Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em cách ly tập trung

Bộ LĐ-TB&XH hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em từ 0-16 tuổi đang cách ly y tế tập trung và điều trị COVID-19. Mức hỗ trợ 80.000 đồng/cháu/ngày trong 21 ngày. Thời gian hỗ trợ tính từ ngày 27/4-31/12.
30/05/2021 10:25
screen-shot-20210529-at-94014-pm-1622299286841

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu trụ sở Chính phủ sáng 29/5

Đây là thông tin từ cuộc họp trực tuyến toàn quốc sáng 29/5 với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, bàn về tình hình và giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Hỗ trợ trẻ em: Việc cần kíp

Tính đến sáng ngày 28/5, Việt Nam đã có 6.396 ca nhiễm bệnh, 3.492 ca đang điều trị, số lượng ca F1, F2 cao và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động kinh tế - xã hội của cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, trong kết quả thống kê trên có 198 trẻ em thuộc diện F0 (chiếm 6 % số nhiễm bệnh) và 3.915 trẻ em thuộc diện F1. Thời gian tới, số liệu này có thể sẽ nhiều khi lượng cách ly tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tăng.

Công bố thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã quyết định hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em từ 0-16 tuổi đang điều trị, cách ly y tế tập trung. Thời gian áp dụng từ 27/4-31/12. Mức hỗ trợ 80.000 đồng/ngày/cháu trong 21 ngày, nguồn hỗ trợ từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam".

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ hỗ trợ cho 3 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Điện Biên mỗi tỉnh 1,2 tỷ đồng để phòng, chống dịch, trong đó có trường hợp trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tác động lớn tới việc làm

Bày tỏ đồng tình với báo cáo công tác phòng, chống dịch của Bộ Y tế và các bộ, ngành địa phương Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này còn ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động việc làm.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dịch bệnh tác động mạnh vào những ngành, nghề, khu vực, nhóm lao động chủ yếu, số lượng người có việc làm phi chính thức gia tăng do nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động thời gian dài.

screen-shot-20210529-at-93847-pm-1622299250063

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Do yêu cầu phòng dịch của nhiều địa phương, cơ hội tìm kiếm được việc làm trong khu vực chính thức gặp khó khăn. Nhiều người lao động buộc phải chấp nhận làm các công việc kém ổn định, thu nhập không cao. Ước tính ban đầu, gần 20 % lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh và khoảng 19% lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng.

Lao động ở khu vực thành thị cũng chịu bị tác động mạnh của dịch COVID-19 khi phải tiến hành các biện pháp phòng dịch tại các nhà máy, công xưởng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, một số ngành bị ảnh hưởng mạnh như nghệ thuật, vui chơi giải trí thu nhập của lao động bị giảm 5,2%, vận tải kho bãi thu nhập của lao động giảm 2,7%, dịch vụ lưu trú, ăn uống doanh thu giảm 3%, du lịch lữ hành doanh thu giảm 60,1%.

Hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng. Cả nước hiện có 40.000 lao động đã hoàn tất các thủ tục, nhưng chưa thể xuất cảnh.

Hàng triệu lao động bị ảnh hưởng gián tiếp và trực tiếp từ COVID-19

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến nay, tỉnh Bắc Giang tạm đóng cửa 4 khu công nghiệp với 322 doanh nghiệp cùng gần 150.000 lao động tạm ngừng việc. Tỉnh Bắc Ninh có 42.000 lao động trên tổng số 320.000 lao động phải ngừng việc. Thành phố Hải Phòng có hơn 30.000 lao động bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc và một số khu vực phong tỏa, giãn cách đã phải đóng cửa một số hoạt động sản xuất, kinh doanh không thiết yếu, làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng triệu lao động.

Đề xuất bổ sung ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất

Bày tỏ đồng thuận với chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: "Tôi thống nhất cao với chỉ đạo của Thủ tướng, cần tập trung triển khai các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, thần tốc trong công tác cách ly, khoanh vùng, truy vết. Giai đoạn này, bên cạnh phòng ngừa ở cộng đồng, tại các bệnh viện, cơ sở y tế thì cần chú trọng địa bàn chiến lược là các khu công nghiệp, khu chế xuất,  nơi có nhiều doanh nghiệp sử dụng hàng chục vạn lao động".

Với các địa phương có đông công nhân, người lao động như Đồng Nai, TPHCM cần quan tâm quản lý công nhân, thực hiện giãn cách, cách ly khi rà soát mắc SARS-CoV-2.

"Quản lý công nhân 2 chiều, cả ngày làm việc và ngày nghỉ. Triển khai quyết liệt, các biện pháp cách ly, nhưng vẫn phải quan tâm bảo đảm đời sống cho công nhân, người lao động", Bộ trưởng phát biểu.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng đánh giá biện pháp căn cơ vẫn phải là tiêm vắc xin đại trà để ứng phó với dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

"Đề nghị Thủ tướng bổ sung ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, các địa phương tăng cường quản lý xuất nhập cảnh, nơi cư trú, không để lọt các mầm bệnh. Việc hỗ trợ các địa phương, người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ LĐ-TB&XH đang hoàn thiện chính sách hỗ trợ, xin ý kiến các Bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Phúc Thanh - Hoàng Mạnh

comment Bình luận

largeer