Anh: Những người chủ động tiếp xúc virus SARS-CoV-2 nhưng vẫn không mắc COVID-19

Dù tiếp xúc trực tiếp SARS-CoV-2 bằng cách nhỏ virus sống vào mũi, 16 người tại Anh vẫn có kết quả âm tính.
05/03/2022 09:13

Omicron xuất hiện khiến số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu tăng nhanh. Tuy nhiên, một số người tiếp xúc nhiều F0 nhưng vẫn không mắc COVID-19. Tại Anh, nhóm chuyên gia Đại học Imperial London đã thực hiện nghiên cứu đặc biệt. Họ cho 34 người tiếp xúc trực tiếp virus SARS-CoV-2. Song, gần 50% trong số đó không mắc COVID-19.

“Nhóm người đặc biệt”

Phoebe Garrett, 22 tuổi, ở High Wycombe, Buckinghamshire, Anh, từng tham gia bữa tiệc mà tất cả người có mặt đều dương tính. Nhưng Phoebe dường như là ngoại lệ. “Tôi nghĩ mình đã tiếp xúc nguồn lây khoảng 4 lần nhưng vẫn chưa mắc COVID-19”, chị trả lời phỏng vấn của Guardian.

Tháng 3/2021, chị tham gia thử nghiệm COVID-19 đặc biệt đầu tiên trên thế giới. Phoebe được nhỏ virus sống vào mũi và bịt kín trong vài giờ. Mục đích của việc này là lây nhiễm nCoV vào cơ thể. Song, cơ thể Phoebe vẫn chống cự rất tốt.

31

Phoebe Garrett là một trong 34 người tham gia dự án thử nghiệm cố tình lây nhiễm COVID-19 đầu tiên. Tuy nhiên, chị không xuất hiện các triệu chứng bệnh, kết quả PCR vẫn âm tính

“Chúng tôi đã được kiểm tra bằng nhiều cách khác nhau như gạc họng, ngoáy dịch tỵ hầu, kết quả vẫn là âm tính. Mẹ tôi luôn nói gia đình mình không bao giờ bị cúm. Tôi luôn tự hỏi có điều gì bí ẩn đằng sau không”, Phoebe nói thêm.

Phoebe Garret không phải người duy nhất tham gia dự án chủ động lây nhiễm nCoV. Trong số 34 người tiếp xúc trực tiếp virus, 16 người không bị lây nhiễm, với hai lần xét nghiệm PCR liên tiếp âm tính. Khoảng 50% trong số họ đã nhiễm virus với nồng độ thấp, thường là vài ngày sau khi tiếp xúc.

Giáo sư Christopher Chiu, Đại học Imperial London, tác giả chính của nghiên cứu, cho rằng hiện tượng này nhờ phản ứng nhanh của hệ miễn dịch, ngăn chặn nhiễm trùng ngay ở giai đoạn sớm.

“Trong các nghiên cứu với những loại virus khác, chúng tôi đã thấy phản ứng miễn dịch sớm ở mũi liên quan khả năng chống lại lây nhiễm virus. Kết hợp với dự án lần này, có thể thấy giữa virus và vật chủ đã xảy ra cuộc tranh đấu. Kết quả, vật chủ thắng thế và chúng ta thấy những người đặc biệt không mắc COVID-19 dù đã tiếp xúc trực tiếp virus”, vị chuyên gia nói thêm.

Một số người có triệu chứng nhẹ như nghẹt mũi, đau họng, mệt mỏi, đau đầu. Những dấu hiệu này có thể xuất hiện với các bệnh lý khác không phải chỉ riêng COVID-19.

Do đó, nhóm tác giả cho rằng chúng có thể không liên quan việc tiếp xúc trực tiếp nCoV. Đặc biệt, những người này có tải lượng virus rất thấp, đến mức xét nghiệm có độ nhạy như PCR không thể phát hiện được kháng thể, tế bào T hay yếu tố gây viêm trong máu.

30

Hình ảnh dưới kính hiển vi điện tử của SARS-CoV-2

Phản ứng “miễn dịch chéo”

Giả thuyết khác được đưa ra là phản ứng “miễn dịch chéo” của tế bào T với chủng virus corona trước đó. Trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên, tiến sĩ Leo Swadling tại Đại học College London và cộng sự theo dõi nhóm nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc người mắc COVID-19. Song, họ chưa bao giờ có kết quả dương tính với nCoV hay phát triển kháng thể. Các xét nghiệm máu cho thấy khoảng 15% có tế bào T phản ứng với SARS-CoV-2.

Điều này khiến họ cho rằng các tế bào T sản sinh từ lần nhiễm virus corona trước đó (như cảm lạnh thông thường) đã tạo phản ứng chéo với COVID-19, bảo vệ trước COVID-19.

Các virus corona theo mùa có thể không phải là nguồn duy nhất tạo ra hàng loạt phản ứng miễn dịch chéo.

Giáo sư Cecilia Söderberg-Nauclér, nhà miễn dịch học tại Viện Karolinska ở Stockholm, Thụy Điển, là người đầu tiên điều tra khả năng này. Nhóm của bà tìm kiếm cơ sở dữ liệu về trình tự protein từ các virus hiện có. Sau đó, họ tìm các phân đoạn nhỏ (peptit) giống phân đoạn từ nCoV.

Kết quả, nhóm chuyên gia xác định được một peptit có 6 axit amin trong protein của cúm H1N1 khớp với protein gai của nCoV. “Tôi gần như đã bật ngửa khỏi ghế vì phát hiện này”, GS Söderberg-Nauclér vui mừng nói.

Họ tìm ra kháng thể peptit này ở 68% người hiến máu từ Stockholm. Nó gợi ý phản ứng miễn dịch do cúm H1N1 (nguyên nhân gây đại dịch cúm lợn 2009-2010) có thể trang bị khả năng miễn dịch một phần trước nCoV. Miễn dịch này không hoàn chỉnh nhưng có thể góp phần giúp họ được bảo vệ trước COVID-19.

GS Söderberg-Nauclér nói: “Nó mang tới màng ngăn, nhưng sẽ không bảo vệ bạn khỏi mắc bệnh nếu bị ai đó ho thẳng vào mặt”.

Ngoài ra, giả thuyết khác là khả năng đề kháng với COVID-19 về mặt di truyền. Vào tháng 10/2021, một nhóm chuyên gia phát động cuộc săn lùng toàn cầu, hy vọng tìm được gene có thể bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ mắc COVID-19. Và nó không phải biến thể gene thông thường. Chúng rất hiếm song GS András Spaan, Đại học Rockefeller ở New York, Mỹ, tác giả chính, tin rằng họ sẽ tìm thấy “ánh sáng nơi cuối đường hầm”.

Theo Zing

comment Bình luận

largeer