Ăn động vật chết do lũ có sao không?

Nhiều ngày qua mưa bão, lũ lụt liên tục kéo đến khiến nguồn lương thực tại một số nơi trở nên khan hiếm. Trong lúc thiếu thực phẩm thì ăn động vật chết do lũ có sao không?
14/10/2020 14:20

Trong những ngày qua, các tỉnh tại Trung Bộ vẫn tiếp tục có mưa, mưa lớn tập trung nhiều ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Trong trận lũ vừa qua mực nước đỉnh lũ tại trạm Đông Hà trên sông Hiếu (Quảng Trị) đã vượt lũ lịch sử năm 1983 là 0,11m. Mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến nhiều khu vực thấp trũng, nhiều tuyến đường ngập lụt nặng.

Lu-mien-trung-1-9507-1567582949

Hình ảnh lũ lụt tại miền Trung - ảnh VnExpress

Bão lũ đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và của. Không chỉ thế, bão lũ kéo dài cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Mưa, bão, ngập lụt khiến nguồn nước bị ô nhiễm, kéo theo nhiều mầm bệnh dễ lan nhiễm vào thức ăn, nước uống gây bệnh cho người dân. Tại nhiều địa phương còn bị cô lập bởi nước lũ, chưa có điều kiện thực hiện ăn chín, uống sôi. Vì vậy, những bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm như bệnh tiêu chảy, tả, lỵ thường rất hay xảy ra.

hon-1000-con-lon-bi-bom-boi-trong-lu-du-1

Động vật chết do lũ - ảnh Vietnamnet

Trong lúc lũ lụt, để bảo bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình thì người dân tuyệt đối không sử dụng động vật chết do bệnh hay chết không rõ nguyên nhân để làm nguyên liệu chế biến thực phẩm. Nếu như động vật bình thường, vừa mới chết do ngập nước, biết rõ nguồn gốc thì có thể sử dụng được, nhưng nếu động vật chết trôi nổi, không có nguồn gốc, chuyển qua giai đoạn trương phình, thối rữa thì không nên sử dụng. Vì lúc này chúng chứa nhiều vi khuẩn, vi sinh vật nguy hại, khi ăn vào rất dễ bị ngộ độc.

Ngoài ra, thì người dân cũng cần lưu ý chủ động dự trữ thực phẩm, nước uống trong mùa bão lũ. Đơn cử như các loại thực phẩm như lương khô, chà bông thịt hoặc cá.. có thể dự trữ lâu dài, dễ bảo quản, tiện dụng và đầy đủ dinh dưỡng. Đối với thực phẩm tươi sống, cần sơ chế sạch, đóng gói và cấp đông an toàn.

Đặc biệt, người dân nên sử dụng nước sạch để chế biến thực phẩm. Nếu không có nước sạch, phải dùng nước sông suối, ao, hồ hoặc nước giếng bị nhiễm bẩn, dùng phèn chua tỉ lệ 1 g phèn/20 lít nước để làm trong nước, chờ 30 phút cho cặn lắng rồi gạn lấy nước trong. Trong trường hợp không có phèn chua, có thể dùng túi vải để lọc nước. Tiếp tục khử trùng bằng hóa chất chloramine B hoặc clorua vôi (một viên 0,25 g dùng cho 25 lít nước). Sau khử trùng, nước phải có mùi clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nước sau khử trùng 30 phút là sử dụng được. Một điều cần lưu ý, tuyệt đối không được khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn sẽ hấp thụ hết clo hoạt tính, làm mất tác dụng khử trùng của clo. Nước xử lý bằng clo vẫn phải đun sôi mới uống được

Việc thực hiện ăn chín, uống chín, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Đây là biện pháp tốt nhất nhằm phòng, chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm trong mùa bão lũ.

Không chỉ trong lúc lũ lụt, mà sau khi nước rút thì người dân cũng nên chú ý tiếp tục ăn chín, uống sôi, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện nghiêm túc việc thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt. Ngoài ra, nên tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật để tránh dịch bệnh xảy ra.

Minh Hằng

Từ khóa Từ khóa:
động vật chết ăn
comment Bình luận

largeer