Bắc Giang triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống cháy rừng cấp độ IV

Tỉnh Bắc Giang gấp rút triển khai các biện pháp phòng, chống cháy rừng khi bước vào mùa nắng nóng, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang dự báo xảy ra nguy cơ cháy rừng đang ở cấp IV (cấp nguy hiểm).
15/04/2022 07:29
968

Người dân Bắc Giang tham gia diễn tập chữa cháy rừng

Với tình hình thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng xảy ra trên diện rộng trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang dự báo nhiều địa phương trong tỉnh có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp cấp IV (cấp nguy hiểm) và ở cấp III (cấp cao).

Cụ thể, khu vực các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam dự báo cháy rừng đang ở cấp IV; Khu vực các huyện: Yên Thế, Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang và TP. Bắc Giang dự báo cháy rừng đang ở cấp III.

Năm 2021, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng nguy hiểm. Điển hình như ngày 10/5/2021 tại tổ dân phố Minh Phượng, thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng đã xảy ra cháy rừng, thiêu rụi gần 2 ha rừng. Đến ngày 1/6, tại khu vực thôn Giá, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng lại tiếp tục xảy ra vụ cháy 2,1 ha rừng phòng hộ.

Cũng thời điểm này, tỉnh Bắc Giang đã triển khai phòng chống cháy rừng ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, rà soát phương án và các biện pháp triển khai thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở cơ sở theo phương châm "4 tại chỗ"; tổ chức thường trực 24/24 giờ trong ngày; bố trí lực lượng canh phòng ở những khu vực trọng điểm, không để phát sinh nguồn lửa...

967

Kiểm lâm Bắc Giang tuần tra, giám sát các khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy

Dự báo năm nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tiếp tục có nguy cơ cháy rừng cao, do đó, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang đã đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy rừng.

Cụ thể, đối với các biện pháp phòng cháy rừng ở cấp độ IV: Chủ tịch UBND cấp huyện và Ban Chỉ huy cấp huyện trực tiếp chỉ đạo việc phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương. Các chủ rừng và lực lượng Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm dễ cháy. Lực lượng canh phòng phải thường xuyên trên chòi canh và ngoài hiện trường rừng, đảm bảo trực 12/24 giờ (từ 9 giờ đến 21 giờ trong ngày) nhất là các giờ cao điểm (từ 11 giờ đến 19 giờ), phát hiện kịp thời điểm cháy, báo động và huy động lực lượng, phương tiện dập tắt ngay.

Trong trường hợp vượt quá khả năng kiểm soát của cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện báo cáo UBND cấp tỉnh, Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh để huy động chữa cháy rừng. Đồng thời, thông báo thường xuyên, kịp thời thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng về cấp cháy và tình hình cháy rừng hàng ngày ở địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là người dân sinh sống ở gần rừng, ven rừng với nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đồng thời, thông tin cảnh báo cấp dự báo cháy rừng liên tục hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng để UBND cấp xã, chủ rừng và nhân dân biết, chủ động phòng ngừa; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là việc đốt nương làm rẫy; tạm dừng việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng.

Theo Báo Pháp Luật

comment Bình luận

largeer