Bắc Giang: Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trước, trong, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh Bắc Giang vừa có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương và các công ty, doanh nghiệp lâm nghiệp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trước, trong, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
15/01/2025 15:23

Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, PCCCR, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tổ chức “Tết trồng cây” thiết thực, hiệu quả, động viên các cấp, các ngành ở cơ sở và huy động nguồn lực từ xã hội hóa, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Phát động phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu trồng cây xanh theo kế hoạch của tỉnh trong thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” tiến hành vào đầu xuân năm mới Ất Tỵ 2025.

bg3

(Ảnh: Bacgiang.gov)

Sau khi thực hiện “Tết trồng cây”các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt; báo cáo kế hoạch và kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và PTNT để theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Chỉ đạo cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND cấp xã có rừng tự nhiên tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Giám sát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp đất rừng ở địa phương không được để kéo dài. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát các địa bàn, khu vực trọng điểm nhạy cảm có nguy cơ xảy ra tình trạng cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật để tập trung lực lượng thường xuyên “bám rừng”, tuần tra, kiểm tra rừng, kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm. Tổ chức thực hiện phương án PCCCR; Chủ động về lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ đảm bảo kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn.

Chỉ đạo các lực lượng thường trực 24/24h, sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và PCCCR. Tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng; khi xảy ra cháy rừng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với UBND các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và thị xã Chũ cần thành lập tổ công tác để tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm  tình trạng tranh chấp, lấn, chiếm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng chéo... đất lâm nghiệp trên địa bàn. Khẩn trương xây dựng kế hoạch giải quyết tình trạng tranh chấp, lấn, chiếm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng chéo đất lâm nghiệp trên địa bàn; nhất là việc giải quyết tranh chấp, lấn, chiếm đất lâm nghiệp của người dân địa phương với các Ban Quản lý rừng, công ty lâm nghiệp và cộng đồng dân cư trên địa bàn quản lý.

Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, yêu cầu các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải bố trí lực lượng thường trực 24/24h để sẵn sàng, kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật...  

Các chủ rừng phải chịu trách nhiệm chính và trước tiên trong quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp đối với diện tích được giao, cho thuê; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp của chủ rừng. Thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện ngăn chặn tình trạng lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Không để tình trạng đất rừng bị lấn, chiếm nhưng không phát hiện, báo cáo kịp thời các cơ quan chức năng.

Khẩn trương kiện toàn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đảm bảo đủ mạnh cả về số lượng và chất lượng để bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có trên diện tích được giao quản lý. Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn, chiếm, chồng chéo đất lâm nghiệp trong diện tích được giao, quản lý…

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer