Bồ Đào Nha có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao nhất thế giới

Bồ Đào Nha, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm ngừa COVID-19 cao nhất thế giới, gần đây đã dỡ bỏ nhiều hạn chế một cách thận trọng để dần trở lại cuộc sống bình thường.
27/10/2021 09:59

Tại Lisbon, thủ đô của quốc gia nổi tiếng với niềm đam mê bóng đá, các sân vận động đã chật kín trở lại.

Hàng chục nghìn người hâm mộ bóng đá reo hò và đổ dồn vào Estadio da Luz hôm 20/10 để xem trận đấu giữa đội chủ nhà Benfica và Bayern Munich. Họ chen chúc trên tàu điện ngầm đến sân vận động. Sau trận đấu, họ vây quanh các xe bán đồ ăn để ăn bánh mì và uống bia khi cố gắng quên đi bàn thua của đội chủ nhà.

Bồ Đào Nha hồi đầu năm nay đã hứng chịu sự tàn phá của biến chủng Delta, nhưng hiện là nước có tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao nhất ở châu Âu, và thứ hai thế giới. Với tỷ lệ khả quan trên, đất nước đang dần trở thành nơi mà COVID-19 không còn là đại dịch, theo Wall Street Journal.

Tỷ lệ tiêm chủng hàng đầu châu Âu

Chính phủ gần đây đã dỡ bỏ giới hạn sức chứa 30% tại các sân vận động, vốn được áp đặt trước đó để kiểm soát COVID-19.

Dẫu vậy, mọi thứ vẫn chưa thực sự trở lại như cũ. Để vào sân vận động, người hâm mộ cần có giấy chứng nhận đã tiêm vaccine, hay đã mắc và khỏi, hoặc xét nghiệm âm tính với virus. Khẩu trang là điều kiện bắt buộc ở tất cả sân.

Theo chính phủ Bồ Đào Nha, gần 100% người trên 50 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Tỷ lệ này ở người từ 25 đến 49 tuổi là 95%, và người từ 12 đến 17 tuổi là 88%.

A2

Người dân Bồ Đào Nha vẫn bị bắt buộc đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Tổng cộng, khoảng 89% trong số 10 triệu dân của Bồ Đào Nha đã tiêm ít nhất một liều vaccine, chỉ thấp hơn một chút so với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - nơi có tỷ lệ tiêm đứng đầu thế giới.

Trong khi đó, khoảng 65% người dân Mỹ và 73% người dân Anh nhận được ít nhất một liều vaccine.

Bồ Đào Nha ghi nhận trung bình 6 người chết/ngày trong tháng qua, giảm mạnh so với mức cao nhất là gần 300 người hồi tháng 1.

Số ca mắc mới được ghi nhận hàng ngày và số ca nhập viện đã có xu hướng giảm kể từ mùa hè. Cả nước hiện báo cáo trung bình khoảng 750 ca mắc mới mỗi ngày, so với gần 13.000 ca hồi tháng 1. Khoảng 320 người hiện nhập viện vì COVID-19 ở Bồ Đào Nha, giảm so với mức đỉnh là gần 6.700 người.

Người Bồ Đào Nha hầu như tin rằng thành công trong chiến dịch tiêm chủng của họ là nhờ Henrique Gouveia e Melo, một cựu chỉ huy tàu ngầm được bổ nhiệm điều hành việc tiêm chủng của đất nước sau một khởi đầu không mấy khả quan.

Theo các chuyên gia y tế công cộng, ông đã tận dụng tâm lý lo lắng của người dân trong đợt bùng phát tồi tệ nhất hồi tháng 1 để tiến hành tiêm chủng nhanh chóng. Cuộc khủng hoảng khi đó đã tạo động lực cho nhiều người có thể còn chần chừ về việc tiêm chủng.

a3

Bồ Đào Nha đã dỡ bỏ hầu hết hạn chế về COVID-19 từ ngày 1/10

“Bước đi từ từ” để trở lại

Ngày 1/10, Bồ Đào Nha đã dỡ bỏ hầu hết quy tắc hạn chế về COVID-19. Dẫu vậy, cuộc sống ở Lisbon vẫn phản ánh những hình ảnh quen thuộc trong những ngày mà COVID-19 còn là đại dịch ở đây.

Gel khử khuẩn có mặt ở khắp mọi nơi. Một số nhà thờ vẫn buộc dây để hạn chế số ghế ngồi nhằm đảm bảo giãn cách xã hội, dù chính phủ không yêu cầu điều đó.

Chứng nhận an toàn trước COVID-19 là bắt buộc tại các sự kiện lớn, và khẩu trang là vật dụng không thể thiếu đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng, học sinh từ 10 tuổi trở lên khi đến trường, và nhân viên trong các cửa hàng, nhà hàng và quán bar.

Tàu điện ngầm bắt đầu đón người đông đúc. Đội xe tuk tuk của Lisbon lại chở khách du lịch dọc theo những con đường nhỏ hẹp thuộc khu phố cổ của thủ đô. Cuộc sống về đêm ở thành phố sôi động suốt cả tuần. Các tuyến tàu điện nổi tiếng luôn tấp nập hành khách. Hầu như ngày nào cũng có một tàu du lịch lớn mới cập cảng.

Việc trở lại bình thường một cách thận trọng của Bồ Đào Nha - bất chấp tỷ lệ tiêm chủng khiến toàn thế giới ghen tỵ - đang được xem là một ví dụ khả thi cho các quốc gia khác học tập, khi tỷ lệ tiêm chủng của họ tăng lên và họ đang cân nhắc khi nào nên dỡ bỏ những hạn chế còn lại.

Cách tiếp cận của Bồ Đào Nha trái ngược với của Anh - đất nước đã dỡ bỏ tất cả hạn chế trong khi số người được tiêm chủng thấp hơn Bồ Đào Nha khoảng 16%, dẫn đến sự gia tăng mạnh số ca mắc và tỷ lệ tử vong leo thang.

a4

Người hâm mộ bóng đá đến Estadio da Luz ở Lisbon vào ngày 20/10 để xem đội Benfica đấu với đội Bayern Munich.

Paula Marques, chủ một cửa hàng lưu niệm ở Lisbon, cho biết: “Tôi cần khách du lịch, nếu không thì tôi không có việc làm, nhưng nếu số ca bệnh mỗi ngày cứ tăng lên, tôi cảm thấy lo lắng. Tôi hy vọng đại dịch sẽ là dĩ vãng ở Bồ Đào Nha, nhưng thành thật mà nói, tôi vẫn hơi lo lắng rằng sẽ có điều gì đó sẽ xảy ra khi thời tiết lạnh hơn”.

Các quốc gia khác có tỷ lệ dân số được tiêm chủng cao cũng chứng kiến tình trạng lây lan virus vẫn dai dẳng nhưng không dẫn đến sự gia tăng đáng kể tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong.

Miguel Campos, một phu xe tuk tuk phục vụ du khách ở Lisbon, chia sẻ: “Mọi thứ đang trở nên tốt hơn, nhưng chậm. Chúng tôi đang bước đi từ từ. Chúng tôi lạc quan và hy vọng rằng mọi việc sẽ tiếp tục trở lại bình thường”.

Valentim Gaspar, một người lái xe lam khác, cho biết trước đại dịch có 800 người lái xe như ông ở Lisbon, nhưng giờ chỉ có khoảng 200 người làm việc trong tuần và 500 người vào cuối tuần.

Ký ức không bao giờ quên

Bồ Đào Nha đã vượt qua làn sóng đại dịch đầu tiên vào đầu năm 2020 một cách tương đối bình yên. Tuy nhiên, số ca bệnh bắt đầu leo thang vào tháng 11 năm đó và sau đó là đợt bùng phát mạnh vào tháng 1 năm nay, phá tan suy nghĩ của một số người cho rằng đất nước này có thể thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất của đại dịch.

Vào đợt dịch cao điểm hồi tháng 1, trung bình một ngày ở Bồ Đào Nha có khoảng 290 người chết vì virus, tương đương với hơn 9.500 người nếu tính theo dân số ở Mỹ (Dân số Bồ Đào Nha là 10 triệu trong khi Mỹ là 329 triệu). Mức tử vong trung bình hàng ngày trong một tuần cao nhất ở Mỹ chưa bao giờ vượt quá 3.500 người. Điều này có nghĩa là Bồ Đào Nha từng ghi nhận tỷ lệ tử vong vì COVID-19 bình quân đầu người cao gấp 3 lần Mỹ.

a5

Du khách ngắm hoàng hôn dọc theo sông Tagus ở Lisbon.

Maria Mota, Giám đốc điều hành của Viện Y học Phân tử Lisbon, không bao giờ quên được thời điểm đó ở Bồ Đào Nha. Làm việc muộn vào một buổi tối tại phòng thí nghiệm của mình, từ cửa sổ, cô đếm được 52 xe cứu thương xếp hàng bên ngoài phòng cấp cứu của bệnh viện lớn nhất đất nước.

Tiến sĩ Mota cho biết COVID-19 ở Bồ Đào Nha hiện ở trong một “thời kỳ chuyển tiếp” từ trạng thái đại dịch sang trạng dịch bệnh đặc hữu bình thường.

Với những ký ức về cuộc khủng hoảng hồi tháng 1 còn đó, cùng nghi vấn về những gì sẽ xảy ra khi thời tiết lạnh hơn khiến mọi người tụ họp trong nhà nhiều hơn, hầu hết người dân Bồ Đào Nha tỏ ra rất thận trọng.

“Không ai có thể quên được tháng 1 vừa qua, nhưng giờ đây COVID-19 đã trở thành dịch bệnh đặc hữu, và chúng ta cần học cách sống chung với virus. Gần như toàn bộ dân số đã được tiêm phòng nhưng virus vẫn lây lan, điều này cho thấy nó sẽ không biến mất”, tiến sĩ Mota chia sẻ.

(Theo Wall Street Journal)

comment Bình luận

largeer