Anh: Làn sóng COVID -19 bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt

Sau nhiều tuần không ngừng tăng, làn sóng COVID -19 mới nhất ở Anh bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt, thắp hy vọng những ngày tồi tệ đã qua.
23/12/2021 14:35

Ngày 27/11, Anh ghi nhận hai ca nhiễm Omicron đầu tiên, chỉ ba ngày sau khi Nam Phi báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về biến chủng mới hôm 24/11. Kể từ đó ca nhiễm Omicron không ngừng tăng theo cấp số nhân.

Anh ngày 5/12 ghi nhận 246 ca nhiễm biến chủng Omicron, sau đó tăng lên 437 ngày 7/12 và 817 vào ngày 9/12. Đến ngày 21/12, số ca nhiễm Omicron ở quốc gia này đã vượt 45.000.

Số ca nhiễm chủng Omicron tăng tỷ lệ thuận với số ca nhiễm nCoV nói chung ở Anh. Hôm 21/11, số ca nhiễm hàng ngày ở Anh là gần 39.500 trường hợp, và tới 17/12 tăng vọt lên hơn 92.500.

Tuy nhiên, sau giai đoạn không ngừng tăng, số ca nhiễm ở Anh không thay đổi nhiều trong khoảng 6 ngày qua, với 90.629 ca ghi nhận ngày 21/12, giảm khoảng 1.115 ca so với ngày trước đó.

K1

Phố Oxford ở Thủ đô London, Anh hôm 5/12

Giáo sư Chris Whitty, giám đốc cơ quan y tế Anh, từng nhận định làn sóng tăng càng nhanh sẽ giảm càng nhanh. Ba tuần kể từ khi Omicron xuất hiện, ca nhiễm bắt đầu giảm.

"Tôi đang theo dõi dữ liệu mẫu bệnh phẩm và nghĩ rằng số ca nhiễm ở Anh có khả năng đã đạt đỉnh vào giữa tháng 12. Đó là những gì tôi đang tiếp tục chờ xem trong những ngày tới", Carl Heneghan, giáo sư y học tại Đại học Oxford, nói. "Tôi nghĩ các trường hợp có thể tăng trở lại, nhưng con số này có vẻ đã ổn định".

Tỷ lệ ca nhiễm cũng tương đối thấp ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao, cho thấy chiến dịch tiêm chủng và tiêm tăng cường đang hiệu quả với Omicron. Dữ liệu của Telegraph chỉ ra tỷ lệ ca nhiễm nCoV ở những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine thấp nhất cao hơn 50% so với khu vực tiêm chủng cao nhất.

Tỷ lệ ca nhiễm cao nhất ở Anh là ở Acre Lane, thuộc khu vực Lambeth, phía nam London, nơi ghi nhận 3.610 ca nhiễm trên mỗi 100.000 người và có tới 32,4% chưa tiêm chủng.

Ở những nơi có hơn 30% dân số chưa tiêm ít nhất một mũi vaccine, tỷ lệ ca nhiễm trung bình trên mỗi 100.000 dân là 921, trong khi những nơi tiêm chủng dưới 10% là 603.

Chiến dịch tiêm tăng cường cũng có tác động lớn, theo Sarah Knapton, biên tập viên của Telegraph. Các khu vực có tỷ lệ tiêm tăng cường 89,5%, số ca nhiễm ở những người trên 60 tuổi là dưới 100 ca/100.000 người, trong khi con số này vượt ngưỡng 200 ở những nơi có tỷ lệ tiêm tăng cường trung bình 79,9%.

Barking và Dagenham, hai khu vực có tỷ lệ nhiễm ở người trên 60 tuổi là 371/100.000 người, chỉ có 70% đã tiêm liều tăng cường. Ngược lại, King's Lynn chỉ ghi nhận 38 trường hợp cho mỗi 100.000 người, với 90% dân số trên 60 đã tiêm tăng cường.

"Đây không hoàn toàn là dịch bệnh của những người chưa tiêm chủng, nhưng chắc chắn tỷ lệ tiêm chủng thấp ở một số khu vực đang khiến số ca nhiễm ở cả những người chưa tiêm lẫn đã tiêm chủng gia tăng, vì tỷ lệ lây nhiễm càng tăng thì trường hợp nhiễm đột phá xảy ra càng nhiều", Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, Anh, nói. "Chắc chắn phần lớn áp lực ca bệnh nặng đối với hệ thống y tế đến từ những người chưa tiêm chủng".

Một dấu hiệu tích cực khác của Anh trong làn sóng COVID-19 mới nhất là tỷ lệ người nhập viện sau khi dương tính với virus đã giảm xuống một trong những mức thấp nhất của đại dịch với 1,95%. Nó chỉ cao hơn mức thấp nhất được ghi nhận hồi giữa tháng 7 là 1,8%. Vào tháng 12 năm ngoái, tỷ lệ lên tới 12%.

Giới quan sát cho rằng số ca nhập viện giảm có thể do một số yếu tố kết hợp, như biến chủng Omicron ít nghiêm trọng hơn, miễn dịch tốt hơn nhờ tiêm chủng hoặc từng nhiễm hoặc do làn sóng này ảnh hưởng tới nhóm tuổi trẻ hơn. Điều này có nghĩa Anh có thể ghi nhận số ca nhiễm và tử vong thấp hơn các làn sóng trước, trừ khi số ca nhiễm tăng kỷ lục.

Giáo sư Hunter nhận định nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, Anh sẽ không cần phong tỏa. "Những dữ liệu mới nhất cho thấy tổng ca nhiễm ở Anh có thể đã chững lại hoặc thậm chí đạt đỉnh", ông nói. "Có cơ sở để tin rằng chúng ta sẽ không còn thấy số ca nhiễm tăng trưởng theo cấp số nhân".

k3

Một điểm tiêm chủng vaccine COVID-19 ở London, Anh hồi tháng 3

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra cẩn trọng hơn trước những diễn tiến mới nhất của làn sóng COVID-19 ở Anh.

"Chúng ta vẫn sẽ gặp rắc rối nếu có quá nhiều ca nhiễm do chủng Omicron, dù tỷ lệ dẫn tới nguy cơ bệnh nặng thấp", giáo sư James Naismith, giám đốc Viện Rosalind Franklin, cho hay.

Giới khoa học vẫn chưa có kết luận cuối cùng về độc lực hay mức độ né tránh vaccine của Omicron. Neil Ferguson, cố vấn y tế của chính phủ Anh, cùng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia ở London, hôm 17/12 cho biết chưa có bằng chứng cho thấy Omicron ít nghiêm trọng hơn Delta.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 20/12 cảnh báo có những bằng chứng chắc chắn cho thấy Omicron đang lan nhanh hơn đáng kể so với Delta. Soumya Swaminathan, nhà khoa học hàng đầu của WHO, khẳng định sẽ "không khôn ngoan" khi cho rằng Omicron là biến thể chỉ gây triệu chứng nhẹ, thêm rằng biến chủng này có thể né tránh một số phản ứng miễn dịch.

Giáo sư Naismith nói thêm lạc quan thái quá và hành động quá muộn sẽ luôn tồn tại những rủi ro, nhưng phản ứng quá nhanh trong khi nó không nghiêm trọng cũng sẽ mang lại tác động xấu.

"Hành động quá nhanh có thể dẫn tới những tổn hại sinh kế một cách vô ích. Điều này sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế và các dịch vụ công cộng", ông nói. "Tôi nghĩ sẽ hữu ích nếu các cuộc tranh luận tập trung cả vào sự không chắc chắn này này cùng với nguy cơ hành động quá muộn".

(Theo Telegraph) 

comment Bình luận

largeer