Bệnh nấm đen chết người- Ác mộng với người mắc COVID-19 Ấn Độ

Chưa kịp hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19, Yaseen Ahmed, một bệnh nhân tiểu đường ở Ấn Độ, bị chẩn đoán mắc bệnh nấm đen chết người.
22/05/2021 15:41

Cuối tháng 4, Yaseen Ahmed, 52 tuổi sống tại nhà riêng ở thành phố Hyderabad, phía Nam Ấn Độ, đột nhiên thấy lượng đường trong máu tăng gấp bốn lần bình thường. Bên trái khuôn mặt của Ahmed, mắt, mũi và nướu bắt đầu sưng tấy.

Ông Ahmed sau đó được chẩn đoán mắc bệnh nấm đen, căn bệnh hiếm gặp nhưng đang ảnh hưởng tới hàng nghìn bệnh nhân COVID-19 trong quá trình hồi phục tại Ấn Độ, giữa lúc quốc gia này chật vật vì thiếu thuốc điều trị nấm.

Mucormycosis, hay nấm đen, chủ yếu ảnh hưởng tới những người mắc bệnh tiểu đường. Với 77 triệu bệnh nhân tiểu đường trong hơn 850 triệu dân số trưởng thành, Ấn Độ có số lượng người mắc tiểu đường cao thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.

"Chúng tôi không biết gì về bệnh nấm đen", Wasay Ahmed, con trai ông Ahmed, nói.

Empty

Bệnh nhân nằm dọc hành lang bệnh viện ở Hyderabad ngày 21/5 (Ảnh: AFP)

Chính quyền New Delhi ngày 20/5 cho biết đã thiết lâp các trung tâm điều trị bệnh nấm đen tại ba bệnh viện chính phủ ở thủ đô. Giới chức địa phương cho biết, tính tới ngày 15/5, nhiều bang đã báo cáo hơn 500 trường hợp mắc bệnh này.

Cơ quan y tế bang Maharashtra, nơi có trung tâm tài chính Mumbai, ngày 20/5 báo cáo khoảng 1.500 người nhiễm mucormycosis. Một số người đã tử vong, trong khi nhiều người khác mất thị lực.

Mucormycosis là căn bệnh hiếm gặp. Như ở Anh, quốc gia với 67 triệu dân, chỉ có 5-10 ca bệnh được ghi nhận mỗi năm, theo David Denning, giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học Manchester ở Anh và là chuyên gia về bệnh nấm.

Nhiều khu vực ở Ấn Độ đã báo cáo tình trạng thiếu amphotericin, loại thuốc chống nấm được dùng để điều trị mucormycosis. Dù thuốc này được sản xuất tại Ấn Độ, số ca nhiễm tăng đột đột khiến nguồn cung trở nên hạn hẹp. Ngày 21/5, chính phủ cho biết các công ty dược phẩm sẽ tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu, đồng thời tìm cách nhập khẩu hơn 350.000 lọ thuốc amphotericin trong tháng này.

Tại Kota, thị trấn ở bang Rajasthan, Toshika Saxena chia sẻ cô đang nỗ lực hết sức để tìm được thuốc amphotericin cho mẹ. Bà Vimlesh Saxena, 50 tuổi, đã bị sưng mắt trái một tuần trước, sau khi khỏi COVID-19. Bà Vimlesh cần phẫu thuật để loại bỏ các tế bào bị nhiễm nấm đen, nhưng bác sĩ không thể làm điều đó trừ khi có thuốc. Phẫu thuật bị trì hoãn càng lâu, nấm sẽ càng phát triển và có thể tấn công lên não.

Bệnh nấm đen phát triển mạnh một phần do việc sử dụng quá mức các loại thuốc steroid như dexamethasone, thuốc dùng điều trị COVID-19. Bệnh tiểu đường cũng làm giảm hiệu quả của các tế bào bạch cầu chống nhiễm trùng, tạo điều kiện cho nấm phát triển.

"Hệ thống miễn dịch dường như không thể đối phó với nấm", giáo sư Denning nói.

Việc lạm dụng steroid cũng có thể khiến người bị tiền tiểu đường chính thức mắc căn bệnh này. Dexamethasone có thể được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, nhưng không được dùng quá 6 milligram mỗi ngày trong khoảng từ 7-10 ngày. Do không thể tiếp cận với bác sĩ, nhiều người Ấn Độ đã tự điều trị Covid-19 bằng cách sử dụng thuốc này, bất chấp những cảnh báo từ bác sĩ. Một số bác sĩ cũng sử dụng quá liều dexamethasone khi đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn oxy y tế.

"Chúng tôi đang sử dụng liều cao hơn khuyến nghị rất nhiều", Rajesh Pande, giám đốc đơn vị chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện BLK ở Delhi, nói.

Để đối phó với số ca mắc nấm đen tăng mạnh gần đây, giới chức Ấn Độ đã ban hành hướng dẫn về sử dụng steroid trong điều trị COVID-19 và yêu cầu mọi người hạn chế sử dụng nếu chỉ có triệu chứng nhẹ trong tuần đầu nhiễm bệnh.

Atul Patel, cố vấn trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Sterling ở thành phố Ahmedabad ở bang Gujarat, cho biết những bệnh nhân COVID-19 nặng, người phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để ngăn cơ thể tự tấn công, là nhóm đối tượng dễ mắc nấm mucormycosis. Tại bệnh viện của ông Patel, khoảng 30 bệnh nhân bị nấm đen đã nhập viện trong hai tuần qua.

Hơn 3.200 ca nhiễm nấm đen đã được báo cáo ở 5 bang Ấn Độ, gồm Maharashtra, Madhya Pradesh, Haryana, Telangana và Gujarat. Maharashtra là bang cao nhất với hơn 2.000 ca nhiễm và khoảng 800 trường hợp nhập viện. Ít nhất 90 người đã chết vì nấm đen tại bang này. Trong khi đó, một bệnh viện ở bang Gujarat cũng ghi nhận ít nhất 369 trường hợp.

Ngày 20/5, Chính phủ Ấn Độ đã liệt nấm đen vào danh sách bệnh cần lưu ý, đồng nghĩa tất cả các bang và vùng lãnh thổ phải báo cáo số ca với chính quyền liên bang.

"Chúng ta đang đối mặt thách thức mới từ bệnh nấm đen. Chúng ta cần thận trọng và chuẩn bị ứng phó với nó", Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói ngày 21/5.

Ít nhất 7 bang ở Ấn Độ đã tuyên bố nấm đen là căn bệnh đáng lưu ý theo khuyến nghị của chính phủ.

Nấm đen không lây truyền giữa người với người. Người nhiễm phần lớn do hít phải bào tử nấm sinh sôi trong đất hoặc trên thực vật và rau quả thối. Đeo khẩu trang có thể ngăn nguy cơ nhiễm nấm. Nấm đen thường tấn công mũi và xoang trước, biến niêm mạc mũi thành màu đen và cuối cùng làm hỏng các mô. Nó có thể gây đau đầu hoặc khó thở. Nấm đen cũng có thể tấn công phổi và não của người nhiễm.

"Chúng tôi muốn mọi người nhận thức được rằng căn bệnh đó có thể điều trị được trong giai đoạn đầu, nhưng nếu không điều trị, nó sẽ rất nguy hiểm", Naresh Trehan, bác sĩ phẫu thuật tim và người đứng đầu chuỗi bệnh viện Medanta, nói.

Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nấm đen có thể gây tử vong hoặc suy yếu cơ thể, bao gồm tê liệt hoặc có thể phải cắt bỏ các chi. Nếu được chẩn đoán sớm bằng cách sinh thiết tế bào, người nhiễm có thể điều trị bằng các loại thuốc như amphotericin kết hợp phẫu thuật loại bỏ tế bào nhiễm bệnh. Khả năng cứu sống các bệnh nhân là 50%, theo giáo sư Denning. Nhưng đối với các bệnh nhân không được điều trị, tỷ lệ tử vong lên tới 80-90%.

Empty

Người nhà bệnh nhân đứng bên ngoài phòng điều trị bệnh nấm đen tại bệnh viện ở thành phố Hyderabad ngày 20/5 (Ảnh: AP)

Nhu cầu điều trị bệnh nấm đen tăng càng gây nhiều áp lực lên hệ thống y tế đang quá tải của Ấn Độ, quốc gia bị làn sóng COVID-19 nhấn chìm với hơn 26 triệu ca nhiễm và hơn 295.000 ca tử vong, cũng như tăng thêm gánh nặng cho các gia đình. Thời gian nằm viện kéo dài nhiều tuần, đặc biệt sau khi chật vật với gánh nặng chi phí điều trị COVID-19, có thể khiến nhiều gia đình kiệt quệ về kinh tế.

Hồi đầu tháng này, Yaseen Ahmed đã phẫu thuật tại một bệnh viện ở thành phố phía nam Ấn Độ. Xương gò má trái của ông đã bị cắt bỏ để ngăn tế bào nấm lây lan. Con trai ông Wasay sau đó được bác sĩ yêu cầu tìm kiếm thuốc amphotericin để điều trị những phần nhiễm trùng còn lại của bố.

"Chúng tôi không thể tìm thấy một mũi tiêm nào ở bất kỳ đâu tại Hyderabad", Wasay nói.

Ngày 21/6, Wasay đã cầu cứu chính quyền để có 60 lọ thuốc amphotericin điều trị bệnh cho bố theo yêu cầu của bác sĩ. Chính quyền địa phương cho biết họ chỉ có thể cung cấp cho anh 5 lọ.

"Tôi không biết mình phải làm gì nữa", Wasay tuyệt vọng nói.

Thanh Tâm (Theo WSJ)

comment Bình luận

largeer