Biến chứng của tăng huyết áp và cách phòng ngừa

Tăng huyết áp là bệnh lý nguy hiểm gây tổn thương tim, mạch máu, não, mắt, thận và nhiều bệnh mạn tính khác và là nguyên nhân chính gây tử vong sớm trên toàn cầu.
21/05/2024 07:25

Tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm phổ biến cũng đã tăng nhanh qua các năm và số người mắc bệnh trong cộng đồng hiện tại rất lớn. Kết quả sơ bộ Điều tra STEPS năm 2021 - Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành năm 2021 là 26,2%, tương đương với khoảng 17 triệu người; tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường/tăng đường huyết ở người trưởng thành là 7,06%, tương đương với 4,6 triệu người. 

Tăng huyết áp lâu ngày có thể dẫn đến những biến chứng gì?

Bệnh tăng huyết áp nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không kiểm soát được huyết áp sẽ dẫn tới các biến chứng như đột quỵ, tổn thương thận, suy tim, biến chứng ở mắt, phình và bóc tách động mạch chủ, bệnh động mạch ngoại biên, rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ, rối loạn cương dương,…

hiuyets

Làm sao để phát hiện sớm biến chứng tăng huyết áp?

Người bệnh tăng huyết áp dễ bỏ thuốc hoặc không tái khám vì không có triệu chứng. Người bệnh thường bỏ qua, không điều trị cho đến khi có biến chứng, di chứng hoặc tử vong. 

Các nghiên cứu cho thấy, khi kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu thì giảm được 30% nguy cơ đột quỵ, 25% nhồi máu cơ tim và 23% bệnh thận mạn. Vì vậy để ngăn ngừa và phát hiện sớm biến chứng của tăng huyết áp, người bệnh cần:

- Người trên hoặc bằng 50 tuổi nên đo tầm soát huyết áp mỗi 6 tháng - 1 năm/lần.

- Nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần uống thuốc đều đặn, theo dõi mức huyết áp khi điều trị. Mức huyết áp mục tiêu thông thường là dưới hoặc bằng 130/80 mmHg, trừ một số trường hợp đặt biệt có mức mục tiêu khác sẽ được bác sĩ thông báo.

- Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh như tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng, ăn uống hợp lý, giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.

Cách phòng ngừa đột quỵ

Để ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ (hay còn gọi tai biến mạch máu não), cần có lối sống và thói quen ăn uống khoa học:

- Tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút/lần tập và duy trì 3-4 lần/tuần để tăng cường sức khỏe bản thân.

- Có chế độ ăn uống hợp lý, không dùng nhiều đồ chiên xào, thức ăn nhanh, đồ dầu mỡ nhiều cholesterol và chất béo, thức uống có cồn, nước có ga, rượu bia,… Ăn nhiều rau xanh, trái cây, thịt trắng, hải sản, trứng, ngũ cốc và các loại đậu,…

- Không thức khuya, ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc và chú ý đến chất lượng giấc ngủ.

- Không sử dụng các chất kích thích.

- Hạn chế tắm đêm.

- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát đột quỵ, đặc biệt là lượng cholesterol và huyết áp, tim mạch, đái tháo đường,…

- Lắng nghe cơ thể và tìm đến bác sĩ chuyên môn, các cơ sở y tế uy tín khi cần được thăm khám và tư vấn.

Kiểm soát chế độ dinh dưỡng trong phòng ngừa đột quỵ

Khi xây dựng chế độ dinh dưỡng để phòng ngừa đột quỵ và chế độ dinh dưỡng phục hồi sau đột quỵ, cần lưu ý:

- Cố gắng ăn nhiều rau củ, các loại trái cây.

- Kiểm soát khẩu phần ăn, không ăn quá no dẫn đến lượng calo nạp vào tăng, hàm lượng chất béo hấp thụ cao, tăng nguy cơ béo phì.

- Hạn chế ăn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.

- Ưu tiên các nguồn protein ít chất béo.

- Cố gắng giảm hàm lượng natri trong mỗi khẩu phần ăn.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh

comment Bình luận

largeer