Coi trọng và có giải pháp thiết thực tăng cường vai trò Y dược cổ truyền trong phòng chống Covid-19

Trao đổi với Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng, ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho rằng, cần coi trọng và có giải pháp thiết thực tăng cường vai trò Y dược cổ truyền trong phòng chống Covid-19.
By BBT
04/08/2020 15:41

PV: Ngày 17 tháng 3 năm 2020, trong lúc cả nước đang tập trung phòng chống đại dịch COVID-19, Bộ Y tế đã ra công văn số 1306/BYT-YDCT về việc “tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2 bằng thuốc và các phương pháp Y học cổ truyền”. Hội Giáo dục chăm sóc Sức khỏe cộng đồng (GDCSSKCĐ) Việt Nam, nhìn nhận thư thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Quân: Là một tổ chức xã hội hoạt động trên lĩnh vực giáo dục chăm sóc sức khỏe, chúng tôi luôn coi trọng cả y dược học cổ truyền và y dược học hiện đại. Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước là phải “kết hợp chặt chẽ y dược học cổ truyền và y dược học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân”. Theo đó, Ngày 17 tháng 3 năm 2020, giữa lúc cả nước đang tập trung phòng chống đại dịch, Bộ Y tế đã ra văn bản số 1306/BYT-YDCT về việc “tăng cường phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-Cov-2 bằng thuốc và các phương pháp Y học cổ truyền”. Hội GDCSSKCĐ Việt Nam đánh giá cao văn bản trên của Bộ Y tế, thể hiện sự nhìn nhận đúng mức vai trò của Y dược cổ truyền trong tham gia phòng chống dịch bênh, nhất là trong lúc đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán từ những ngày tháng cuối năm 2019 và đã sớm bùng phát trên khắp toàn cầu ngay trong đầu năm 2020, Cuộc chạy đua tìm ra các vaccine và các thuốc đặc trị để chống lại virus corona chủng mới đã được khởi động (tuy nhiên đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị cho phòng chống Covid-19). Đồng thời Việt Nam vốn có nền y học cổ truyền lâu đời và phong phú, hiểu rõ “thể tạng” của người Việt, có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong phòng chống các bệnh “ôn dịch” và bệnh “thời khí”. Y học cổ truyền Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm có thể đóng góp được rất nhiều cho việc phòng chống đại dịch Covid-19.


Ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam

PV: Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

Ông Nguyễn Hồng Quân: Hội và giới Y dược học cổ truyền rất vui mừng chào đón văn bản chỉ đạo mới của ngành Y tế. Như đã thấy, chỉ sau ít ngày, công luận đã có bài “Hiểu về Công văn 1306/BYT-YDCT của Bộ Y tế về vai trò của thảo dược trong phòng, chống virus”, cho biết: Năm 2003, WHO đã có Hội nghị chuyên gia về chủ đề “Đánh giá và phân tích các báo cáo lâm sàng về kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại để điều trị SARS”. Y dược học cổ truyền đã có hàng nghìn năm, từ khi có mặt của con nguời (trong khi Tây y mới là 200 năm),…Y dược học cổ truyền  xuất phát từ thiên nhiên, hữu cơ, dùng lâu dài, rất ít tác dụng phụ. Các bài thuốc cổ truyền, phương pháp y học cổ truyền đã được sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh do Virus đường hô hấp nói chung và do dịch Covid-19 nói riêng là điều hết sức cần thiết. Hầu hết bệnh tật của con người mắc nhẹ hay mắc nặng quyết định bởi sự chống đỡ của cơ quan miễn dịch của cơ thể (sức đề kháng, sức chống đỡ của cơ thể)..” .

PV: Trên thực tế, công văn 1306/BYT-YDCT được Hội GDCSSKCĐ Việt Nam triển khai thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Hồng Quân: Là một tổ chức xã hội hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 46/NQ-TW của Bộ Chính trị khóa IX và nghị quyết số 20 của Ban CHTW Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, nên phạm vi hoạt động rất rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội. Hội đã kết nối, tập hợp được sự đồng tâm hiệp lực của nhiều lực lượng khác nhau cùng phấn đấu vì sự nghiệp Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng nòi giống, góp phần bồi dưỡng nhân tài cho đất nước”; xây dựng và phát triển Hội.

Hội đã rất quan tâm chỉ đạo và tích cực triển khai tập hợp lực lượng y dược cổ truyền, sưu tầm các bài thuốc, các phương pháp chăm sóc sức khỏe trong dân gian để góp phần chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Thường trực Trung ương Hội đã đề ra chủ trương triển khai trong Hội là: Thực hiện nghiêm sự lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương; đồng thời chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông, các lực lượng y dược cổ truyền thành viên trong Hội phát huy thế mạnh, chung tay góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cộng đồng – phòng chống dịch Virus COVID-19; vận động các các tổ chức cá nhân hảo tâm hỗ trợ vật chất (vật tư y tế, gạo, thực phẩm…), kinh phí để ủng hộ, động viên các lực lượng tuyến đầu chống dịch (Y bác sĩ, quân đội, công an, …), nhân dân các vùng khó khăn.

Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng - Cơ quan ngôn luận của Hội GDCSSKCĐ Việt Nam, ngay sau khi công văn 1306/BYT được ban hành, đã tổ chức hội thảo trực tuyến về đề tài này và đã có bài: “Chung tay cùng Chính phủ phòng chống Sar-Cov-2 bằng YHCT”. Nhà thuốc Đông y Thọ Xuân Đường, gia truyền 400 năm, một Thành viên của Hội, có cả loạt bài đăng trên Báo Sức khỏe & Đời sống số 26,  Chuyên đề cuối tháng 2 năm 2020), như: “Tăng sức đề kháng bằng y học cổ truyền”, tổng hợp 5 giải pháp đơn giản, dễ thực hiện, (gồm  thuốc sắc uống, nước uống, rượu thuốc, canh dinh dưỡng và nước rửa tay); “Phác đồ hỗ trợ điều trị cho người dương tính với SARS-COV-2 bằng y học cổ truyền”, Tiến sĩ – Lương y Phùng Tuấn Giang cho hay: “Cũng như các bệnh truyền nhiễm khác, người nhiễm Sars-cov-2 đều trải qua các giai đoạn bệnh từ ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Thời gian diễn biến của mỗi giai đoạn cũng như mức độ nặng của bệnh khác nhau trên mỗi bệnh nhân. Ứng với mỗi giai đoạn bệnh, y học cổ truyền mô tả các chứng hậu, chứng trạng và đưa ra phương pháp điều trị riêng”.

Ngoài ra, nhiều vị danh y y dược cổ truyền đã trực tiếp đến Hội trình bày những bài thuốc, phương pháp y dược cổ truyền khả thi, đã và đang được áp dụng tại cộng đồng.

Tuy nhiên, trên truyền thông, việc phản ánh, đưa tin về sự tham gia phòng chống đại dịch Covid-19 của y dược học cổ truyền của chúng ta còn ít và hạn chế.

Cần coi trọng và có giải pháp thiết thực tăng cường vai trò Y dược cổ truyền trong phòng chống Covid-19

PV: Đại dịch COVID-19 còn đang kéo dài và diễn biến phức tạp, nhưng Việt Nam vẫn giữ được sự chủ động và kiểm soát tốt tình hình. Xin ông cho biết những quan điểm và giải pháp khả thi nhằm tăng cường vai trò y dược học cổ truyền phòng chống đại dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay?

Ông Nguyễn Hồng Quân: Trước hết cần quán triệt sâu sắc quan điểm nêu trong Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của BCHTƯ Đảng khóa XII: “Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các ngành, trong đó ngành Y tế là nòng cốt. Phát triển nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng; y tế chuyên sâu đồng bộ và cân đối với y tế cộng đồng; gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại, quân y và dân y”.

Đồng thời, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các quan điểm trong Chỉ thị số 24/CT-TW ngày 04-07-2008 của Ban Bí thư, Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Y Dược cổ truyền, kết hợp Y Dược cổ truyền với y dược hiện đại:

- Y dược cổ truyền Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong hệ thống y tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

- Phát triển nền Y Dược cổ truyền Việt Nam vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là trách nhiệm các cấp uỷ đảng, chính quyền và toàn xã hội.

- Phát triển nền Y Dược cổ truyền Việt Nam là góp phần bảo tồn bản sắc, phát huy và phát triển một bộ phận văn hóa của dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần độc lập và tự cường của dân tộc Việt Nam.

- Mục tiêu phát triển nền Y Dược cổ truyền Việt Nam là: Đẩy mạnh việc nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn và phát triển Y Dược cổ truyền; kết hợp với y dược hiện đại trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân; xây dựng nền Y dược học Việt Nam hiện đại, khoa học, dân tộc và đại chúng, ngang tầm khu vực và thế giới; từng bước quảng bá nền Y Dược cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài.

Tích cực phối hợp tổ chức thưc hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp, chương trình phát triển Y Dược cổ truyền, kết hợp Y Dược cổ truyền với Y Dược hiện đại nêu trong Chỉ thị số 24/CT-TW và Quyết định số 1893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:

- Nâng cao nhận thức về vai trò của Y Dược cổ truyền, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền đối với việc phát triển nền Y Dược cổ truyền Việt Nam.

- Tiếp tục kiện toàn hệ thống khám, chữa bệnh bằng Y Dược cổ truyền và quản lý nhà nước về Y Dược cổ truyền từ Trung ương đến cơ sở.

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và những quy định cụ thể để phát triển Y Dược cổ truyền, kết hợp giữa Y Dược cổ truyền và Y Dược hiện đại một cách hài hoà và hiệu quả. Có chính sách đặc thù trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để các lương y chuyển giao những bài thuốc hay, cây thuốc quý và những kinh nghiệm phòng, chữa bệnh bằng Y Dược cổ truyền, khuyến khích truyền nghề cho thế hệ sau.

Trước mắt, để Y Dược cổ truyền được thật sự “nhập cuộc”, tham gia tích cực và hiểu quả trong phòng chống đại dịch Covid-19 hiện nay thì cần:

- Tháo gỡ ngay những rào cản để các bài thuốc, các phương pháp điều trị y dược cổ truyền được phổ biến rộng rãi cho cộng đồng trong phòng nhiễm Covid-19.

- Lực lượng y dược cổ truyền được tiếp cận và tham gia điều trị cho những đối tượng đang bắt buộc cách ly, với tinh thần bảo đảm an toàn, giảm thiểu thời gian, không gây nhiều phiền hà, tốn kém cho ngân sách y tế, gia đình và bản thân mỗi người.

- Tổ chức cho y dược cổ truyền được tham gia điều trị chống Covid-19 như: Chọn một số ca nhiễm dương tính Covid-19 giao cho y dược cổ truyền điều trị, như một đối chứng so sánh với y dược hiện đại đang điều trị.

 

PV: Xin cảm ơn Chủ tịch Hội.

comment Bình luận

largeer