Bài thuốc chữa cảm mạo phong hàn

Cảm mạo phong hàn hay gặp vào lúc chuyển mùa hè sang thu, hoặc từ thu sang đông. Nguyên nhân do chính khí kém, phong hàn xâm phạm vào phần da, phế làm mất công năng tuyên giáng của phế, kết hợp vệ khí bị trở ngại phát sinh các chứng ho, sợ lạnh, sợ gió, nhức đầu, ngạt mũi, mạch phù khẩn.
06/10/2021 15:15

 

c1

Cách điều trị: khu phong tán hàn.

Thuốc phát tán phong hàn: hay còn gọi là thuốc tân ôn giải biểu, là loại thuốc phát hãn, giải biểu, chỉ thống do làm thông dương khí, thông kinh hoạt lạc.

Đặc điểm: vị cay, tính ấm, phần lớn qui kinh phế

Chủ trị: cảm mạo phong hàn, sốt ít, rét run, sợ lạnh, đau đầu, đau mình mẩy, ngạt mũi, chảy nước mũi, ho hen do lạnh.

Một số bài thuốc đơn giản, dễ kiếm trong vườn nhà:

c2

Rượu gừng - Bài thuốc nghiệm phương

Nguyên liệu

- Gừng tươi (sinh khương): 20g

- Rượu trắng 40 độ: 30 ml

Chủ trị: Cảm lạnh, trúng hàn

Cách dùng - liều lượng: Gừng tươi giã nhỏ cho vào rượu, đem đun cách thủy sôi 10 phút, gạn lấy rượu cho người bệnh uống. Mỗi lần 10 ml, cách 20 phút uống một lần. Bã gừng bọc vào vải xoa vào lòng bàn tay và chân.

Thang giải cảm hàn (trúng hàn) - Bài thuốc nghiệm phương

Nguyên liệu:

- Can khương (gừng khô): 12 g

- Sinh khương (gừng tươi): 10 lát

- Lá lốt tươi: 20 g

- Hành củ (thái lát mỏng): 01 củ

Chủ trị: Cảm lạnh (mùa đông), người lạnh toát, môi thâm, mặt tái mét, thân thể cứng đờ, không nói được, có thể đau bụng, nôn mửa, không sốt, lưỡi trắng nhận, mạch trầm khẩn hoặc trầm tế hoặc không thấy mạch.

Cách dùng - liều lượng: Các vị trên cho vào 200 ml nước, sắc lấy còn 100 ml, thêm 1 thìa cafe đường, quấy tan hết rồi cho người bệnh uống.

Cảm phong hàn thang - Bài thuốc nghiệm phương

Nguyên liệu:

- Tía tô: 10 g

- Kinh giới: 10 g

- Hành hoa (thông bạch): 10 g

- Gừng tươi ( sinh khương): 03 lát

Chủ trị: Cảm phong hàn với các triệu chứng: Sốt nhẹ, gai rét, sợ lạnh, sợ gió, không có mồ hôi, viêm họng, hắt hơi, sổ mũi, đau vai cổ gáy.

Cách dùng - liều lượng: Các vị cho vào 300 ml nước đun sôi khoảng 10 phút, gạn nước thuốc chia uống làm 02 lần trong ngày. Uống lúc thuốc còn ấm, đắp chăn cho ra mồ hôi.

Cháo giải cảm - Bài thuốc nghiệm phương

Nguyên liệu:

- Gạo tẻ: 03 phần

- Gạo nếp: 01 phần

- Lá tía tô tươi: 05 lá

- Hành hoa tươi (bỏ rễ): 05 cây

- Gừng tươi: 01 củ nhỏ

Chủ trị: Phát sốt, sợ rét, không ra mồ hôi, nhức đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi trong, hắt hơi, đau mình do nhiễm cảm phong hàn.

Cách dùng - liều lượng: cháo đã nấu chín, các lá rửa sạch, thái nhỏ, lấy gừng giã dập, băm nhỏ, cho tất cả vào bát, múc cháo nóng đổ lên trên, có thể cho nêm một chút muối ( gia vị), quấy đều ăn nóng, xong đắp chăn nằm nghỉ, cho mồ hôi ra khắp người là tốt.

- Trường hợp mệt mỏi nhiều, bụng không đầy, đại tiện không lỏng thì nên dùng thêm quả trứng gà cho vào bát cháo cùng các vị thuốc, múc cháo nóng đổ trên, nêm gia vị vừa phải, ăn nống sẽ tăng thêm sức đề kháng, nhanh đẩy tà khí ra ngoài và hết sốt, mệt mỏi.

Lưu ý:

- Trong các bài thuốc, không thấy ghi liều lượng cho trẻ em hoặc người cao tuổi. Thông thường, liều lượng của trẻ dưới 12 tuổi bằng 1/3 liều lượng của người lớn tùy theo cân nặng mà có thể thêm hoặc bớt. Liều cho người cao tuổi thường bằng 1/2 người lớn.

- Thận trọng khi dùng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ dưới 3 tuổi.

Nguồn: Nam y nghiệm phương

comment Bình luận

largeer