Bắc Giang: Nhanh chóng ổn định tình hình, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới

Ngày 18/6, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 6. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương chủ trì. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Văn Lâm.
18/06/2021 18:31

Theo UBND tỉnh, do dịch COVID-19 bùng phát, Bắc Giang phải đối mặt với khó khăn, thách thức chưa từng có khi là tâm dịch lớn nhất của cả nước với đặc điểm mới là lây lan trong các khu công nghiệp (KCN) với tốc độ rất nhanh. 

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quán triệt nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống và ứng phó với dịch bệnh; kiên định thực hiện “mục tiêu kép” kịp thời kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Trong khó khăn, Bắc Giang đã nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ kịp thời của Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư và các tỉnh, thành, doanh nghiệp (DN) và nhân dân cả nước; các cấp, ngành, cộng đồng DN và nhân dân trong tỉnh đã đồng lòng; tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được phát huy, đến nay dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát.

Do vậy, tình hình KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm vẫn đạt được nhiều kết quả khích lệ. Tốc độ tăng giá trị gia tăng (GRDP) của tỉnh ước đạt 10,2%, cao gấp 1,6 lần cùng kỳ năm 2020, đứng thứ 8/63 cả nước. Trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 14,08%; dịch vụ tăng 4,57%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,95%. Quy mô GRDP (giá hiện hành) đạt 59.992 tỷ đồng, đạt 41,5% kế hoạch.

111BacGiang

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương

Đến ngày 15/6, tỉnh đã chấp thuận cho 122 DN trong KCN quay trở lại hoạt động, với tổng số hơn 20 nghìn lao động đăng ký. Công suất hoạt động của các nhà máy ở tình trạng duy trì mức từ 10% đến 20%. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 11,7% (thấp hơn 11,3% so với kịch bản), tổng giá trị ước đạt 129.385 tỷ đồng, bằng 38% kế hoạch.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 4,3% (cao hơn 2,1% so với kịch bản), tổng giá trị ước đạt 19.475 tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch. Các loại cây trồng chủ lực phát triển mạnh hơn theo hướng sản xuất quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Hầu hết các chỉ tiêu năng suất, chất lượng một số cây trồng chính đều tăng so với cùng kỳ, trong đó năng suất và chất lượng vải thiều cao nhất từ trước đến nay.

Công tác thu ngân sách có nhiều cố gắng, đạt kết quả nổi bật. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được đặc biệt quan tâm; hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 thực hiện hiệu quả. Toàn tỉnh triển khai chủ động, phối hợp với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, một số bệnh viện tuyến T.Ư, các trường y dược, lực lượng y tế của nhiều tỉnh bạn về giúp sức triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, ứng biến kịp thời nhất ngay từ khi xuất hiện ca dương tính đầu tiên. Đến nay, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát.

Các hoạt động giáo dục các cấp học được triển khai chủ động, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn. Chất lượng giáo dục của tỉnh được duy trì trong tốp dẫn đầu cả nước.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có nhiều chuyển biến tích cực; tai nạn giao thông giảm mạnh cả 3 tiêu chí...

Tuy nhiên, tăng trưởng ngành công nghiệp, xây dựng thấp hơn dự báo. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Thu ngân sách đạt kết quả khá song đối mặt với áp lực lớn do trong khi đó chi ngân sách cho công tác phòng, chống dịch tăng lên, ảnh hưởng đến cân đối thu, chi ngân sách địa phương năm 2021.

Công tác chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 còn một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn phòng, chống dịch, nhất là giai đoạn đầu khi dịch bùng phát. Người đứng đầu tại một số cơ quan, địa phương chưa làm tốt quản lý đối tượng trong các khu cách ly tập trung. Ý thức phòng, chống dịch của một số cán bộ, người dân còn chưa tốt, có lúc còn chủ quan, lơ là…

Đời sống của người lao động bị ảnh hưởng gặp nhiều khó khăn; nhiều lao động có tâm lý sợ lây lan dịch bệnh… nên chưa muốn trở lại làm việc.

Thảo luận tại phiên họp, ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng dịch bệnh ảnh hưởng đến hàng vạn lao động. Để giải quyết khó khăn cho người lao động, Sở đã hướng dẫn các DN thực hiện những chính sách hỗ trợ công nhân, chi trả tiền lương cho người lao động…Tuy khó khăn nhưng đây chính là cơ hội để các DN tổ chức lại mô hình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong điều hành, quản lý. Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương nêu ý kiến, hiện nay có một số DN đã trở lại hoạt động. Do vậy cần làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn, không để dịch quay trở lại, đứt gãy sản xuất.

Đại diện Ban Quản lý Các KCN tỉnh cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai áp dụng phần mềm quản lý và truy vết Covid cho các DN. Qua đó sẽ hỗ trợ quản lý công nhân theo từng DN, chi tiết đến phân xưởng, tổ sản xuất; quản lý lịch sử về nơi ở, nơi làm việc và di chuyển trên phương tiện ô tô đưa đón công nhân. Khi phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 sẽ ngay lập tức có được thông tin về các đối tượng liên quan để nhanh chóng, kịp thời khoanh vùng, truy vết.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nêu vấn đề, hiện nay, nông sản tiêu thụ chậm ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiêu thụ nông sản, chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và giãn thời gian tái đàn. Tạo điều kiện tiêu thụ vải thiều, với những khu vực khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh có thể khuyến khích chuyển sang sấy khô.

Đại diện một số huyện cho biết, thời gian qua giá vật liệu xây dựng tăng cao, tiến độ thực hiện một số công trình, dự án bị chậm do dịch bệnh. Điều này tác động lớn đến đầu tư công, hoạt động xây dựng cơ bản nên đề nghị có tỉnh biện pháp chỉ đạo giải quyết. Đồng thời tháo gỡ các thủ tục chuẩn bị đầu tư, khắc phục tình trạng chậm muộn.

Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Lê Ánh Dương khẳng định thành quả tích cực mà toàn tỉnh đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19; Bắc Giang có các ứng phó kịp thời, chủ động, chính xác. Tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và dư luận, tạo sự đồng thuận, quyết tâm của toàn dân. Qua chống dịch đã rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về bản lĩnh, quyết tâm vượt khó, tinh thần xả thân vì cộng đồng.

Thời gian tới tập trung thực hiện “Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, khống chế dịch bệnh, bước vào giai đoạn mới, khôi phục sản xuất, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường. Tiếp tục quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19; không lơ là, chủ quan; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, nguồn lực đáp ứng kịp thời các tình huống phát sinh; dập tắt ngay các ổ dịch mới nếu có.

Các địa phương, nhất là huyện Việt Yên và Lục Ngạn khẩn trương tiến hành khử khuẩn, làm sạch môi trường, ngăn chặn lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung. Tinh thần phải tự lực là chính do các đoàn giúp đỡ của các bộ, ngành và tỉnh, TP bạn đã rút dần.

Nhanh chóng ổn định tình hình, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, tăng trưởng lên mạnh mẽ, thoát khỏi tình trạng ảnh hưởng dịch bệnh; kiên trì mục tiêu kép, chống dịch, duy trì kết quả bền vững trong các khu, cụm công nghiệp, các DN, không để ảnh hưởng đến sản xuất; thực hiện chống dịch đa mục tiêu, gắn với bảo vệ vùng sản xuất.

Các sở, ngành tham mưu với UBND tỉnh xây dựng các kịch bản điều hành, thúc đẩy tăng trưởng, khởi động lại các hoạt động nếu bảo đảm an toàn, trong đó chú trọng đến lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, đầu tư... Xem xét điều chỉnh phạm vi, mức độ giãn cách, cách ly đối với những địa bàn có đủ điều kiện.

Các ngành chủ động xác định giải pháp, phương án phát triển, thực hiện nhiệm vụ từ nay đến cuối năm trong tình hình mới, dần mở lại hoạt động bình thường; rà soát những dự án bị gián đoạn do dịch bệnh để nối lại sau dịch; đẩy nhanh thực hiện đầu tư công, giải phóng mặt bằng triển khai các công trình.

Nhiệm vụ những tháng cuối năm còn nặng nề, khó khăn hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ, công nhân viên chức phát huy sáng tạo, quyết tâm, dồn tổng lực vượt qua thách thức.

Cùng ngày, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về một số nội dung khác.

Quốc Phương

comment Bình luận

largeer