Ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1421/QĐ-UBND (ngày 9/3/2023) ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội.
13/03/2023 11:05

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1904/QĐ-UBND ngày 3/6/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố Hà Nội.

Quy chế nêu rõ: Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố (gọi tắt là Hội đồng) là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Thành ủy, HĐND, UBND thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

HM3

Trưởng ban Thi đua - Khen thưởng thành phố Nguyễn Công Bằng trao danh hiệu "Tập thể Lao động xuất sắc" cho các tập thể thuộc quận Hoàng Mai (Ảnh: Hà Nội mới)

Hội đồng có nhiệm vụ định kỳ đánh giá kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng; tham mưu việc sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; kiến nghị, đề xuất Thành ủy, HĐND, UBND thành phố các chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua hằng năm và trong từng giai đoạn; đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác thi đua, khen thưởng và thực hiện công tác xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trên địa bàn thành phố.

Hội đồng gồm có chủ tịch, 4 phó chủ tịch và 17 ủy viên. Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch UBND thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố là Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng; Giám đốc Sở Nội vụ là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; 2 Phó Chủ tịch Hội đồng còn lại là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố.

Chủ tịch Hội đồng lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của Hội đồng, chủ trì và kết luận các phiên họp của Hội đồng.

Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, các kế hoạch, chương trình công tác của Hội đồng đều được thảo luận dân chủ và quyết định theo đa số. Hội đồng bình xét các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc biểu quyết (trường hợp thành viên Hội đồng vắng mặt, cơ quan Thường trực Hội đồng lấy ý kiến bằng văn bản).

Đối với danh hiệu vinh dự Nhà nước, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, Chiến sĩ thi đua thành phố phải có số phiếu đồng ý của ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng. Các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng khác phải có số phiếu đồng ý của ít nhất 75% tổng số thành viên Hội đồng.

Hằng năm, Hội đồng tổ chức các phiên họp định kỳ để xét và đề nghị khen thưởng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng hoặc lấy ý kiến các thành viên bằng văn bản để thông qua chương trình, kế hoạch công tác.

Hội đồng họp khi có ít nhất 2/3 thành viên tham dự; họp 4 phiên/năm (vào tháng 2, tháng 3, tháng 6 và tháng 9). Khi cần thiết, Chủ tịch Hội đồng triệu tập cuộc họp bất thường của Hội đồng hoặc quyết định điều chỉnh nội dung, thời gian các lần họp.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer