Ấn Độ đau đầu với bài toán nCoV 'né vaccine'

Ba tuần sau khi tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19, Pallava Bagla bắt đầu bị sốt cao, đau họng và cảm thấy người vô cùng khó chịu.
14/05/2021 06:09

 Ngày 22/4, Bagla, 58 tuổi, một phóng viên khoa học ở thủ đô New Delhi, có kết quả dương tính với nCoV. Bốn ngày sau, ảnh chụp lồng ngực cho thấy phổi của ông chuyển sang màu trắng, dấu hiệu cho thấy bị nhiễm trùng. Sáu ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện, Bagla được cho nhập viện khi cơn sốt kéo dài không dứt.

Tại Viện khoa học Y tế Ấn Độ, bác sĩ làm xét nghiệm máu và tiêm thuốc steroid cho ông. Đường huyết của ông tăng vọt do mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, may mắn nồng độ oxy của ông không bị giảm xuống mức nguy hiểm.

Trước khi xuất viện sau 8 ngày điều trị, Balga được bác sĩ cho xem ảnh chụp phổi một bệnh nhân nam bằng tuổi ông, mắc Covid-19, bị tiểu đường nhưng chưa tiêm chủng.

"Có sự khác biệt rõ ràng. Bác sĩ nói rằng nếu tôi chưa tiêm vaccine, tôi có thể đã chết trong phòng chăm sóc đặc biệt. Tiêm phòng kịp thời và đầy đủ đã cứu sống tôi", ông nói.

an do 1

Một bệnh nhân Covid-19 được đưa vào viện điều trị tại Ahmedabad, Ấn Độ hôm 19/4. Ảnh: Reuters.

Mặc dù Ấn Độ mới tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 2,5% trong số 1,3 tỷ người, các ca virus "né vaccine", tức bị nhiễm nCoV hai tuần sau khi tiêm đủ hai mũi, dường như đang tăng lên, trong đó có nhiều nhân viên y tế.

Các nhà khoa học đã lấy mẫu sinh phẩm của Balga để giải trình tự gene loại virus mà ông đã nhiễm. Mục đích của họ là tìm đáp án cho một câu hỏi khiến các nhà khoa học đau đầu: liệu vaccine hiện có của họ có đủ bảo vệ mọi người trước các biến thể mới dễ lây truyền hơn của nCoV?

Vaccine có hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 là điều không thể chối cãi. Mặc dù chúng không ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng, chúng vẫn bảo vệ mọi người khỏi nguy cơ mắc các triệu chứng nặng hoặc tử vong của những biến thể nguy hiểm nhất. Do đó, việc các trường hợp bị nhiễm sau khi tiêm chủng không phải là điều quá bất ngờ.

Trong số 95 triệu người được tiêm chủng đầy đủ ở Mỹ tính tới ngày 26/4, hơn 9.000 người vẫn bị nhiễm nCoV, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC). 835 người (khoảng 9%) phải nhập viện điều trị và 132 người (1%) tử vong. Gần 1/3 số bệnh nhân nhập viện và 15% số ca tử vong được báo cáo "không có triệu chứng hoặc không liên quan tới Covid-19".

Nhưng dữ liệu này ở Ấn Độ vẫn còn chắp vá do nguồn thu thập hạn chế. Nhiều báo cáo cho thấy số ca nhiễm sau khi tiêm chủng đang tăng lên, trong đó một lượng lớn là nhân viên y tế, và thậm chí có một số ca tử vong. Tuy nhiên, câu hỏi là liệu Covid-19 có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những cái chết đó hay không.

Dữ liệu chính thức cho biết có 2-4 người trong 10.000 người tiêm chủng ở Ấn Độ bị nhiễm nCoV. Nhưng dữ liệu này có vẻ không đầy đủ, bởi trong ba tháng qua, những người làm xét nghiệm không được hỏi đã tiêm vaccine hay chưa.

Các dữ liệu từ bệnh viện cũng khá hỗn loạn. Bác sĩ Vincent Rajkumar, làm việc tại phòng khám Mayo ở Mỹ, cho biết đã nói chuyện với nhân viên hai bệnh viện công lớn ở Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ, và phát hiện một phần nhỏ y bác sĩ được tiêm chủng vẫn bị nhiễm nCoV. "Một vài người đã phục hồi nhanh chóng", ông nói.

60% bác sĩ trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Lok Nayak Jai Prakash Narayan (LNJP), bệnh viện lớn nhất ở New Delhi, đã bị nhiễm dù tiêm chủng đầy đủ, nhưng không ai phải nhập viện, Farah Husain, một chuyên gia chăm sóc đặc biệt, nói. "Một số thành viên trong gia đình họ bị nhiễm bệnh và phải nhập viện", cô nói thêm.

Một nghiên cứu khác tại Fortis C-DOC, bệnh viện ở New Delhi, cho thấy 15 trong 113 nhân viên y tế nhiễm nCoV hai tuần sau khi tiêm mũi vaccine thứ hai. 14 trường hợp nhẹ và chỉ một trường hợp phải nhập viện.

"Chúng tôi đang thấy nhiều trường hợp nhân viên y tế nhiễm nCoV sau khi tiêm vaccine. Nhưng hầu hết họ đều có triệu chứng nhẹ. Vaccine đã giúp chặn nguy cơ nhiễm trùng nặng", bác sĩ Anoop Misra, đồng tác giả của nghiên cứu, cho hay.

Kết quả một nghiên cứu khác ở bang Kerala chỉ ra hai trong 6 nhân viên y tế nhiễm nCoV dù tiêm đủ hai liều vaccine bị nhiễm biến chủng có khả năng né tránh hệ miễn dịch của cơ thể. Tuy nhiên, không có trường hợp nào xuất hiện triệu chứng bệnh nặng, theo bác sĩ Vinod Scaria, một nhà di truyền học hàng đầu và là tác giả nghiên cứu.

Các nhà khoa học cho rằng Ấn Độ cần thêm nhiều dữ liệu để kiểm tra tỷ lệ né vaccine trong dân số và tìm hiểu cách thức hoạt động của vaccine.

"Câu hỏi mà mọi người đang đặt ra nhiều nhất là liệu có đúng một lượng lớn người bị tái nhiễm sau khi tiêm vaccine hay không", bác sĩ Shahid Jameel, một nhà virus học, nói. "Những thông tin chưa được kiểm chứng như vậy khiến nhiều người muốn tiêm chủng phải lo lắng".

an do 2

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine tại một bệnh viện ở New Delhi đầu tháng này. Ảnh: NYTimes.

Nỗi lo lắng lớn hơn là tỷ lệ tiêm chủng hàng ngày ở Ấn Độ đang lao dốc và khả năng miễn dịch cộng đồng còn là điều rất xa vời. Ngoài ra, việc chần chừ tiêm vaccine có thể khiến tình hình tồi tệ hơn.

Giới chuyên gia lo ngại rằng đợt bùng phát thứ hai không thể kiểm soát sẽ tạo điều kiện cho virus đột biến nhiều hơn và có khả năng thoát lớp bảo vệ của vaccine dễ dàng hơn. Họ nhận định việc giải trình tự gene để theo dõi đột biến của virus vẫn là chìa khóa để chuẩn bị ứng phó với những đợt bùng phát trong tương lai.

Các nhà khoa học nói rằng vaccine vẫn là biện pháp hiệu quả để chống lại các nguy cơ nhiễm bệnh nặng và phải nhập viện. Nhưng do người tiêm đầy đủ vaccine vẫn có nguy cơ tái nhiễm và lây bệnh cho người khác, họ cho rằng không nên bỏ các biện pháp hạn chế, như đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người và làm việc trong các không gian kém thông thoáng trong thời gian tới.

"Vaccine hiệu quả. Nhưng chúng không cho phép bạn có thể liều lĩnh và lơ là cảnh giác. Bạn vẫn phải rất thận trọng", Balga nói.

comment Bình luận

largeer