Bí thư Hà Nội yêu cầu "Xét nghiệm hiệu quả trong thời gian ngắn nhất"

Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh việc xét nghiệm diện rộng sẽ giúp thành phố sớm tìm ra và cách ly hết F0, tránh phải kéo dài giãn cách xã hội.
14/08/2021 12:49

"Xét nghiệm hiệu quả trong thời gian ngắn nhất" là chiến lược được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh khi nói về kế hoạch xét nghiệm diện rộng cho 1,3 triệu người trên địa bàn thành phố.

Trong cuộc trao đổi với báo chí, ông khẳng định đây là biện pháp quan trọng nhất, hiệu quả nhất để giúp Hà Nội sớm ổn định tình hình, tránh kéo dài giãn cách xã hội.

"Không thể chờ F0 biểu hiện"

Theo người đứng đầu Thành ủy Hà Nội, thành phố đã giãn cách gần 3 tuần, song, mỗi ngày vẫn ghi nhận trung bình 60-80 ca mắc mới, có ngày trên 100 ca. Trên địa bàn xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp, nhiều ca cộng đồng và chưa xác định được nguồn lây. F0 nhiễm biến chủng Delta ít biểu hiện nên rất khó phát hiện nhưng lại có khả năng lây nhiễm cao.

"Chúng ta không thể chờ F0 biểu hiện để bóc tách ra khỏi cộng đồng và rất khó khăn nếu kéo dài giãn cách xã hội. Do đó, việc tổ chức xét nghiệm diện rộng nhằm chủ động tìm và bóc tách triệt để F0, không để dịch lây lan, bùng phát", ông Đinh Tiến Dũng lý giải.

bi thu

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu lấy mẫu đến đâu xét nghiệm hết đến đó

Mặc dù chiến dịch xét nghiệm mới triển khai được vài ngày, ông Dũng cho biết sau khi lấy được hơn 200.000 mẫu, thành phố đã phát hiện 17 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Điều này cho thấy đây là biện pháp trúng, đúng và rất cần thiết trong lúc này.

Về kế hoạch triển khai, Bí thư Hà Nội lưu ý việc xét nghiệm phải đảm bảo thực chất và hiệu quả; chỉ định xét nghiệm phải có trọng tâm, đúng khu vực nguy cơ cao, nhóm đối tượng được lấy mẫu cũng phải xác định rất khoa học.

Theo kế hoạch, các quận, huyện sẽ lấy mẫu theo 3 khu vực: Khu vực đỏ (vùng có dịch, nguy cơ cao nhất), khu vực da cam (nguy cơ cao) và khu vực vàng (nguy cơ). Hà Nội ưu tiên xét nghiệm "vùng đỏ" trước rồi sau đó đến khu vực nguy cơ thấp hơn.

Dừng lấy mẫu nếu phát hiện lây nhiễm chéo

Đề cập việc tổ chức, cá nhân tự ý xét nghiệm bằng bộ kit test nhanh, Bí thư Hà Nội cho biết thành phố không khuyến khích, vì xét nghiệm nhanh phải có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn mới bảo đảm hiệu quả. Ngoài ra, việc tự làm xét nghiệm, nếu cho kết quả sai có thể dẫn đến chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh, khi ấy sẽ rất nguy hiểm.

Nhấn mạnh chiến dịch xét nghiệm lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đối tượng nhiều, tiến độ đòi hỏi nhanh, ông Dũng cho biết đơn vị tham gia và điều phối phải tranh thủ từng phút, từng giờ, bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng.

Ngoài đơn vị công lập, TP huy động bệnh viện tư nhân đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 tham gia và đơn vị y tế của Trung ương, bộ, ngành hỗ trợ. Lực lượng sinh viên, cán bộ y tế ngoài công lập, y tế học đường cũng bổ sung để lấy mẫu diện rộng, nhập số liệu...

mh

Hà Nội dự kiến xét nghiệm cho 1,3 triệu người. Ảnh minh họa

Sở Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo việc chuyển mẫu xét nghiệm, bàn giao và thực hiện xét nghiệm bảo đảm tiến độ. TP sẽ liên tục giám sát công tác an toàn phòng chống dịch, dừng ngay hoạt động khi có lây nhiễm chéo trong quá trình thực hiện

Quận, huyện có trách nhiệm lập danh sách người xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế linh hoạt, đủ số lượng theo kế hoạch, theo khung giờ để bảo đảm giãn cách.

Bí thư Đinh Tiến Dũng đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm nguyên tắc giãn cách xã hội trong thời gian này.

Theo kế hoạch xét nghiệm diện rộng UBND Hà Nội ban hành tối 10/8, TP yêu cầu các đơn vị tập trung xét nghiệm từ ngày 9/8 đến 17/8. Hà Nội sẽ xét nghiệm với tổng số khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật rRT-PCR. Một số địa phương còn lại chủ động xét nghiệm nhanh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, dự kiến 2 triệu test.

Theo một số chuyên gia, có 3 vấn đề Hà Nội cần lưu ý khi thực hiện xét nghiệm diện rộng. Một là đảm bảo giãn cách, tránh tụ tập đông người tại điểm lấy mẫu bởi nguy cơ lây nhiễm là rất lớn khi đối tượng xét nghiệm đều là người có nguy cơ cao. Tiếp theo, TP cần điều phối việc lấy mẫu phù hợp với công suất xét nghiệm, tránh ùn ứ mẫu. Và cuối cùng là các đơn vị cần rất thận trọng khi sử dụng bộ xét nghiệm nhanh vì khả năng xuất hiện âm tính giả trong 2 triệu mẫu xét nghiệm là rất lớn.

Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 29/4, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 2.128 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, ngoài ra có hơn 200 ca mắc trong các bệnh viện tuyến Trung ương. Riêng chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến sáng 14/8 đã có 1.859 trường hợp dương tính với virus.

Nguyễn Quyết

comment Bình luận

largeer