Ấn Độ: Cháy bãi rác khổng lồ gây ô nhiễm nghiêm trọng tại New Delhi

Không chỉ nắng nóng cực độ, người dân ở Thủ đô New Delhi của Ấn Độ còn phải chịu đựng sự khổ sở do khói từ đám cháy tại một bãi rác khổng lồ ở vùng ngoại ô Thủ đô.
04/05/2022 14:58

Đám cháy đã bắt đầu diễn ra từ hôm 26/4 và với thời tiết nắng nóng, ngọn lửa càng có điều kiện để duy trì và bùng phát mạnh lên. Ngày càng có nhiều người phải nhập viện do gặp các vấn đề về hô hấp.

Bãi rác Bhalswa ở ngoại ô thủ đô New Delhi, Ấn Độ rộng và cao, có kích cỡ như một ngọn đồi. Khói bốc lên từ bãi rác dày đặc và bao trùm một khu vực rộng lớn xung quanh. Khói tràn vào khu dân cư, khiến cuộc sống người dân đã khổ sở vì nắng nóng nay càng bị đe dọa hơn.

Anh Mohammad Mujeeb, cư dân New Delhi, cho biết: Mọi người đang đổ bệnh vì khói. Nhìn xung quanh đã thấy cả khu dân cư của tôi chìm trong khói rồi, nhưng thực tế là khói đã lan ra xa hơn, khói bao trùm gần như toàn bộ Thủ đô New Delhi".

717

Bãi rác Bhalswa ở ngoại ô Thủ đô New Delhi cháy trong nhiều ngày qua

Ông Saarthi nói: "Tôi bị khó thở và phải uống đủ thứ thuốc mà vẫn không có dấu hiệu hồi phục. Từ khi xảy ra cháy đến giờ, sức khỏe của tôi bị ảnh hưởng nhiều".

Bị cay mắt, đau rát cổ họng và đủ các triệu chứng khác do khói từ đám cháy, nhiều người dân phải nhập viện hoặc tới gặp bác sĩ thường xuyên.

Chị Richa Singh, thuộc Trung tâm Khoa học và Môi trường Ấn Độ, xác nhận: "Đám cháy bãi rác tạo ra một lượng lớn khí độc hại tấn công người dân cả trong ngắn hạn và ảnh hưởng về dài hạn. Nó có thể gây ra cả bệnh ung thư".

716

Khói mù bao trùm Thủ đô New Delhi và vùng phụ cận

Các trường học quanh khu vực đã phải đóng cửa. Trong khi đó, nguyên nhân của vụ cháy bãi rác đang được điều tra, không loại trừ khả năng có người đốt.

Thủ đô New Delhi của Ấn Độ vốn được xếp vào danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, với bụi mịn thường cao hơn mức an toàn, nay càng ô nhiễm hơn do khói từ đám cháy các bãi rác.

Chị Richa Singh thông tin: "Chúng ta đang đô thị hóa, chúng ta là một nền kinh tế đang phát triển và sẽ tạo ra một lượng lớn chất thải nữa trong tương lai. Vì vậy, nếu chất thải không được xử lý đúng cách, chúng ta sẽ không có không gian để sống, chúng ta sẽ không có không khí trong lành để thở".

Theo VTV

comment Bình luận

largeer