Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng sử dụng kỹ thuật IVF giúp 1 phụ nữ mang gen bệnh Thalassemia và Thrombophilia mang thai, sinh con trọn vẹn

Kết hôn năm 2019, sau 1 năm “thả cửa” mà vợ chồng chị N.N.H (SN 1992, Dương Kinh, Hải Phòng) không thấy tin vui. Dù gia đình 2 bên không ai thúc giục nhưng vợ chồng chị H vẫn không khỏi sốt ruột.
02/10/2023 14:43

Năm 2022, vợ chồng chị H quyết định đi khám hiếm muộn tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, bác sĩ kết luận chị bị tắc vòi trứng 2 bên khiến việc có thai tự nhiên của chị là không thể, đồng thời chị lại mang 2 gen bệnh di truyền nguy hiểm là Beta-thalassemia và Thrombophilia.

Beta-thalassemia là tình trạng thiếu máu di truyền. Trong trường hợp người mắc bệnh beta-thalassemia ở thể nặng hoặc thể trung gian cần được chăm sóc y tế cả đời, điều này là gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội. Và Thrombophilia là các rối loạn về máu, làm cho máu trong tĩnh mạch và động mạch dễ bị đông hơn so với bình thường. Hậu quả có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm trong thai kỳ như: Sảy thai, sinh non, thai chết lưu, tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, suy giảm chức năng bánh nhau,…

384286943_721652826672708_8378214190405734563_n

Hai vợ chồng hạnh phúc đón con đầu lòng

Kết quả khám như sét đánh ngang tai với vợ chồng chị, đặc biệt là chị H. Tinh thần chị sa sút trầm trọng, nhưng may nhờ có anh vững vàng luôn ở bên động viên, an ủi chị.

Trường hợp đặc biệt của chị H đã được PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm, Giám đốc bệnh viện trực tiếp thăm khám, lên phác đồ điều trị chi tiết. Anh chị được tư vấn nên làm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), kết hợp với kỹ thuật xét nghiệm di truyền tiền làm tổ để sàng lọc, lựa chọn những phôi không mang gen bệnh để chuyển, tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh.

Tháng 1/2023, anh chị tới Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng được PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm chuyển phôi thành công ngay lần đầu tiên.

“Chúng tôi sàng lọc 3 phôi thì được 1 phôi không mang bệnh. Tôi chuyển 1 phôi. Khi chuyển phôi, chúng tôi rất hồi hộp và lo lắng vì không biết may mắn có đến với vợ chồng tôi không nữa. Sau 4 tuần, kết quả xét nghiệm cho thấy tôi đã mang thai”, chị H kể về quãng đường đầu tiên trong hành trình tìm con.

Trong suốt thai kỳ, dù mang gen bệnh Thalassemia và Thrombophilia nguy cơ gặp bất thường là rất cao, nhưng nhờ tuân thủ sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị mà PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm đã xây dựng ngay từ đầu. Và khám thai định kỳ tại khoa Quản lý thai nghén và Chẩn đoán trước sinh nên dù gặp phải một số bất thường nhưng đã được các bác sĩ khoa Quản lý thai nghén và Chẩn đoán trước sinh điều trị kịp thời, thai kỳ của chị H đã diễn ra an toàn.

Ngày 18/9/2023, ở mốc 38 tuần 5 ngày, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm, Giám đốc bệnh viện đã thực hiện ca mổ lấy thai, đón bé trai nặng 3,2 kg khỏe mạnh trong niềm vui, hạnh phúc của gia đình. Sau 4 năm mong chờ, giờ đây anh chị H đã chính thức được ôm thiên thần bé bỏng của mình.

Mang thai là điều tuyệt vời nhất với mẹ bầu. Tuy nhiên, hành trình có con sẽ kéo dài nếu ba mẹ gặp vấn đề trong sức khoẻ sinh sản và không được trọn vẹn nếu thai nhi không may mắc các bất thường như: thai nhi mắc dị tật, mang gen Thalassemia… Do đó, để tránh trẻ sinh ra là gánh nặng cho gia đình và xã hội, cũng như bảo vệ hạnh phúc gia đình thì phòng ngừa trước khi mang thai nên được thực hiện sớm. Các cặp vợ chồng trước khi có em bé nên được tư vấn và thăm khám tiền hôn nhân, đặc biệt là với những gia đình có người mang gen bệnh di truyền nguy hiểm nên đến các cơ sở uy tín để được thăm khám, tư vấn kịp thời

Theo Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng

comment Bình luận

largeer