Bắc Giang: Triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường trong và sau mưa lũ.
17/09/2024 14:44

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế tổ chức giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra trong và sau mưa lũ, đặc biệt là vùng bị mưa lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất như: Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, viêm đường hô hấp, sốt xuất huyết… Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân bằng nhiều hình thức các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, xử lý nước, an toàn thực phẩm theo hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế. Chỉ đạo các cơ sở y tế phun hóa chất diệt côn trùng gây bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi nước rút để phòng dịch bệnh. Phân bổ thuốc, hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn, trang thiết bị cho y tế cơ sở để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và vệ sinh môi trường tại các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động vệ sinh môi trường theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, động vật chết trên địa bàn ngập lụt theo đúng quy định để không làm ô nhiễm môi trường đất, nước gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

bg

(Ảnh: Bacgiang.gov)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đảm bảo dự trữ, cung cấp đầy đủ nước sạch tại các địa bàn bị ảnh hưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn cung cấp nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt; cung cấp đủ hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn để xử lý nước, môi trường. Chỉ đạo, kiểm soát hoạt động sản xuất nông nghiệp sau bão, mưa lũ đảm bảo chất lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng… đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sở Công Thương chỉ đạo tăng cường kiểm soát thị trường, không để xảy ra tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tăng cường thời lượng tuyên truyền, khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý nguồn nước, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan triển khai các biện pháp xử lý môi trường, xử lý nguồn nước, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường lực lượng thực hiện hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn ngập lụt; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom xử lý xác động vật theo đúng quy định, bảo đảm không làm ô nhiễm môi trường đất, nước gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Chỉ đạo các lực lượng liên quan, đoàn thể địa bàn phối hợp với các cơ sở y tế hỗ trợ, hướng dẫn người dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi bão lũ (nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó); xử lý các giếng khoan, giếng đào, bể nước bị ngập lụt theo hướng dẫn của Bộ Y tế; tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng và véc tơ gây bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch và vệ sinh môi trường.

Tăng cường kiểm soát việc giết mổ, bán thịt gia súc, gia cầm; quản lý trang trại gia súc, gia cầm chết tại địa bàn quản lý, không được mang đi tiêu thụ. Chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn chủ động hướng dẫn và vận động Nhân dân ăn chín, uống chín, khử trùng nước trước khi sử dụng. Hướng dẫn rộng rãi các biện pháp xử lý môi trường và xử lý nước đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Diệu Hoa

comment Bình luận

largeer