảnh rời, đặc biệt mảnh xương vụn, lại bị di lệch. Thời điểm đó ở Việt Nam chưa có kĩ thuật đóng đinh nội tủy xương đùi có chốt. Các bác sĩ chủ yếu kết xương nẹp vít, nên sẽ khó khăn hơn khi chỉnh trục xương gãy ở vị trí 1/3 giữa, nhưng bù lại dễ sắp xếp mảnh rời, tạo cơ hội cho xương liền sớm và vững. Cầu thủ này may mắn vẫn trở lại bóng đá đỉnh cao.

Và nếu ca chấn thương của Văn Sỹ và thậm chí là Hùng Dũng, xảy ra cách đây nửa thế kỉ, thì đó là một chấn thương nghiêm trọng đủ để các cầu thủ phải nghỉ hưu "non", hầu hết cầu thủ giải nghệ sớm vì gãy hai xương cẳng chân.

Nếu như trước kia, ở những giải đấu nhỏ, đặc biệt các phong trào thể dục thể thao như Hội khỏe Phù Đổng thời điểm những năm 1980 mà bác sĩ biết, vận động viên gãy xương hay tự về nhà bó lá. Thậm chí, bây giờ ngay giữa thủ đô vẫn gặp bệnh nhân gãy xương biến chứng vì bó thuốc ông lang bà mế. Thực tế, chính bác sĩ cũng được chứng kiến vụ cấp cứu cho bệnh nhân gãy xương cánh tay, đến viện với một bó thuốc bốc mùi thối nồng nặc, chụp Xquang  thấy hiện nguyên hình cả con gà đầy đủ lông và lòng mề nhưng đã mổ bụng để ôm lấy cánh tay gãy.“Chó liền da gà liền xương” không thể áp dụng trong trường hợp này.

“Với sự phát triển của y học hiện đại ngày nay, nhiều vấn đề không còn được coi là vấn đề nữa, gãy hai xương cẳng chân đơn thuần trong bóng đá không đến mức quá nghiêm trọng. Hầu hết các cầu thủ bóng đá bị gãy hai xương cẳng chân đã quay trở lại bóng đá đỉnh cao”, bác sĩ Trần Văn Phúc nhấn mạnh 

Sau bao lâu Hùng Dũng có thể trở lại sân cỏ? 

do hung dung

Cầu thủ Đỗ Hùng Dũng.

Gãy hai xương cẳng chân, thời gian phục hồi trung bình là 40 tuần, phục hồi sớm nhất khoảng 18 tuần và muộn nhất khoảng 130 tuần theo một nghiên cứu vào năm 1997. Nếu chỉ gãy xương chày hoặc xương mác, thời gian phục hồi nhanh hơn một chút, trung bình khoảng 35 tuần, dao động từ 8 đến 78 tuần. Nhưng cầu thủ cần khoảng 18 tuần tập luyện để làm quen.

Khi nền y học đặc biệt là y học thể thao chưa phát triển, người ta chú ý đến tổn thương thực thể tại nơi xương bị gãy, coi đó là thước đo khả năng trở lại sân cỏ của mỗi cầu thủ bóng đá. Nhưng nay đã thay đổi ngược lại. Vấn đề khó khăn nhất của cầu thủ lại không nằm ở cuộc phẫu thuật với khả năng liền xương, mà quan trọng hơn cả vẫn là tập phục hồi chức năng sau mổ, vật lí tri liệu, đặc biệt là điều trị tâm lí cho nạn nhân.

Chấn thương thể thao có gắn với thuật ngữ Kinesiophobia. Kinesiophobia được định nghĩa là "nỗi sợ hãi quá mức, phi lí, gây suy nhược về vận động và hoạt động thể chất do cảm giác sợ bị tổn thương đau đớn hoặc sợ tái phát chấn thương." Nhiều cầu thủ giải nghệ chỉ vì Kinesiophobia.

Chấn thương thể thao ngày nay, đặc biệt là gãy hai xương cẳng chân, thước đo để cầu thủ bóng đá trở lại sân cỏ là yếu tố tâm lí có gắn với Kinesiophobia, là phục hồi chức năng và vật lí trị liệu; đòi hỏi cả 3 yếu tố này phải được bác sĩ y học thể thao chăm sóc đúng cách.

Một nghiên cứu khác ở Mỹ trong năm 2007, theo đó gãy hai xương cẳng chân kết quả phẫu thuật tốt, nhưng số bệnh nhân rời bỏ môn bóng đá lại chiếm tỉ lệ lớn thuộc nhóm này so với các tổn thương gãy xương ở vị trí khác. Lí do, 2/3 số người không dám chơi lại môn thể thao mình yêu thích có liên quan đến Kinesiophobia, nguyên nhân chủ yếu là sợ hãi chấn thương quay trở lại.

“Như vậy, với ca chấn thương của Hùng Dũng, tôi cho rằng gãy hai xương cẳng chân là tổn thương nặng nhưng khả năng hồi phục về thể chất có thể diễn ra trong vòng 5 tháng và mất thêm khoảng 3 tháng tập luyện là có thể hồi phục cho phép trở lại sân cỏ. Tuy nhiên, vấn đề phục hồi chức năng, vật lí trị liệu và điều trị tâm lí để giúp tuyển thủ quốc gia vượt qua khó khăn sau mổ, đó là điều cực kì quan trọng.

Với cầu thủ chuyên nghiệp, đặc biệt là những trụ cột đội tuyển quốc gia như Hùng Dũng, trong dòng máu của họ có tình yêu dành cho bóng đá vô điều kiện, điều đó giúp cầu thủ vượt qua chấn thương một cách ngoạn mục; cùng với sự hỗ trợ của các bác sĩ có chuyên môn giỏi, tôi tin Hùng Dũng sẽ sớm trở lại sân cỏ vào mùa giải 2022”, bác sĩ Trần Văn Phúc tràn đầy tin tưởng.

Để hạn chế những ca chấn thương nặng như của Hùng Dũng, bác sĩ cũng khuyến cáo các cầu thủ hãy chơi bóng bằng trái tim và nụ cười trên môi, các lò đào tạo cũng nhưn các huấn luyện viên hãy giáo dục cầu thủ chơi thứ bóng đá đẹp thay vì bạo lực để che đậy sự yếu kém trên sân cỏ.

Thùy Dương

comment Bình luận

largeer