Anh thử nghiệm tiêm trộn lẫn vaccine Covid-19

Các nhà khoa học đang thử nghiệm tiêm lẫn vaccine Covid-19 của cả Pfizer và AstraZeneca để nhanh chóng ngăn ngừa biến thể virus đang lây lan mạnh mẽ.
05/02/2021 16:50

Nghiên cứu bắt đầu hôm 4/2 nhằm đánh giá phản ứng miễn dịch được tạo ra sau khi tiêm kết hợp hai mũi tiêm. Dữ liệu ban đầu dự kiến công bố vào khoảng tháng 6. Các tình nguyện viên sẽ được tiêm vaccine của Pfizer trước, sau đó đến AstraZeneca trong liều thứ hai hoặc ngược lại, cách nhau từ 4 đến 12 tuần. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học thử kết hợp hai vaccine được điều chế theo phương pháp khác nhau.

Pfizer sử dụng công nghệ mRNA (thông tin di truyền). Vaccine có khả năng kích thích tế bào người tạo ra protein virus. Sau đó, hệ miễn dịch tiếp xúc với protein và sinh ra kháng thể, các tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh.

thu nghiem

Chuyên viên tại Đại học Aalborg ở Đan Mạch phân tích mẫu biến thể nCoV B.1.1.7, tháng 1/2020. Ảnh: Reuters

AstraZeneca phát triển sản phẩm bằng vector, dùng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.Vector là một virus thiếu đi đoạn gene giúp tái tổ hợp, tự nhân lên, được các nhà khoa học sử dụng để vận chuyển vật chất di truyền của một loại virus khác vào tế bào người. Từ đó, hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ.

Dữ liệu sau khi tiêm kết hợp hai loại vaccine giúp các nhà khoa học trả lời câu hỏi liệu thế giới có thể triển khai vaccine một cách linh hoạt hơn, làm tăng khả năng miễn dịch cộng đồng hay không. Matthew Snape, chuyên gia tiêm chủng Đại học Oxford, người dẫn đầu nghiên cứu, cho biết phương pháp này từng hiệu quả trong đợt dịch Ebola, viêm gan A-B hay ung thư cổ tử cung (HPV).

"Cuối cùng, tất cả đều nhằm phục vụ một mục tiêu, đó là tấn công tế bào tạo ra protein vỏ virus. Chúng chỉ sử dụng công nghệ khác nhau mà thôi. Vì thế, chúng tôi dự đoán việc kết hợp hai vaccine vẫn sẽ tạo phản ứng miễn dịch", ông nói.

Biến thể nCoV B.1.1.7 đang chiếm ưu thế tại Anh. Theo các tạp chí khoa học của nước này, virus liên tục thay đổi khi tiếp xúc với vật chủ và môi trường mới. Song chỉ một số đột biến mới có thể khiến chúng ưu việt hơn. Biến thể Anh và Nam Phi được cho là có thể trốn tránh miễn dịch do tạo ra. Các hãng dược tuyên bố sản phẩm vẫn hiệu quả, song chưa rõ trong bao lâu.

"Tất cả các nhà sản xuất như Pfizer-BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca đang xem xét cách điều chỉnh vaccine để bảo toàn tác dụng với bất cứ biến thể nào. Hiện có khoảng 4.000 biến thể trên khắp thế giới", Bộ trưởng Triển khai vaccine Nadhim Zahawi nói.

Theo VnExpress

comment Bình luận

largeer