Bắc Ninh tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Quý Mão 2023

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh ký, ban hành văn bản số 19/UBND-NN về tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Quý Mão và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2023.
09/01/2023 10:38

Theo đó, các Sở, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh. Đồng thời, tham gia tích cực trồng cây xanh, trồng rừng, phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, là hành động thiết thực trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị hiện trường trồng cây phân tán năm 2023 gắn với các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm của địa phương. Việc tổ chức phát động “Tết trồng cây” phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thời điểm tổ chức phát động “Tết trồng cây” trên địa bàn toàn tỉnh vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 - ngày 06 tháng Giêng (tức ngày 27/01/2023).

Các điểm trồng cây phải đảm bảo tính hiệu quả lâu dài về mặt kinh tế, phát huy được giá trị về môi trường, cảnh quan, trước mắt tập trung trồng tại các khu trung tâm, các tuyến phố, trục đường giao thông, kênh mương, tại khu đất trống trong các cơ quan, khu công nghiệp, trường học... Sau khi trồng phải tổ chức chăm sóc và bảo vệ  để cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Cùng với đó, chủ động tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu trồng 300.000 cây các loại. Trong đó, chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; trồng cây bản địa, thân gỗ, đa mục đích, ưu tiên các loài cây bản địa có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao, cây quý, hiếm, mang bản sắc văn hóa địa phương.

Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn, chiếm, phá rừng, khai thác rừng trái phép trên địa bàn. Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng và cây xanh, nhất là tuyên truyền và ngăn chặn các hoạt động “bẻ cành, hái lộc” đầu xuân, xử lý nghiêm các hành vi phá hoại rừng, cây xanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.

Cẩm Đào

comment Bình luận

largeer