Bắc Giang đảm bảo công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sau ngập lụt, chia cắt

Sở Y tế Bắc Giang vừa có công văn về việc đảm bảo công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường sau ngập lụt, chia cắt.
18/09/2024 15:42

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai hiệu quả Kế hoạch số 126/KH-SYT ngày 12/9/2024 của Sở Y tế về phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm trong và sau mưa lũ, ngập lụt.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các khu công nghiệp phối hợp với Phòng Y tế tham mưu với UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường lực lượng thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn sau ngập lụt, thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu vệ sinh môi trường ngay đến đó, tổ chức thu gom xử lý xác động vật theo đúng quy định, bảo đảm không làm ô nhiễm môi trường đất, nước gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

bg1

(Ảnh: Bacgiang.gov)

Huy động các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn phối hợp với y tế địa phương hỗ trợ, hướng dẫn, giám sát người dân thực hiện vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút; xử lý nước giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân ăn chín, uống chín, xử lý nước sinh hoạt đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Rà soát thuốc, vật tư y tế, hóa chất, thiết bị…, chủ động đề xuất, bổ sung kịp thời để bảo đảm công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường. Phân công cán bộ đi kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn triển khai hướng dẫn người dân xử lý nước sinh hoạt, xử lý môi trường, quyết tâm không để bùng phát dịch bệnh sau mưa bão, đặc biệt là các vùng bị ngập úng, cô lập.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục đảm bảo công tác khám, điều trị, cấp cứu người bệnh; trường hợp vượt quá khả năng của đơn vị thì đề nghị tuyến trên hội chẩn, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa hoặc chuyển tuyến. Đảm bảo đầy đủ thuốc điều trị (nhất là thuốc điều trị các bệnh truyền nhiễm, tiêu hóa, đau mắt đỏ), dịch truyền, ô xy, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám chữa bệnh, cấp cứu và phòng chống dịch bệnh sau ngập lụt.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, ngập lụt như: Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết… Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, hướng dẫn các đơn vị tuyên truyền người dân bằng nhiều hình thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, xử lý nước, an toàn thực phẩm theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.

Phân bổ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn, trang thiết bị cho y tế cơ sở để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và vệ sinh môi trường tại các địa phương trong vùng bị ngập lụt. Chỉ đạo các cơ sở y tế phun hóa chất diệt côn trùng gây bệnh, xử lý nguồn nước sinh hoạt tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi nước rút để phòng dịch bệnh. Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Y tế khi xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn sau mưa bão, ngập lụt.

Diệu Hoa

comment Bình luận

largeer