Bình Dương đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19

Bình Dương đang triển khai các nhóm giải pháp để phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng và tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
04/12/2021 09:27

Bình Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư tại Việt Nam. Giai đoạn đó lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã có nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm khống chế tốt dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp (DN) để duy trì sản xuất... Những kết quả đạt được là minh chứng cho những nỗ lực của chính quyền tỉnh Bình Dương.

76

Tỉnh Bình Dương đang tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch

Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Theo Chủ tịch tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt những kết quả tích cực. Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDR) tăng 2,79%, thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn 2 tỉ USD.

Cũng theo ông Minh, đến thời điểm hiện tại, Bình Dương đang thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và hướng dẫn của Bộ Y tế về việc thay đổi chiến lược chống dịch từ “không có COVID-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Để thực hiện chiến lược này, công tác xét nghiệm, phòng chống dịch được triển khai phù hợp với từng địa phương. Công tác thu dung, điều trị cũng phân tầng điều trị theo mô hình ba cấp để giảm tải cho các cơ sở điều trị tuyến tỉnh, đồng thời điều phối F0 giữa ba tầng.

Đặc biệt, để tạo miễn dịch cộng đồng, công tác tiêm vaccine cũng được đẩy mạnh. Đến giờ này gần 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vaccine và đang tiếp tục triển khai tiêm vaccine cho toàn bộ trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi.

Bên cạnh đó, Bình Dương còn đẩy mạnh thành lập các trạm y tế lưu động và Tổ COVID cộng đồng. Hiện có 162 trạm y tế lưu động tại 100% xã, phường, trong đó có 43 trạm y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp.

Để mở cửa an toàn, hỗ trợ DN khôi phục sản xuất sau dịch, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ DN đăng ký thực hiện các phương án sản xuất phù hợp với điều kiện từng DN. Đến nay, đã có khoảng 2.195 DN sản xuất trong khu công nghiệp (chiếm hơn 90%) với khoảng 400.000 người lao động đăng ký và hoạt động theo mô hình “một cung đường - hai địa điểm”, “ba tại chỗ”, “ba xanh” và “ba tại chỗ linh hoạt”.

Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cơ sở

Bình Dương tuy đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của dịch bệnh COVID-19 nhưng đến nay các ca nhiễm, ca tử vong đang có dấu hiệu tăng trở lại. Ngoài ra, biến thể Omicron đòi hỏi cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng cần có các giải pháp, phương án chủ động để phòng dịch.

Nói về các giải pháp của Bình Dương trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho hay tỉnh tiếp tục chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh để bảo đảm tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân. Ngoài ra, tỉnh sẽ nhanh chóng khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho các DN và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Tỉnh cũng sẽ đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân, trong đó ưu tiên đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng và nguồn nhân lực y tế.

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, ông Minh nhấn mạnh Bình Dương sẽ tạo điều kiện cho các DN, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Cụ thể, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tập trung rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, bất cập về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, đảm bảo công khai, minh bạch và kịp thời…

Đặc biệt, tỉnh chú trọng đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Quyết liệt trong giải phóng mặt bằng đầu tư các con đường huyết mạch, kết nối vùng. Bình Dương cũng tăng cường gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng DN trong nước và nước ngoài, đẩy mạnh các hội nghị xúc tiến đầu tư nước ngoài. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong mọi mặt kinh tế - xã hội theo lộ trình phát triển TP thông minh…•

Theo Pháp Luật TPHCM

comment Bình luận

largeer