Bác sĩ khuyến cáo: Dây diều cứa vào cổ có thể đứt mạch máu gây tử vong

Thời gian gần đây, nhiều người chạy xe máy trên đường ở TP HCM liên tục bị dây diều cứa cổ gây chấn thương. Tai nạn này có thể gây tử vong nếu không biết sơ cứu đúng cách.
24/03/2021 14:21

"Vết dây diều cứa sâu đứt mạch máu có thể dẫn đến tử vong"

Chia sẻ với Sức khỏe Cộng đồng, bác sĩ Phạm Khanh, BV Tai mũi họng Trung ương cho rằng tình trạng người dân đi đường không may bị dây diều cứa vào cổ là rất nguy hiểm. Nhẹ thì gây xước sát ngoài da vùng cổ. Nặng dây diều có thể cứa sâu vào các tổ chức vùng cổ gây đứt các mạch máu dẫn đến mất máu, tử vong.

Về cách sơ cứu vết thương do dây diều cứa, bác sĩ Khanh nói: "Trường hợp bệnh nhân bị dây diều cứa gây chấn thương ở cổ nếu chỉ xây xước da tại chỗ thì không vấn đề gì nghiêm trọng, có thể xử lý sát khuẩn vết thương tại nha. Tuy nhiên, khi vết cứa sâu vào cổ gây chảy máu nhiều thì bản thân hoặc nhờ những người xung quanh ép chặt vùng chảy máu và đưa đến ngay đến bệnh viện để xử lý".

ve-t-thu-o-ng-du-t-ngang-co-16-7126-4075-1616311541

Bác sĩ CK II Lê Sỹ An, BV đa khoa tỉnh Bắc Giang người từng trực tiếp phẫu thuật cho nam bệnh nhân bị dây diều cứa vào cổ gây vỡ sụn nhẫn giáp, đứt hoàn toàn khí quản chia sẻ trước đó: Bệnh nhân đã rất may mắn khi dây diều làm đứt phức tạp khí quản, tổn thương chỉ còn cách 2 động mạch cảnh vài mm. Nếu làm đứt mạch cảnh, tính mạng bệnh nhân sẽ cực kỳ nguy hiểm do chảy máu ồ ạt. 

Bởi vậy mọi người nên thả diều ở các khu vực đất trống, rộng rãi, tránh xa các khu dân cư, các trục đường đông người qua lại. Người dân đi đường nên quan sát kỹ trong quá trình tham gia giao thông, nếu thấy khu vực đó có người thả diều nên đi chậm lại để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, bác sĩ Phạm Khanh khuyến cáo.

Liên tiếp những vụ dây diều cứa vào cổ

Được biết khu vực miền Nam đang bước vào những đợt nắng nóng cao điểm, bởi vậy buổi chiều người dân thường tụ tập đến các khu vực trống trải, gió mạnh để thả diều, hóng mát.

Chính hành động này đã gây ra liên tiếp các vụ dây diều cứa vào cổ người đi đường gây chấn thương nghiêm trọng và làm nhiều người lo lắng.

Điển hình có thể kể đến ngày 20/3, ông C. (60 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đang điều khiển xe máy lưu thông trên đường Điện Biên Phủ (đoạn qua P.21, Q.Bình Thạnh) thì bất ngờ bị sợi dây diều rơi xuống, cứa 2 vết vào cổ.

photo-1-16164791238971467507562

Tương tự vào tối 21/3, anh T. (25 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết, anh cũng bị dây diều vướng vào cổ, gây ra vết cứa dài trên cổ, tay cũng bị thương. Sự việc xảy ra khi anh đang chạy xe máy trên đường Nguyễn Cơ Thạch (hướng từ cầu Thủ Thiêm về đường Mai Chí Thọ).

Trước đó 1 tuần chị Ngân (32 tuổi) cũng lưu thông bằng xe máy qua khu vực Q. Bình Thạnh thì bị sợi dây diều rơi vướng ngang cổ, kéo khoảng 2m rồi ngã xuống đường. Vết cứa dài khoảng 12cm gây chảy máu, khó thở, rất đau rát, chị cũng bị bong gân, trầy xước tay chân do ngã xe máy.

Việc này có thể gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông qua lại khi không may vướng phải dây diều do đó chính quyền nhiều nơi đã khuyến cáo người dân không được thả diều ở những khu vực này. Ngoài ra, người dân cũng được khuyến cáo không thả diều gần trạm điện, đường điện cao thế vì diều có thể bị cuốn vào trạm biến áp, mắc vào dây điện gây chập cháy, điện giật nguy hiểm.

Theo luật sư Vũ Quang Bá - Giám đốc Công ty Luật TNHH AB & Partners, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Hiện nay, theo quy định pháp luật trò chơi thả diều chỉ được ghi nhận rải rác trong một số văn bản như Nghị định 167/2013/NĐ-CP có quy định về các hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng. Trong đó, hành vi thả diều ở khu vực sân bay, khu vực cấm bị xem là hành vi bị cấm thực hiện. Người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hình thức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Về lĩnh vực điện lực, có ghi nhận quy định về hành vi vi phạm quy định về an toàn điện tại Nghị định 134/2013/NĐ-CP. Theo đó, hành vi thả diều gây sự cố lưới điện người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài các quy định nêu trên, chưa có quy định nào khác điều chỉnh về việc thả diều.

 "Thả diều là một trò chơi dân gian, bản thân người thả diều tôi cho rằng, không ai mong muốn và có suy nghĩ khi chơi sẽ dẫn đến thương tích cho người khác. Tuy nhiên, mặc dù hiện nay chưa có nhiều quy định pháp luật điều chỉnh về trò chơi này. Nhưng người thả diều cần phải biết hoặc ý thức được những nơi mình thả diều như đường giao thông, khu vực đông người, dây diều hoàn toàn có thể bị mắc, vướng vào người đi đường khi con diều bị chao, liệng hoặc cắm đầu xuống. Người thả diều có thể vì quá tự tin hoặc cẩu thả nên cho rằng việc đó không xảy ra hoặc hoàn toàn có thể ngăn chặn được"

Phạm Huyền

 

comment Bình luận

largeer