Bắc Giang tăng cường công tác quản lý diện tích rừng bị cháy, phá trái pháp luật

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh Bắc Giang vừa có công văn yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh tăng cường công tác quản lý diện tích rừng bị cháy, phá trái pháp luật.
18/07/2022 17:08

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, trong thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ rừng đã được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện; việc ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về rừng, nhất là đối với hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật cơ bản đã được ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2022 tình trạng phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật vẫn còn xảy ra, có nơi tạo thành điểm nóng. Bên cạnh đó, việc quản lý, giám sát, xử lý đối với diện tích cây trồng sau thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả về hành vi phá rừng trái pháp luật chưa được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm thực hiện tốt, thậm trí bị buông lỏng, không quản lý… dẫn tới việc người dân tiếp tục lén lút phá rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng để trồng rừng kinh tế.

bgrung
bgrung1
bgrung2

Để ngăn chặn, xử lý tình trạng trên, đồng thời thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đề nghị UBND các Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế  chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt điều tra xác minh, xử lý các trường hợp vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là hành vi vi phạm về phá rừng, cháy rừng, khai thác gỗ rừng tự nhiên trái pháp luật theo đúng quy định của pháp luật và tinh thần chỉ đạo của tỉnh tại Nghị quyết số 249-NQ/TU ngày 01/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với UBND cấp xã tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ diện tích rừng trồng trên diện tích đất rừng tự nhiên đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi phá rừng trái pháp luật.

Tất cả các trường hợp vi phạm, đặc biệt là hành vi vi phạm về cháy rừng, phá rừng tự nhiên lấy đất trồng rừng, khai thác gỗ tự nhiên trái phép phải được xử lý nghiêm, triệt để theo quy định của pháp luật; buộc khôi phục rừng bằng trồng các loài cây bản địa, không  trồng keo, bạch đàn; Đồng thời phải tiến hành kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng.

UBND các xã có diện tích đất lâm nghiệp cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất lâm nghiệp; không tự ý phá rừng, tranh chấp, lấn chiếm, chuyển nhượng rừng và đất lâm nghiệp trái phép; Tích cực tố giác các đối tượng vi phạm tới cơ quan có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.

Các Ban quản lý rừng, công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp của chủ rừng; Thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Không để tình trạng rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm nhưng không phát hiện, báo cáo kịp thời tới các cơ quan chức năng.

Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng, tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp trong diện tích được giao, quản lý ngay từ khi vụ việc mới phát sinh. Đồng thời chủ động bố trí kinh phí để cắm mốc, làm đường ranh giới giữa diện tích đất lâm nghiệp quản lý và các chủ rừng khác.

Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo kịp thời tình hình bảo vệ rừng, chặt phá rừng, cháy rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật về Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh và UBND huyện để có biện pháp chỉ đạo, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Riêng đối với các vụ phá rừng, cháy rừng phải thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trong ngày theo quy định.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer