Bắc Giang: Dừng 4 khu công nghiệp vì COVID-19 khiến thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng

Mỗi ngày, giá trị sản xuất công nghiệp tại Bắc Giang mất 2.000 tỷ đồng, 140.000 lao động phải nghỉ việc.
31/05/2021 17:46

 Thông tin này được lãnh đạo tỉnh Bắc Giang nêu tại cuộc làm việc với Phó thủ tướng Lê Văn Thành chiều 30/5.

Nêu cụ thể hơn, ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện có 395 doanh nghiệp hoạt động trong các KCN của tỉnh, với 163.000 lao động. Các doanh nghiệp này mỗi năm đóng góp 300.000 tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, hơn 3.000 tỷ vào ngân sách Nhà nước.

Sau gần nửa tháng phải tạm dừng hoạt động để tránh lây lan dịch bệnh, 10 doanh nghiệp đã đủ điều kiện hoạt động trở lại với hơn 4.000 lao động. Ông Ngọc cho hay, dự kiến sẽ có thêm một số doanh nghiệp nữa được hoạt động trở lại trong hôm nay (31/5).

Hiện 40 doanh nghiệp tại 4 khu công nghiệp đăng ký, xây dựng phương án hoạt động trở lại sau khi Bắc Giang dừng các khu công nghiệp từ 18/5.

Riêng tại các cụm công nghiệp, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, hiện 30 cụm công nghiệp trong tổng số 45 cụm phải dừng hoạt động. Số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động vì dịch bệnh tại các cụm công nghiệp là 127, với 20.000 người nghỉ làm.

Ông Tấn ước tính, việc các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phải tạm dừng hoạt động vì COVID-19 khiến chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 của Bắc Giang giảm gần 41% so với tháng 4 và giảm 33% so với cùng kỳ 2020.

z2524368534151_b1c421c6bcd21ec1a1e458915a8fffa9

Khu công nghiệp Vân Trung với 90.000 công nhân đã tạm ngừng hoạt động từ sáng 18/5.

Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là việc nhập nguyên vật liệu và xuất hàng do tài xế chở hàng vào và ra khỏi khu công nghiệp về các địa phương phải cách ly 21 ngày. "Các thương nhân cũng có tâm lý e ngại đến vùng dịch do khi trở về phải cách ly, do đó, khâu lưu thông hàng hóa gặp khó khăn", ông Tấn nói.

Sau khi tạm dừng hoạt động 4 KCN, tỉnh Bắc Giang đã lập 35 tổ rà soát, đánh giá các điều kiện để quay trở lại sản xuất của 231/310 doanh nghiệp. Theo đó, có 34 doanh nghiệp ít nguy cơ, 15 doanh nghiệp nguy cơ thấp, 40 doanh nghiệp nguy cơ trung bình, 60 công ty nguy cơ rất cao.

Trước mắt, ưu tiên hướng dẫn, hỗ trợ 34 doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm rất thấp, một số doanh nghiệp lớn nguy cơ lây nhiễm thấp, nguy cơ lây nhiễm trung bình nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu và các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu hoạt động trở lại. Tỉnh Bắc Giang cũng mong muốn các bộ, ngành gỡ vướng cho khâu lưu thông nông sản.

Nhắc lại tinh thần mau chóng dập dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Bộ Y tế, tỉnh Bắc Giang phải "tập trung thật cao cho tiêm phòng vaccine, đây là chiến lược dài hơi nhưng dứt điểm càng nhanh càng tốt để đưa sản xuất vào hoạt động ngay".

"Doanh nghiệp trở lại sản xuất phải có phương án giãn cách, bảo đảm khoảng cách và tiêm vaccine cho công nhân", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng lưu ý, các kịch bản bảo đảm sản xuất an toàn, chứ không phải có vaccine là chủ quan, mất cảnh giác, "làm sao cho sản xuất trở lại rồi thì không phải dừng lại lần nữa, mỗi lần dừng như thế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn". Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cùng vào cuộc tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông hàng hóa, không để bị đứt gãy chuỗi sản xuất.

Hôm 8/5, Bắc Giang ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong nhà máy tại Công ty Shin Young (KCN Vân Trung). Sáu ngày sau đó, tỉnh ghi nhận tiếp các ca nhiễm tại Công ty Hosiden (KCN Quang Châu).

Đến trưa 31/5, Bắc Giang đã ghi nhận 2.209 ca mắc COVID-19. Hiện đây là hai ổ dịch lớn nhất của Bắc Giang khiến tỉnh trở thành tâm dịch của đợt dịch lần 4.

Xuân Linh

comment Bình luận

largeer