Bắc Giang: Mô hình 'tháp 3 tầng' trong điều trị COVID-19

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, tổ trưởng Tổ điều trị Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang, cho biết, các chuyên gia đã thảo luận, bàn bạc với tỉnh và thống nhất phương án thiết lập hệ thống điều trị hình tháp ba tầng
18/06/2021 10:40

 Với hàng nghìn bệnh nhân COVID-19, Bắc Giang áp dụng mô hình điều trị phân loại theo mức độ nhẹ, trung bình và nặng, được Bộ Y tế đánh giá là "chưa từng có".

Tầng thứ nhất là các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu COVID-19 được tận dụng từ các cơ sở hạ tầng sẵn có của Bắc Giang như ký túc xá các trường học, trung tâm chăm sóc người có công, khu nhà ở xã hội... và một số cơ sở khác. Các cơ sở này có nhiệm vụ tiếp nhận những ca dương tính không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, tùy theo mức độ lâm sàng. Tất cả bệnh nhân ở đây đều có bệnh án, được theo dõi y tế như ở bệnh viện. Họ được xét nghiệm, chụp X-quang để theo dõi tình trạng phổi, cùng với các hỗ trợ về mặt sức khỏe để bệnh nhân nhanh hồi phục và giảm nguy cơ diễn biến nặng.

Tầng thứ hai gồm 11 bệnh viện điều trị Covid- 19 là các bệnh viện dã chiến được chuyển đổi từ các trung tâm y tế huyện và các bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Bắc Giang đã xây dựng hai bệnh viện dã chiến gồm Bệnh viện Dã chiến số 1 hoạt động tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh Bắc Giang với quy mô 200 giường bệnh. Bệnh viện Dã chiến số 2 được đặt tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang với quy mô 620 giường bệnh. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang còn thiết lập một bệnh viện dã chiến tại Trung đoàn 831 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Giang) do Bệnh viện Quân y 103 vận hành.

bg

Mô hình "tháp 3 tầng" điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Bắc Giang.

Tầng thứ ba là cơ sở điều trị bệnh nhân nặng. Do biến chủng virus, đợt dịch này bệnh nhân nặng nhiều hơn, ngay cả những người trẻ, không có bệnh nền vẫn diễn biến tổn thương phổi cũng rất nhanh, thường xảy ra từ ngày thứ 7 đến ngày thứ 10. Chỉ cần từ khi có triệu chứng, sau vài ngày đã xuất hiện mờ trắng hai bên phổi, nguy cơ tử vong có thể xảy ra ở các nhóm độ tuổi. Vì vậy, để đáp ứng dự báo tình hình số ca mắc tăng nặng, hai trung tâm hồi sức tích cực (ICU) được khẩn trương thành lập.

Cụ thể, một trung tâm hồi sức tích cực lớn nhất miền Bắc với quy mô 101 giường đặt tại Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang, được hoàn thiện trong thời gian thần tốc 5 ngày. Một trung tâm hồi sức tích cực khác đặt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang với quy mô 58 giường.

Cả hai đơn vị được trang bị đầy đủ các phương tiện, máy móc, trang thiết bị hiện tại đáp ứng điều trị bệnh nhân nặng. Bộ Y tế đã huy động lực lượng hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực "tinh nhuệ" từ các đơn vị Trung ương và địa phương khác cùng tham gia như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng. Đây là những đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm điều trị bệnh nhân nặng từ các đợt dịch trước đó.

"Đây là mô hình rất mới, chỉ có tại Bắc Giang", ông Khoa đánh giá.

Mô hình này ra đời dựa trên đánh giá công tác điều trị sẽ gặp những thách thức lớn vì số ca dương tính tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

"Yêu cầu đặt ra phải nhanh chóng thiết lập một hệ thống điều trị bảo đảm thu dung toàn bộ số lượng F0, đồng thời đáp ứng điều trị được cả các ca bệnh diễn biến nặng", ông Khoa nói. "Thế nhưng không thể nào thiết lập nhiều bệnh viện dã chiến cùng một lúc vì rất tốn kém và mất thời gian, vì vậy phải tìm ra phương án khác phù hợp hơn".

Đến nay, hệ thống điều trị đáp ứng được yêu cầu với nhiều ca bệnh nặng phải thở máy, theo đó, những bệnh nhân này đã có thể cai máy thở, sức khỏe hồi phục. Đặc biệt, ngày 10/6, hai ca bệnh nặng đầu tiên tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang được điều trị khỏi và ra viện. Nhiều ca bệnh nặng đang được điều trị tại Trung tâm Hồi sức tích cực 101 giường cũng đã có những tiến triển tốt và tín hiệu khả quan.

Theo ông Khoa, thời gian tới Bắc Giang cần phải tiếp tục hoàn thiện để duy trì hoạt động hai đơn vị hồi sức tích cực, sẵn sàng thu dung những trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng để điều trị, hạn chế nguy cơ tử vong.

"Phương châm là các đội hỗ trợ tinh nhuệ của Trung ương, cùng với các bệnh viện của các địa phương tiếp tục hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế trên địa bàn tỉnh để có thể làm chủ kỹ thuật, điều trị cho bệnh nhân sau khi các đoàn rút đi, do thời gian điều trị bệnh nhân nặng sẽ kéo dài hơn so với các cơ sở khác", ông Khoa nói.

Ngoài ra, Bắc Giang cần phải có chiến lược để thu gọn các cơ sở điều trị sau khi chữa khỏi cho các ca bệnh mắc COVID-19. Đặc biệt, phải sớm đưa các Trung tâm y tế và một số bệnh viện trên địa bàn hoạt động trở lại để khôi phục các hoạt động y tế phục vụ người dân. Bên cạnh đó, việc giảm bớt các cơ sở sẽ góp phần tiết kiệm chi phí, nguồn lực và thuận tiện quản lý công tác điều trị. Đồng thời, vẫn cần giữ lại một số cơ sở thu dung, điều trị ban đầu COVID-19 để đề phòng trường hợp các ca F0 tiếp tục tăng.

Sở Y tế và các đơn vị phải chú ý quan tâm đến mạng lưới chăm sóc điều trị cho những bệnh nhân khác trên địa bàn. Ví dụ, Bắc Giang đang là vùng dịch nên bệnh nhân nặng không thể chuyển ngay ra các tuyến trung ương được. Vì thế cần phải có giải pháp khác như hội chẩn, tham vấn, hỗ trợ từ xa của các bệnh viện trung ương để giúp cho địa phương có thể quản lý, điều trị tốt cho các bệnh nhân khác.

Bắc Giang điều trị hơn 4.400 bệnh nhân COVID-19, trong đó hơn 1.900 người ổn định, không thay đổi; gần 2.400 trường hợp đỡ, giảm, tiến triển tốt; 83 ca tiến triển nặng lên; 16 người tiên lượng rất nặng.

Lê Nga

comment Bình luận

largeer