Bão số 9 có thể là cơn bão mạnh nhất năm 2020

Theo nhận định từ các chuyên gia khí tượng, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với cơn bão số 9 đây là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm và không loại trừ là cơn mạnh nhất trong năm 2020.
26/10/2020 20:39

Chiều 26-10, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng thủy văn Quốc gia) tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin với báo chí về cơn bão số 9.

Bão số 9 có thể là cơn bão mạnh nhất năm 2020

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia (Trung tâm KTTVQG), cho biết chúng ta đang đối mặt với cơn bão mạnh nhất từ đầu năm, không loại trừ là cơn mạnh nhất trong năm 2020. Hiện bão đang ở cấp 12, giật cấp 15.

anhbao-so-9_chub_thumb

Bão số 9 được đánh giá rất mạnh, có khả năng mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Ảnh: TTKTTVQG

“Bão có ba đặc điểm là di chuyển nhanh, cường độ mạnh, phạm vi ảnh hưởng rộng khắp Biển Đông. Bão di chuyển nhanh nên có khả năng ảnh hưởng trực tiếp vùng biển ngoài khơi từ chiều 27-10. Đến đêm 27-10 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đất liền Trung và Nam Trung bộ” – ông Năng nói.

Hệ quả của bão ở trên biển và vùng ven biển là gió mạnh, sóng lớn và nước biển dâng. Về nguy cơ sóng lớn, ông Năng cho biết bão số 9 với cường độ rất mạnh cấp 12-13 sẽ gây những đợt sóng cao tới 10 m trên Biển Đông. Không chỉ sản phẩm dự báo của Việt Nam mà cả những sản phẩm dự báo trên thế giới đều cho kết quả dự báo sóng cao.

Theo ông Năng, khi bão đi sâu vào vùng biển Trung Bộ, độ cao sóng ít suy giảm với lý do đây là khu vực biển thoáng, không bị che chắn, độ sâu của biển lớn và dốc nên mức độ làm giảm sóng do ma sát ít.

Ven biển các tỉnh Quảng Bình - Phú Yên sóng cao 4-7 m, vùng gần tâm bão (Đà Nẵng tới Bình Định), bao gồm các đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm sóng cao 6-8 m, gió tại Lý Sơn có thể đạt cấp 11-12.

2871f14d4c90b2ceeb81_tymn_thumb

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm KTTVQG. Ảnh: THU HẠNH

Về nguy cơ nước dâng, mặc dù nhiều khu vực không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng do hoàn lưu bão lớn, các khu vực ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định cần đề phòng nước dâng do bão từ 0,5-1,5 m. Nguy cơ ngập úng cao tại khu vực trũng, cửa sông, đầm phá tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Về mưa lớn, từ đêm 27-10 đến ngày 29-10, ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; Bắc Tây Nguyên 100-200 mm/đợt.

Từ 28 đến 31-10, ở khu vực từ Quảng Trị đến Nghệ An có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 200-400 mm/đợt; riêng Nam Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa đặc biệt to với tổng lượng mưa phổ biến 500-700 mm/đợt.

Do mưa lớn nên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và Gia Lai, Kon Tum sẽ xuất hiện một đợt lũ mới. Mực nước trên nhiều sông có khả năng lên BĐ2, BĐ3, có sông vượt BĐ3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt diện rộng trở lại. 

Nâng cấp rủi ro lên cấp 4

Thông tin thêm, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm KTTVQG, cho biết theo đúng quy định, bão có tác động từ cấp 12 trở lên trong đất liền mới được gọi là rủi ro thiên tai cấp 4.

Tuy nhiên với cơn bão số 9, cấp độ ở giữa cấp 3-4 nhưng khu vực này đã từng chịu tổn thương nặng nề của mưa lũ lịch sử nên xét thấy cần phải nâng cấp rủi ro lên cấp 4, Thủ tướng Chính phủ cũng vào cuộc.

aba781ae3d73c32d9a62_pylh

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm KTTVQG. Ảnh: THU HẠNH

Ông Nguyễn Bá Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm KTTVQG cũng thông tin, bão số 9 có thể gây gió ở cấp bão rất mạnh (cấp 11-12), vùng biển ven bờ và đất liền ven biển có khả năng cấp 11-12, giật 14.

Với tốc độ gió này có thể gây nguy hiểm đối với các công trình đang xây dựng, nhà cấp 4, nhà không kiên cố, cơ sở hạ tầng ven biển… ở các tỉnh Trung Bộ, đặc biệt là từ Đà Nẵng đến Phú Yên.

"Với cơn bão này chúng tôi cũng e ngại nước biển sẽ dâng cao, nhất là khi bão đổ bộ vào ban đêm" - ông Thủy nói.

Điều này sẽ gây ra tình trạng ngập lụt sâu ở vùng trũng thấp, các khu đô thị, đặc biệt tại các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Đà Nẵng vì không có đê biển chắn, lại là vùng tương đối trũng.

Nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh Trung Bộ, Bắc Tây Nguyên, các tỉnh lộ, quốc lộ đi qua các địa phương nói trên. Đặc biệt lưu ý khu vực huyện Tây Giang (Quảng Nam), khu vực đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận Quảng Trị đến Quảng Ngãi, Kon Tum.

Ngoài ra, bão cũng gây nguy cơ cao mất an toàn các hồ chứa vừa và nhỏ. Đặc biệt là các hồ chứa đã đầy nước, các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đang xây dựng.

Các địa phương cũng cần lưu ý bốn mỏ khai thác than, khai thác vàng, titan ở Quảng Nam, Quảng Ngãi; các mỏ khai thác Bauxit khu vực Kon Tum, Đắc Nông, Lâm Đồng.

Theo Pháp luật TP.HCM

comment Bình luận

largeer