Thanh Hóa: Hé lộ nhiều sai phạm trong sử dụng quỹ BHYT, mua sắm TBVTYT và đấu thầu thuốc chữa bệnh

Qua công tác thanh tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng trong việc sử dụng quỹ BHYT, mua sắm TTBYT, đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Sở Y tế, BHXH và một số cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
By Hằng Dương
22/06/2020 15:59

Bảo hiểm y tế là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội, là giải pháp quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa y tế.

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, tình trạng lạm dụng chế độ, chính sách để trục lợi tiền Bảo hiểm y tế ngày càng tăng, khả năng thu hồi khó; việc chậm đóng, nợ đọng BHYT thường sảy ra; tình trạng cấp thuốc, chỉ định các xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật không xuất phát từ yêu cầu điều trị bệnh, thu gom người có BHYT đi khám bệnh...; công tác kiếm tra, giám sát, giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT của cơ quan Bảo hiểm xã hội chưa hiệu quả; dẫn đến bội chi quỹ BHYT.

Tại tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu, quản lý, sử dụng quỹ BHYT và đấu thầu mua sắm TTBYT, VTYT vẫn còn mắc nhiều khuyết điểm, sai phạm.

Đối với việc quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT, cơ quan Thanh tra chỉ rõ, năm 2015, không hoàn thành chỉ tiêu được giao về phát triển đối tượng tham gia BHYT; bội chi quỹ KCB BHYT từ năm 2014-2017 của tỉnh Thanh Hóa lớn; số nợ BHYT còn ở mức cao.

Năm 2018, BHXH tỉnh tham mưu phân bổ chưa triệt để nguồn kinh phí KCB BHYT cho các đơn vị ngay từ đầu năm, còn giữ lại số tiền là 362,664 tỷ đồng, để điều tiết, phân bổ trong năm là chưa đảm bảo nguyên tắc phân bổ dự toán kinh phí.

Giám đốc Sở Y Thanh Hóa tế chịu trách nhiệm về những hạn chế, tồn tại thuộc trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm của Sở Y tế

Việc hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2016, 2017, 2018, chưa phân định cụ thể đến nhóm đối tượng, là không đúng quy định tại Khoản 2, Điều 10, Thông tư số 37/2014/TT-BYT ngày 17/11/2014 và Khoản 3, Điều 13, Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiếm y tế.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội, ký hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở KCB, nhưng không gửi kèm theo danh sách người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu là không đúng quy định tại phụ lục số 03 - mẫu hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT- BTC ngày 24/11/2014 và Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Từ năm 2014-2017, Liên ngành Y tế - BHXH tỉnh thống nhất phân thẻ BHYT cho cán bộ, công nhân viên Bệnh viện Nhi đăng ký khám chữa bênh tại bệnh viện Nhi là chưa đúng đối tượng theo qui định.

Bảo hiểm xã hội tỉnh phân thẻ BHYT khám, chữa bệnh ban đầu tại Bệnh viên đa khoa tỉnh cho một số đối tượng không đúng với hướng dẫn liên ngành giữa Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa. Vẫn còn trường hợp BHXH tỉnh từ chối thanh toán chưa đủ căn cứ pháp lý, cơ sở KCB chưa thống nhất, sau đó phải thanh toán lại; một số hồ sơ giám định, giám định viên không ký theo quy định.

Việc quyết toán kinh phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có thời điểm còn chậm, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động của các cơ sở KCB.

Việc sử dụng quỹ KCB BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn còn tình trạng cấp thuốc, chỉ định các xét nghiệm, dịch vụ kỹ thuật không xuất phát từ yêu cầu điều trị bệnh, chưa đúng qui định.

Một số hồ sơ bệnh án, thủ tục thanh toán tại một số cơ sở KCB chưa đầy đủ theo quy định. Việc xử lý, thanh toán chi phí phần chênh lệch giá giường bệnh không có điều hòa theo giá giường bệnh có điều hòa từ 01/3/2016 đến hết năm 2018, chưa thống nhất (năm 2017, 2018 từ chối thanh toán, nhưng 10 tháng cuối năm 2016 vẫn được thanh toán) với số tiền của 10 tháng cuối năm 2016 là 7.859.795.773 đồng.

Đối với việc mua sắm TTBYT: Tại Sở Y tế hồ sơ thẩm định giá các gói thầu mới căn cứ vào báo giá của các đơn vị thương mại, đơn vị phân phối, chưa tham khảo giá của nhà sản xuất và các hợp đồng có thiết bị tương tự đã hoàn thành trước đó, là chưa đảm bảo chặt chẽ.

Hồ sơ đấu thầu một số gói thầu chưa đầy đủ theo quy định, thiếu: Tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ yêu cầu; Tờ trình đề nghị phê duyệt thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.

Gói thầu cung cấp, lắp đặt hệ thống trang thiết bị y tế, thuộc dự án Trang thiết bị y tế và ứng dụng CNTT tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa; thực hiện chỉ định thầu đơn vị thẩm định giá trị thiết bị y tế trước khi có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án là chưa đảm bảo quy định của Luật Đấu thầu.

Gói thầu cung cấp, lắp đặt hệ thống trang thiết bị y tế, thuộc dự án Trang thiết bị y tế và ứng dụng CNTT tại Bệnh viện Ung bướu Thanh Hóa; thực hiện chỉ định thầu đơn vị thẩm định giá trị thiết bị y tế trước khi có quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án là chưa đảm bảo quy định của Luật Đấu thầu

Đối với việc mua sắm TTBYT tại các cơ sở KCB: Chưa chủ động xây dựng đề án, kế hoạch mua sắm TTBYT hàng năm cho đơn vị mình, dẫn đến trong năm phải thực hiện mua sắm nhiều lần;

Trình tự, thủ tục mua sắm tại các bệnh viện (Bệnh viện Nhi, Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc, Bệnh viện đa khoa Hà Trung, Bệnh viện đa khoa Thọ Xuân), chưa đảm bảo theo quy định của Luật Đấu thầu.

Đối với việc mua sắm VTYT: Chứng thư thẩm định giá của đơn vị thẩm định giá, chỉ căn cứ thông qua việc so sánh tài sản thẩm định giá với các tài sản giống hệt hoặc tương đương đã có các thông tin về giá trên thị trường chưa tham khảo giá trúng thầu cùng thời điểm của các đơn vị, là chưa đảm bảo chặt chẽ.

Một số cơ sở y tế đăng ký số lượng một số mặt hàng VTYT chưa sát với thực tế sử dụng, nhưng Sở Y tế không yêu cầu làm rõ để điều chỉnh cho phù hợp, ảnh hưởng đến việc thực hiện gói thầu, cụ thể: Một số danh mục trúng thầu với số lượng lớn, nhưng đơn vị mua ít hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu; có mặt hàng trúng thầu nhưng đơn vị không mua.

Tại gói thầu mua VTYT năm 2017, giá dự thầu xác định theo phương pháp giá đánh giá, Sở Y tế xây dựng hệ số K (hệ số xuất xứ hàng hóa) trên cơ sở tham khảo Hồ sơ mời thầu của một số Bệnh viện xác định hệ số K = 1; 1,2 và 1,4 là không đúng quy định.

Trên cơ sở những sai phạm đã được chỉ ra, cơ quan Thanh tra nêu rõ: Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm về những hạn chế, tồn tại thuộc trách nhiệm đối với những khuyết điểm, vi phạm của Sở Y tế; chịu trách nhiệm trực tiếp là Phó giám đốc sở được giao phụ trách; trách nhiệm tham mưu thuộc về tập thể, cá nhân có liên quan.

Giám đốc BHXH tỉnh chịu trách nhiệm về những khuyết điểm, sai phạm trong việc thu, quản lý quỹ KCB BHYT; chịu trách nhiệm trực tiếp là Phó giám đốc được giao phụ trách; trách nhiệm tham mưu thuộc vê tập thể, cá nhân có liên quan.

Giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh chịu trách nhiệm chính về những khuyết điểm, sai phạm tại đơn vị mình, đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra.

Cơ quan Thanh tra đồng thời kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, sai phạm đã chỉ ra trong kết luận.

Tạp chí Sức khỏe cộng đồng tiếp tục thông tin!

comment Bình luận

largeer