Bộ Giáo dục và Đào tạo khảo sát 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 tại tỉnh Thanh Hóa

Ngày 13/10, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hoàng Minh Sơn dẫn đầu đoàn công tác Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã khảo sát thực tế và làm việc với Trường Đại học Hồng Đức, tỉnh Thanh Hóa.
15/10/2023 09:49

Từng bước đổi mới nhưng còn khó khăn thực hiện tự chủ

Báo cáo tại buổi làm việc, Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức Bùi Văn Dũng cho biết: Ngay sau khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã xác định rõ đây là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư nguồn lực để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Về đổi mới chương trình đào tạo, giai đoạn 2013-2023, Nhà trường đã hoàn chỉnh được các trình độ đào tạo do trường cấp bằng từ trung cấp đến trình độ tiến sĩ; số lượng các ngành, chuyên ngành đào tạo tăng dần. Tính đến tháng 7/2023, Nhà trường đã và đang triển khai tổ chức đào tạo 6 chuyên ngành trình độ tiến sĩ, 20 chuyên ngành trình độ thạc sĩ, 36 ngành trình độ đại học. Các ngành, chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội và đáp ứng phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thanh Hóa và vùng phụ cận.

Về đổi mới công tác tuyển sinh, thực hiện Quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, nhà trường đã xây dựng Đề án tuyển sinh hàng năm và được cụ thể hoá bằng thông báo tuyển sinh và thông báo xét tuyển từng đợt. Để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, nhà trường đã xác định các tổ hợp môn thi tuyển, môn xét tuyển phù hợp với từng phương thức, chương trình đào tạo và có tính chất đặc thù đối với ngành đào tạo.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Riêng giai đoạn 2017-2022 đã tuyển sinh được 19.989 chỉ tiêu đạt 88,04% và tăng dần theo từng năm, từ 75% đến 100%. Một số ngành đào đào có điểm trúng tuyển cao.

Về đổi mới công tác quy hoạch đội ngũ, tổ chức bộ máy của nhà trường thường xuyên được rà soát, kiện toàn để phù hợp với tình hình thực tế và các quy định Nhà nước có liên quan; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, hoặc bỏ sót về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc; đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động của Nhà trường, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Giai đoạn 2013-2023, hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế của Nhà trường có bước phát triển vượt bậc, được triển khai đồng bộ, đa lĩnh vực. Trong đó, hoạt động nghiên cứu bước đầu đã hình thành được một số nhóm nghiên cứu liên ngành, đơn ngành để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp.

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hồng Đức Lê Viết Báu cho hay: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 đã có nhiều kết quả tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đặt ra. Trong đó công tác tự chủ đại học đã đạt được những bước tiến quan trọng, đặc biệt là tự chủ về chuyên môn, học thuật, ra đời nhiều ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thực tế.

Tuy nhiên, theo ông Lê Viết Báu trong quá trình tự chủ đại học, Trường Đại học Hồng Đức còn gặp nhiều khó khăn trong tự chủ bộ máy như: nhân sự, giảng viên ở một số nghành nghề đào tạo còn thiếu; quy định còn chồng chéo, bất cập trong hoàn thiện bộ máy; việc đầu tư của nhà nước cho giáo dục đại học địa phương còn nhiều khiêm tốn.

Cần những định hướng, đề xuất đúng đắn cho giai đoạn tiếp theo

Trao đổi tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian 10 năm đổi mới tại nhà trường và nhận định, để có những kết quả này, là một trường đại học trực thuộc địa phương, Trường Đại học Hồng Đức đã nhanh chóng thích nghi, tháo gỡ khó khăn và từng bước đổi mới.

Thứ trưởng nhận định: Trong bối cảnh cần thiết phải thay đổi để phát triển, lĩnh vực giáo dục đại học đã có những chuyển biến mang diện mạo mới. Việc nhìn lại kết quả đạt được trong 10 năm qua, chúng ta có cái nhìn sâu sắc, đánh giá toàn diện, đúng đắn, biết được những hạn chế, điểm nghẽn để có những đề xuất, định hướng đúng đắn trong thời gian, giai đoạn tiếp theo.

Về công tác lãnh đạo, thời gian qua trong các cơ sở giáo dục nói chung, cơ sở giáo dục đại học nói riêng phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng ủy, nhất là trong bối cảnh tự chủ đại học. Trao quyền nhiều hơn cho các cơ sở giáo dục thì yêu cầu về lãnh đạo của Đảng trong các cơ sở giáo dục đại học càng trở nên quan trọng.

Nhấn mạnh về vai trò của hệ thống giáo dục đại học là tập trung đào tạo trình độ cao, do đó Thứ trưởng lưu ý cần phải tập trung, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục bởi chất lượng gắn với hiệu quả đầu tư của cá nhân, của xã hội và phải đảm bảo đầu ra.

Đối với ngân sách đầu tư vào giáo dục đại học địa phương Thứ trưởng lưu ý: Địa phương, các trường cần phải làm rõ sứ mạng của nhà trường là gắn với sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và một số địa phương lân cận. Những ngành nghề nào được đào tạo thì phải theo nhu cầu và định hướng phát triển của địa phương. Khi xác định được điều này, các trường đại học sẽ làm tốt nhiệm vụ, vai trò của mình, không có sự chồng chéo về sứ mạng giáo dục.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, đổi mới trong quản lý nhà nước là điểm thay đổi căn bản, rõ rệt nhất trong thời gian qua. Từ chế độ bao cấp sang chế độ phân cấp. Phân cấp về quyền, về trách nhiệm, nguồn lực, cách tiếp cận vấn đề, kế hoạch. Tuy nhiên, quan điểm và nhận thức về đổi mới cần phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa.

Nhìn vào số lượng công bố khoa học tăng lên, Thứ trưởng nhận định, các trường đại học đã bước đầu tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học. Điều này là chuyển biến tích cực, thể hiện sự quan tâm của các nhà trường trong vấn đề nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo. Sinh viên được tham gia vào hoạt động nghiên cứu cũng là tạo ra tri thức cho địa phương và xã hội.

Thứ trưởng cho rằng, nhận thức về đổi mới của giáo dục đại học trong ngành giáo dục dù đã có nhiều thay đổi nhưng chưa thật sự đúng hướng, phù hợp chung với chuẩn thế giới. Bản thân ngành giáo dục cần phải thay đổi nhiều hơn nữa trong nội tại, quản lý tài chính, quản trị nhà trường. Những nhận thức thay đổi đúng hướng cần phải được truyền thông mạnh mẽ, lan tỏa toàn xã hội. Thông qua đó, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và nhân dân mới hiểu và ủng hộ sự đổi mới của ngành giáo dục. Từ đó, mọi nguồn lực để phát triển mới được thông thoáng, cởi mở.

Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

comment Bình luận

largeer