Bước chân ký ức của người lính!
Không thể lột tả hết những năm tháng gian khổ của thời kỳ chiến tranh ấy, nhưng khi tụ họp cùng đồng đội xưa, chỉ cần một vài kỉ niệm được nhắc lại, là bao nhiêu hoài niệm lại ùa về. Ở đây, chúng tôi muốn nhắc đến những chặng đường hành quân bộ bằng đôi chân của mình từ Bắc vào Nam.
Đại tá Tạ Quang Vinh luôn nhớ đến và tham gia trong các cuộc gặp mặt Hội đồng ngũ 1972. Lần nào cũng vậy, ông và đồng đội lại cùng ôn lại kỷ niệm của những ngày cùng sống, chiến đấu bên nhau và cũng là để nói với nhau rằng, “chúng ta tuy không còn trẻ, tất cả đã lên ông lên bà, gặp nhau nhìn thấy nhau để thấy nhau còn mạnh khoẻ, vui vẻ, phấn khởi, tay bắt mặt mừng; Gặp nhau để thấy rằng, chúng ta còn được hạnh phúc biết bao, bởi, trong số anh em chúng ta ngày ấy, tuy đa số vẫn còn, song cũng đã có nhiều người không còn. Vì vậy, tôi cho rằng, chúng ta còn được gặp mặt nhau như thế này thật sự hết sức đáng quý, thật sự đáng trân trọng”.
Cũng trong các buổi gặp mặt ấy, ông luôn muốn nhắc lại những chặng đường đã trải qua cùng đồng đội.

Đại tá Tạ Quang Vinh (thứ 3 từ phải sang) tại Buổi họp mặt truyền thống Hội Đồng ngũ 1972
Ôn lại kỷ niệm về những ngày tháng hành quân bộ cách đây 53 năm
Cách đây 53 năm, tháng 5/1972, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh em chúng tôi, tuổi đều mười tám, đôi mươi, đã cùng với hàng ngàn thanh niên ở khắp các địa phương miền Bắc lên đường nhập ngũ, trở thành người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND), hướng ra chiến trường, chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Điều đáng nói ở đây là, anh em chúng ta đều bước chân ra đi từ mảnh đất của phong trào “chiếc gậy Trường Sơn”, từ miền quê có danh thắng Chùa Hương nổi tiếng, lại về cùng ở một đơn vị - Trung đoàn 52, Sư đoàn 320B; và đa số đều trong cùng một đơn vị - Tiểu đoàn 4. Và năm nay, chúng tôi họp mặt nhau cũng lại để ôn lại những kỷ niệm cách đây đã 53 năm, hỏi thăm nhau về sức khỏe, làm ăn, về gia đình, con cái….
Chắc chắn một điều rằng, tất cả chúng tôi đều chưa ai quên được không khí của ngày ấy.
Năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta diễn ra rất ác liệt. Ở miền Bắc, Mỹ tiến hành rải thuỷ lôi ở các cửa sông, nhất là ở cảng Hải Phòng, hòng ngăn chặn sự chi viện của các nước cho chúng ta và sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam; Đồng thời tiếp tục ném bom đánh phá nhiều nơi trên miền Bắc, đặc biệt là cuộc ném bom chiến lược bằng B52 trong 12 ngày đêm tháng 12/1972 vào Hà Nội và Hải Phòng. Tại đây, đã có một trận Điện Biên Phủ trên không. Ở miền Nam, Mỹ nguỵ đẩy mạnh các chiến dịch càn quét, bình định nông thôn, lấn chiếm đất đai.
Cũng trong năm 1972, nhận thấy tương quan lực lượng có lợi cho ta, Trung ương Đảng ta chủ trương xúc tiến việc chuẩn bị và mở cuộc tấn công chiến lược trên toàn miền Nam, trong đó, mặt trận Trị - Thiên được chọn là hướng tấn công chủ yếu. Khu 5, trong đó có Đà Nẵng là chiến trường phối hợp quan trọng. Và Chiến dịch xuân - hè năm 1972 ở Quảng Trị - Thừa Thiên được quân ngụy gọi là “mùa hè đỏ lửa” – một phần trong Chiến cục năm 1972 tại Việt Nam, diễn ra từ 30/3/1972 đến 31/1/1973 do Quân đội ta chủ động tiến hành. Đây là cuộc tổng tấn công chiến lược bằng các chiến dịch tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, tiến công sâu vào hệ thống phòng ngự của quân đội ngụy trên những hướng chiến lược quan trọng: Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng Khu V và Khu VIII (Nam Bộ). (Xin được nhấn mạnh) Cuộc tiến công bắt đầu ngày 30/3/1972 và Quảng Trị trở thành nơi tranh chấp quyết liệt nhất giữa ta và Mỹ ngụy, chúng muốn bằng mọi giá chiếm lại Quảng Trị để mặc cả với ta trên bàn đàm phán tại Paris. Ác liệt nhất là trận chiến đấu 81 ngày đêm tại thành cổ Quảng Trị từ ngày 28/6 đến 16/9/1972. Chủ trương của ta là tập trung mọi nỗ lực cả sức người, sức của cho trận chiến đấu cuối cùng để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong bối cảnh đó, ngày 10/5/1972, anh em chúng tôi có quyết định lên đường nhập ngũ vào E 52, mà cụ thể là vào D4 (phiên hiệu 6208), F 320B – sư đoàn bộ binh, riêng thầy trò cấp 3B Ứng Hòa chúng tôi cũng đã gần 50 anh em (trong đó có một thầy giáo là tôi).
Ngay từ tháng 11/1971, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định chuyển sư đoàn 320B, một sư đoàn huấn luyện quân tăng cường thành “đơn vị cơ động chiến lược” của Bộ. Và cũng chính vì thế, trong suốt những ngày tháng ở D4, E52, F320B, chúng ta đều luôn luôn là lực lượng “cơ động bằng đôi chân”, hành quân bộ suốt từ Bắc vào Nam. (Có lẽ trong cuộc đời bộ đội, nỗi vất vả nhất là hành quân bộ đường dài mang vác nặng (ít nhất là theo cảm nhận của tôi). Sau mỗi chặng hành quân là chân, tay, bả vai đau nhức, phồng rộp; nếu đến nơi mà không ngâm chân vào nước muối nóng ngay, dùng kim chọc cho nốt phồng rộp rỉ nước ra thì hôm sau khó mà có thể bước chân đi được). Rồi còn bị máy bay Mỹ đánh phá liên tục, càng vào sâu phía Nam, mật độ đánh phá càng dày đặc, đến Quảng Bình còn chịu những trận bom dải thảm toạ độ của B52 nữa, (chắc trong chúng tôi không ai không nhớ trận bom B52 ở khu rừng thông xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch); đồng thời, lại đều hành quân vào ban đêm, và đường đi toàn là đường rừng núi, lên dốc, xuống dốc, mỗi chặng ít thì 30 km, có khi tới 60, 70 km một chặng…
Tuy nhiên, anh em chúng tôi cũng tìm ra được một điều động viên là, có đi bộ thế này mới có điều kiện “kỳ mục sở thị” vẻ đẹp của từng vùng miền khác nhau của đất nước, mới thấy được sự hùng vĩ, sự đa dạng tài nguyên của non sông. Điều đó, ngoài sự động viên, còn tạo cho chúng tôi niềm vui, phấn khởi, sự háo hức mỗi khi bước và chặng hành quân mới; tạo nên sự thương yêu, gắn bó các đồng đội trong cùng đơn vị, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng đi đến đích của từng chặng.
Hành quân bằng đôi chân từ Bắc vào Nam
Chặng đường hành quân bộ từ Bắc vào Nam của chúng tôi, ngồi ngẫm lại, có thể chia thành 4 đợt khác nhau.
Đợt 1 là từ Mỹ Đức (Hà Tây) đến Như Xuân (Thanh Hóa): Chỉ một ngày sau khi có tên tại đơn vị, nhận quân trang quân dụng, vũ khí, khí tài, chúng ta đã hành quân bộ 3, 4 ngày liền để về Như Xuân (D bộ D4/E52 đóng tại xóm Bồng Sơn, xã Phú Nhuận) để huấn luyện.
Ở Phú Nhuận, đơn vị tổ chức biên chế lại. Tôi còn nhớ, tiểu đoàn 4 có 4 đại đội: Đại đội 1 và đại đội 2 là đơn vị bộ binh, trang bị súng bộ binh (AK, CKC, trung liên RPD, súng chống tăng B40, B41); Đại đội 3 là đơn vị hoả lực phòng không 12 ly 7 và đại liên; Đại đội 4 là đơn vị hoả lực bộ binh gồm cối 82 ly, cối 60 ly, DKZ... Tiểu đoàn bộ có 01 tiểu đội trinh sát (đồng chí Được, người Thanh Hoá làm tiểu đội trưởng); 01 trung đội thông tin gồm: 1 tiểu đội thông tin 2 wát, 1 tiểu đội thông tin 0,3 wat, 1 tiểu đội hữu tuyến và 1 tiểu đội truyền đạt. Chuẩn úy Đinh Văn Sung (người Phú Xuyên) làm trung đội trưởng và thượng sỹ Nguyễn Văn Tường (người Nam Định) là trung đội phó; 01 trung đội vận tải. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 là thượng úy Nguyễn Văn Hoà (người Nam Định), chính trị viên cũng là là thượng uý (đến Quảng Bình thì được phong đại uý); trung uý Nguyễn Văn Chỉnh (người Nghệ An) là tiểu đoàn phó kiêm tham mưu trưởng tiểu đoàn; trung uý Võ Ngọc Chiễu (người Nam Định) là chính trị viên phó... Tất cả đều ở trong nhà dân.
Tại đây, chúng tôi tiến hành huấn luyện chuyên môn theo nhiệm vụ của mình, rèn đôi vai bằng mang vác nặng, và ngoài ra còn đi lấy củi, chặt nứa... để phục vụ bếp ăn.
Đợt 2: Từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh: Chưa đầy một tháng sau, ngày 29/6/1972, chúng tôi hành quân bằng “com măng cẳng” hướng ra chiến trường qua nhiều địa danh khác nhau (tôi muốn nhắc đến một số địa danh có nhiều kỷ niệm).
Sau khi rời Như Xuân, qua Nông Cống, ngày hành quân thứ ba, chúng ta bị lạc đường, đi xa tới 60, 70 km dưới trời mưa như trút, đường trơn, vai mang nặng hơn những ngày trước, và phải hơn một ngày đêm liền mới tới trạm nghỉ ở xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Rồi một ngày sau, đến xã Hậu Thành, huyện Yên Thành; rồi tiếp đến là xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (ngày 5/7); ngày tiếp sau chúng tôi có mặt ở xã Nam Diên, huyện Nam Đàn (ở đây trên nhiều bức tường có câu khẩu hiệu đến bây giờ tôi vẫn nhớ: “Lạc là sắt lạc là gang, lạc sang nước bạn lạc mang máy về”; rồi đến xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn và ngày 8/7, đến xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; ngày 10/7 chúng tôi đến xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà; tiếp đến là xã Cẩm Duệ, rồi đến xã Cẩm Minh, huyện Cẩm Xuyên. Ở đây, toàn đơn vị được nghỉ ít hôm.
Đợt 3: Từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình: Ngày 3/8, chúng tôi bắt đầu chặng thứ 3 sau một ngày chúng ta có mặt ở xã Kỳ Tây, ngày 5/8 đến Kỳ Lạc huyện Kỳ Anh, ở đây cũng được nghỉ 3 ngày; ngày 9/8, 11 giờ, bắt đầu hành quân qua dãy núi đèo Ngang ở hướng phía tây sang đất Quảng Bình (xã đầu tiên chúng tôi gặp là xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch), đi tiếp qua sông Ròn và tới nghỉ tại xã Quảng Lưu.
Ngày 10/8, hành quân tiếp qua sông Gianh đến xã Quảng Hoà; tối 11/8 sau khi qua sông Son thì đơn vị nghỉ tại xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch; nghỉ ngơi chỉ khoảng 3 tiếng đồng hồ, 4 giờ sáng lại hành quân sớm vì phải đi qua trọng điểm là Bến Mới, nhưng do trọng điểm này vừa mới bị đánh phá trong đêm nên phải quay lại Mỹ Trạch để nghỉ. Sau một ngày nghỉ, 2 giờ sáng hôm tiếp theo, chúng tôi lại lên đường, hành quân qua Bến Mới, nơi đây sau trận đánh phá của bom Mỹ, đất đá vẫn ngổn ngang, vẫn còn vài quả bom chưa nổ; chúng tôi hành quân đến Khương Hà nghỉ nấu cơm (do đi đột xuất nên không nắm cơm trước) và ở tại các lán tạm trong rừng. Ngày 15/8, buổi sáng chúng tôi phải hành quân qua nhiều bãi bom, đất đá ngổn ngang và còn có bom chưa nổ, nên phải đi ngoằn ngoèo để tránh, đến 7 giờ chiều thì mới đến nơi nghỉ dừng chân, đó là địa bàn xã Hoà Trạch, huyện Bố Trạch; ngày 18/8, chúng tôi về tới xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch. Tiểu đoàn 4 chúng tôi được bố trí đóng quân tại đây. B thông tin được bố trí ở xóm Sao Sa 1.
Tại đây, chúng ta nhận nhiệm vụ chốt giữ địa bàn Quảng Bình, bao gồm cả Đồng Hới để sẵn sàng chiến đấu, bởi Mỹ ngụy có ý định đưa quân đổ bộ ra đây hòng đổi lại Quảng Trị. Hàng ngày chúng ta được chứng kiến những trận bom toạ độ của B52 huỷ diệt, nhìn thấy B52 bay lượn trên bầu trời; F4H, A7, A8 trinh sát, chỉ điểm và ném bom; các trận pháo kích từ các tàu của Mỹ ở ngoài biển khơi diễn ra thường xuyên… Cùng với sẵn sàng chiến đầu, đơn vị tổ chức huấn luyện, lấy gạo, lấy củi; lấy cây gỗ về làm nhà hầm cho mình; làm chuồng bò, chuồng lợn cho dân… Riêng Trung đội thông tin chúng tôi phải bảo đảm thông suốt từ tiểu đoàn xuống các đại đội với các khoảng cách từ 3 đến 7 km.
Cũng trong đợt làm nhiệm vụ chốt giữ tại đây, tôi được đi dự Hội nghị mừng công Trung đoàn 52 cùng Trung uý Võ ngọc Chiễu, được quà kỷ niệm là một chiếc khăn mùi xoa.
Đợt 4: Từ Quảng Bình hành quân vào Quảng Trị: Ngày 9/10/1972, chúng ta lại tiếp tục hành quân đợt 4 vào Quảng Trị. Rời Nam Trạch, chúng tôi đến xã Đức Ninh, huyện Quảng Ninh. Ngày 10/10, vào Võ Ninh, Quảng Ninh; ngày 11/10 đến xã Hồng Thuỷ; hôm sau đến Xen Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, chỉ cách Hồ Xá hơn 10 km. Hôm sau nữa chúng tôi hành quân qua Vĩnh Linh, qua sông Bến Hải (bằng thuyền của dân) và vào đến mảnh đất Quảng Trị, đến điểm chốt lúc 11 giờ đêm, muỗi và mối thì nhiều vô kể, tay vơ một cái là nắm được vài con, đêm nằm nghe mối ăn như có mưa rào. Đồng chí giao liên chỉ qua cho chúng tôi các cái hầm chữ A gần đó. Nhưng do quá mệt mỏi, mấy anh em chúng tôi chui vào cái vỏ chăn (để chống muỗi) và nằm lăn ra ngủ ngay trên mặt đất. Sang hôm sau, nghe tiếng o, o… của chiếc máy bay OV10 mới bật mắt dậy, chờ nó đi qua, bò tìm hầm chữ A và mang bao lô, khí tài, vũ khí xuống. Khi đó, ở đây chỉ có cỏ tranh bạt ngàn, bom và mìn, nhất là bom bi được rải nhan nhản ở khắp nơi, và nếu đi trên các con đường mòn chỉ lỡ chân bước chệch ra bên rìa lối đi một bàn chân thôi thì có thể giẫm phải bom mìn, bom bi ngay lập tức.
Những ngày ở mảnh đất Quảng Trị
Ở Quảng Trị, địa bàn chúng tôi chốt giữ là xã Gio An, xã Gio Lễ, huyện Gio Linh. Trung đoàn chúng tôi được lấy tên là Đoàn Thuận Hoá, Tiểu đoàn 4 chúng tôi có ký hiệu là A4-V2. Đơn vị được phân công tiếp quản và chốt giữ tại các cao điểm Cồn Tiên, Bái Sơn, Dốc Miếu, Cam Lộ, Gio Linh… (thay thế cho các đơn vị trước đó đã di chuyển vào sâu hơn). Tiểu đoàn bộ đóng ngay dưới chân cao điểm Cồn Tiên. Nơi đây, mới chỉ vài tuần trước là những trận giao tranh hết sức ác liệt. Trung đội thông tin chúng tôi (trong đó có tiểu đội hữu tuyến của tôi, lúc này chỉ có 6 người) có nhiệm vụ đảm bảo thông tin từ tiểu đoàn xuống 4 đại đội đang chốt giữ ở các vị trí nói trên, xa từ 3 đến 5 km theo đường chim bay. Máy bay của Mỹ ngụy (F4, F105…) vẫn ném bom đánh phá thường xuyên, máy bay OV10 liên tục bay lượn trên không thám thính. Các cuộc pháo kích, ném bom bắn phá các địa điểm có hoạt động của quân Giải phóng, địa điểm đóng quân, kho tàng… vẫn diễn ra liên tục không ngớt; mìn các loại, nhất là bom bi dầy đặc rải rác ở khắp nơi.
Trong thời gian chốt giữ tại đây, nhiều điều làm cho chúng tôi rất bất ngờ: Đó là khi Hiệp định Paris được ký kết và có hiệu lực, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng chỉ trong thời gian ngắn, được tung bay ở khắp nơi trên vùng giải phóng. Mỗi điểm chốt của đơn vị cũng được trang bị và cắm trên đỉnh chốt một cờ giải phóng cỡ to. Một số anh em ở các điểm chốt còn vui mừng quá, kéo cò súng bắn lên trời cả băng đạn. Vì đây cũng là thời điểm mà anh em chúng tôi đều nghĩ rằng, đất nước từ nay sẽ hết chiến tranh, sẽ có hòa bình rồi. Đặc biệt, chúng tôi chốt giữ ở đây, nhưng được tiếp xúc, ăn nghỉ ngay trong nhà dân, là nhà của đồng bào ở Gio Linh và đồng bào ở các vùng còn đang bị địch chiếm đóng sơ tán ra đây.
Trong thời gian chốt giữ tại đây, cùng với nhiệm vụ giữ đất, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đơn vị chúng tôi còn được lệnh tham gia phối thuộc chiến đấu với một số đơn vị. Cụ thể là:
- Tham gia phối thuộc với các đơn vị pháo 122 ly, 130 ly, phản pháo các trận pháo kích của địch từ các tàu chiến ở ngoài biển, từ các căn cứ pháo binh của chúng…
- Tham gia phối thuộc với các đơn vị của Trung đoàn 48, 64 đánh quân ngụy đổ bộ lên Cửa Việt cùng hàng trăm xe bọc thép M113.
- Được cử tham gia phục vụ, chứng kiến cuộc trao trả tù binh của hai bên tại Đông Hà.
- Giúp dân làm trường học cho học sinh, làm nhà ở cho dân…
Ngoài ra, tại mảnh đấy còn đầy bom đạn này, chúng tôi còn được xem văn công Tổng cục Chính trị vào biểu diễn. Đặc biệt, trong dịp này, được biết có đồng chí Fidel Castro đến thăm Quảng Trị, trong đó có cứ điểm Dốc Miếu (một trận địa pháo của Nguỵ có nhiệm vụ chủ yếu trước đây là pháo kích sang bờ Bắc sông Bến Hải) mà một đại đội của chúng tôi đang chốt giữ (thông tin này chỉ được phổ biến khi chuyến thăm đã hoàn thành).
Trong khi Tiểu đoàn 4 chúng tôi chốt giữ ở Quảng Trị, một số đơn vị khác cùng Trung đoàn lại nhận nhiệm vụ hành quân sang Hạ Lào để phối hợp chiến đấu với các đơn vị bộ đội Lào ở Savanakhet, cánh đồng Chum, Saravan...
Chúng tôi được lệnh tiếp tục chốt giữ ở đây, cùng với sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng giải phóng, chúng tôi còn tiến hành củng cố xây dựng đơn vị, huấn luyện và sẵn sàng chuẩn bị cho những trận chiến đấu mới.

Đại tá Tạ Quang Vinh cùng các đồng đội chụp ảnh kỉ niệm 50 năm ngày nhập ngũ 1972 - 2022
Hiện nay, trong các buổi họp mặt kỷ niệm ngày nhập ngũ và ôn lại những ngày cùng sống, chiến đấu bên nhau, nhất là cùng nhau vượt qua những chặng đường hành quân bộ từ Bắc vào Nam, chúng tôi luôn tự hào mà khẳng định với nhau rằng: “Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào với xã hội, với quê hương làng xóm và với con cháu, rằng: Chúng ta đã sẵn sàng lên đường nhập ngũ đi chiến đấu vào đúng cái thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh; chúng ta đều đã hoàn thành suất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân (QĐND) trên tất cả các mặt trận, đặc biệt là trong cuộc chiến đấu trực diện với quân thù trên chiến trường Quảng Trị ác liệt năm 1972-1973. Chúng ta đã có những đóng góp xứng đáng vào cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; làm nhiệm vụ quốc tế giúp Lào, giúp Nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn - pốt, trong bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân bành trướng và trong nhiệm vụ tham gia xây dựng đất nước (bởi sau thời gian cùng ở Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 52, mỗi anh em chúng tôi lại được điều động về các đơn vị khác nhau với các nhiệm vụ, mặt trận khác nhau).
Và cuối cùng, điều đặc biệt đáng tự hào nữa là, trong số anh em chúng ta, dù còn trong quân ngũ hay đã rời khỏi quân ngũ, trở thành người cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều lĩnh vực, hoặc trở về đời thường, trở về địa phương, bươn trải làm lụng kiếm kế sinh nhai với nhiều nghề nghiệp khác nhau, chúng ta đều luôn luôn giữ vững được “bản chất của người chiến sĩ QĐND, bản chất của anh Bộ đội Cụ Hồ”.
Qua ký ức được ghi chép lại tỉ mỉ của Đại tá Tạ Quang Vinh, chúng tôi – những người làm báo tại Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng vô cùng biết ơn những đóng góp, sự hi sinh, cảm phục ý chí kiên cường của những người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), chúng tôi xin chúc Đại tá Tạ Quang Vinh cùng toàn thể các chiến sĩ QĐND, Bộ đội Cụ Hồ trên cả nước thật nhiều sức khỏe, luôn là tấm gương sáng để lớp lớp thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Đại tá Tạ Quang Vinh – Thu Trang (Ảnh: NCVV)

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trong điều trị thoái hóa khớp tại Bệnh viện An Việt
Trong bối cảnh dân số Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa, các bệnh lý cơ xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp trở thành gánh nặng y tế ngày càng rõ rệt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 10 người trên 40 tuổi thì có ít nhất 2 người đang phải đối mặt với thoái hóa khớp. Nhu cầu điều trị hiệu quả, bền vững, hạn chế xâm lấn là mong muốn cấp thiết của hàng triệu bệnh nhân.April 23 at 10:49 am -
Sản phẩm Xương Khớp HTVN không chứa chất cấm, an toàn với người tiêu dùng
Sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Xương Khớp HTVN là thương hiệu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Cung ứng & Phát triển HT Software VN (Công ty Software), được dùng trong các trường hợp chăm sóc sức khỏe xương khớp. Sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và được Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia chứng nhận không chứa chất cấm, an toàn với người tiêu dùng.April 22 at 8:12 am -
BVĐK Tâm Anh, VNVC hợp tác xây dựng mạng lưới thông tin y tế vì cộng đồng trên TikTok
Hàng nghìn chuyên gia y tế uy tín thuộc Hệ thống Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh, Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC sẽ là lực lượng trọng tâm đóng góp cho chiến dịch xây dựng mạng lưới thông tin y tế chuẩn khoa học, đáng tin cậy và dễ tiếp cận vì sức khỏe cộng đồng trên nền tảng TikTok với hashtag #TikTokForHealth.April 21 at 3:32 pm -
Hai ông lớn bất động sản và y tế hợp tác xây dựng bệnh viện nghìn giường, khám chữa bệnh đa khoa và chuyên sâu ung bướu công nghệ cao
Là khu đô thị xanh, hiện đại bậc nhất TP. Hồ Chí Minh, Công ty Phú Mỹ Hưng đã dành “khu đất vàng” đắt giá để chào đón Hệ thống BVĐK Tâm Anh đầu tư xây dựng bệnh viện hiện đại nghìn giường với công nghệ khám chữa bệnh đẳng cấp quốc tế, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái tiện ích phục vụ cư dân khu đô thị và người dân thành phố.April 19 at 10:18 am